Phố đi bộ hơn 170 tỷ ven đầm ở Lăng Cô tan nát do thủy triều dâng cao?

Lãnh đạo UBND tỉnh TT-Huế vừa chỉ đạo Sở Xây dựng, GTVT, lực lượng chức năng vào cuộc kiểm tra, làm rõ sự cố sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng tuyến đường đi bộ hơn 170 tỷ tại Lăng Cô.

Bờ kè xây năm 2000 vừa bị sóng đánh tan nát. Đơn vị tư vấn thiết kế khi khảo sát hiện trạng vào năm 2017 cho rằng, công trình ổn định nên không đề xuất giải pháp gia cố.

Bờ kè xây năm 2000 vừa bị sóng đánh tan nát. Đơn vị tư vấn thiết kế khi khảo sát hiện trạng vào năm 2017 cho rằng, công trình ổn định nên không đề xuất giải pháp gia cố.

Đơn vị tư vấn thiết kế mới đây cũng đã có những lý giải về sự cố hư hỏng công trình gây băn khoăn, bức xúc dư luận này.

Theo tìm hiểu của PV, dự án đường đi bộ hơn 170 tỷ tại Lăng Cô - thuộc quản lý, đầu tư của Ban Quản lý Khu Kinh tế, Công nghiệp (KTCN) tỉnh TT-Huế - khi lập hồ sơ đầu tư xây dựng, khâu tư vấn thiết kế đã không chú trọng vấn đề phòng chống, giảm nhẹ thiên tai cho công trình, mặc dù toàn tuyến đường dài hơn 3km này chạy dọc và tiếp xúc trực tiếp với bờ đầm Lập An (đầm nước thông với biển Lăng Cô).

Đây là vị trí hết sức nhạy cảm với thiên tai, sóng nước, do đầm Lập An cũng có chế độ thủy triều như trên vùng biển, thường xuyên chịu tác động của gió bão, nước dâng vào mùa mưa lũ. Tuy nhiên, khi tư vấn thiết kế, Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Giao thông TT-Huế đã “quên” đặt vấn đề thiết kế kết cấu công trình có chức năng phòng, chống thiên tai ở cấp độ nặng.

Mặc dù nằm ngay bên sóng nước đầm phá, nhưng công trình này chỉ có chức năng phục vụ đi bộ ngắm cảnh, không chịu được lực va đập sóng.

Ông Nguyễn Công Bình - Phó trưởng ban Quản lý Khu KTCN tỉnh TT-Huế, trả lời báo chí đã cho biết: “Công trình này bảo đảm cho người đi bộ, ngắm cảnh chứ không phải công trình chỉnh trị sóng, chịu lực va đập sóng”.

Được biết, bờ kè đá hộc bảo vệ tuyến đường Nguyễn Văn phía bờ đông đầm Lập An xây dựng từ năm 2000, đến nay đã qua 20 năm sử dụng. Năm 2017, khi khảo sát tuyến đường Nguyễn Văn để lập hồ sơ đầu tư dự án phố đi bộ, Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế Giao thông TT-Huế đánh giá bờ kè đá bảo vệ tuyến đường là ổn định, nên không đề xuất giải pháp gia cố, nâng cao khả năng chống chịu tác động của thiên tai.

Ông Nguyễn Trọng Giang, Phó Giám đốc Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông TT-Huế lý giải, thông thường loại bờ kè như ở đường Nguyễn Văn có tuổi thọ 50 năm. Thời điểm khảo sát phục vụ tư vấn thiết kế phố đi bộ, bờ kè có thời gian sử dụng chưa đầy 20 năm, do đó đơn vị không đề xuất giải pháp gia cố hay làm kè mới, mà tận dụng công trình cũ. Mặt khác, về quy hoạch lâu dài, tuyến đường Nguyễn Văn mở rộng về phía đầm Lập An, nếu làm kè mới sẽ gây lãng phí.

Tuy nhiên, trước thắc mắc tuyến kè đá hộc chỉ có công năng bảo vệ đường Nguyễn Văn theo nguyên trạng cũ ban đầu, với vỉa hè nhỏ dễ thoát nước mặt nhanh về phía đầm. Khi xây dựng phố đi bộ, bờ kè cũ không thể đủ tải do kết cấu vỉa hè mới lát gạch tezzazo và dầm bê tông có trọng lượng hàng trăm tấn chồng đè lên, công năng kè thay đổi. Đơn vị tư vấn vì sao không căn cứ vào thực tế thay đổi công năng công trình để có giải pháp xử lý chịu lực, chịu tải phù hợp, đặc biệt khi có thiên tai, bão lũ…; ông Nguyễn Trọng Giang đã không thể đưa ra được câu trả lời thỏa đáng.

Kè đá hộc thay đổi công năng nhưng ngay khâu thiết kế không tính phương án gia cố, gia cường khả năng chịu sóng lớn, triều dâng.

Ông Nguyễn Trọng Giang lý giải, do cơn bão số 13 đi sát bờ tỉnh TT- Huế vào 0h ngày 15/11 trùng vào ngày mùng 1 tháng 10 âm lịch, nhằm ngay đỉnh triều nên mực nước triều cực lớn. Thủy triều dâng rất cao, từ 1,6 đến hơn 1,7 mét (bình thường chỉ dâng cao từ 0,2 đến 0,4 mét). Ông Giang cho rằng, thủy triều và nước biển dâng rất lớn nên Quốc lộ 1 qua thị trấn Lăng Cô và đường dự án đi bộ đã bị ngập, dẫn đến hư hỏng công trình.

Tuy nhiên, có một thực tế, trong cơn bão Ketsana (bão số 9) năm 2009, PV từng có mặt cùng đồng nghiệp Báo Thừa Thiên-Huế tại Lăng Cô. Thời điểm đó, tuyến Quốc lộ 1 qua tổ dân phố Lập An - Lăng Cô cũng bị nước đầm Lập An dâng cao, gây ngập nhiều đoạn làm ách tắc giao thông, xe cộ không thể lưu thông qua đoạn đường này. Đường Nguyễn Văn cũng bị ngập sâu. Tuy nhiên, công trình kè đá hộc ở đường Nguyễn Văn sau bão Ketsana kèm sóng đầm dâng cao đã không bị hư hỏng hàng loạt như hiện nay. Thời điểm bão 2009, sóng nước tràn lên từ đầm Lập An qua đường Nguyễn Văn dễ dàng thoát xuống trở lại, mà không gặp phải vật cản gây áp lực tác động, xói lở xuống bờ kè đá hộc như công trình vỉa hè phố đi bộ đông đầm Lập An hiện tại.

Công trình nằm ven đầm phá, khi hư hỏng tan nát lại bị 'quy' do thủy triều dâng cao, sóng lớn tàn phá.

Theo một kỹ sư chuyên về thủy lợi tại TT-Huế cho biết, khi xây dựng vỉa hè phố đi bộ đè lên bờ kè cũ ở đường Nguyễn Văn, nếu chân kè lâu năm được gia cố bằng khung dầm bê tông cốt thép kiên cố trên toàn tuyến, mức độ thiệt hại sẽ không như hiện nay…

Liên quan công trình dự án đường Đông đầm Lập An bị “cày nát” do không chịu nổi sóng gió từ đầm phá, trước đó, như tin đã đưa, sau cơn bão số 13, dự án đường đi bộ trị giá hơn 170 tỷ đồng tại thị trấn Lăng Cô trở nên tan nát như gặp động đất; bê tông nát vỡ như lu nghiền, dù đây chỉ là cơn bão khi ảnh hưởng vào đất liền địa bàn TT-Huế chỉ có mức gió ở mức cấp 8, cấp 9. Vụ việc khiến dư luận, người dân bức xúc.

Ngọc Văn

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/ban-doc/pho-di-bo-hon-170-ty-ven-dam-o-lang-co-tan-nat-do-thuy-trieu-dang-cao-1763295.tpo