Phố đi bộ Bùi Viện cần có sức hút riêng

Sau gần ba tuần khai trương, phố đi bộ Bùi Viện trở thành một biểu trưng mới của du lịch TP.HCM bên cạnh những hình ảnh quen thuộc như chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà, dinh Thống Nhất... Thế nhưng, để phố đi bộ Bùi Viện trở thành một sản phẩm du lịch mới vẫn còn là câu chuyện dài.

Khi chuyển sang tiếng Anh, phố đi bộ Bùi Viện được dịch thành Bui Vien walking street.

Một trong hai cổng chào ở đầu đường Bùi Viện…

Quán bún bò Huế Út Huệ trên đường Đỗ Quang Đẫu… Đây là một điểm ăn đêm của khá đông khách khi đến khu Bùi Viện.

… cảnh đông đúc vào dịp cuối tuần.

“Walking street” hay “tourist zone”?

Và cái tên này đã gây nhiều tranh cãi đối với những nhà kinh doanh du lịch và lữ hành. Anh A.P - một cựu chuyên gia Bộ Ngoại giao Việt Nam, giờ là một nhà tư vấn - cho rằng “walking street” không chỉnh về mặt ngôn ngữ. Nếu dịch chính xác, chỉ có thể là “no traffic zone” hay “pedestrian area”. Nhưng nếu vậy, phố đi bộ cũng chỉ là phố dành cho người đi bộ, không nổi bật được một thương hiệu du lịch mới mà thành phố đang xây dựng. Hơn nữa, nó cũng rất nhạy cảm khi mà “walking street” là một sản phẩm du lịch nổi tiếng của thành phố Pattaya, Thái Lan khi mà các “điểm đèn đỏ” đều tụ về nơi đây.

Cô Nguyễn Thị Minh Phương - Giám đốc Tiếp thị của Winway Travel - cũng đồng ý như vậy. Cô cũng cho rằng phố đi bộ Bùi Viện trong tương lai cần được quy hoạch rõ ràng hơn và mở rộng thành “tourist zone” - “khu phố dành cho du khách” - như đúng cái tên khu Tây balô. Cô nói du khách nước ngoài không chỉ tập trung ở Bùi Viện, mà còn lan sang các con đường xung quanh như Đề Thám, Đỗ Quang Đẩu, Phạm Ngũ Lão…

Mở cửa đến 2h sáng, phố đi bộ Bùi Viện đã giúp xóa đi “tai tiếng” cho ngành du lịch về “sự buồn tẻ khi sau 10h tối các nơi đều đóng cửa và không có chỗ để đi” - một giám đốc người Singapore đang sinh sống tại TP.HCM phát biểu.

Đi tìm hồn của phố…

Nguyễn Thị Minh Phương - cũng là một giảng viên ngành du lịch, nói Bùi Viện sẽ trở thành một biểu trưng mới của ngành du lịch Việt Nam và sẽ thu hút hơn cả phố đi bộ Nguyễn Huệ đầy hào nhoáng. Cô nói: “Ở đây, người ta có thể cảm nhận được nhịp sống và hơi thở sinh hoạt hàng ngày của người dân thành phố”.

Nhưng để trở thành một sản phẩm du lịch thu hút khách, phố đi bộ Bùi Viện không chỉ là nơi khách có thể tản bộ cuối tuần mà phải có sức hút riêng. Phương gọi đó là “hồn của phố”.

Chính quyền địa phương quy hoạch cụ thể số khách sạn, nhà hàng, quán bar và tiệm ăn… Cuối tuần thì có các chương trình ca nhạc và biểu diễn nghệ thuật. “Một chương trình ca nhạc dân tộc truyền thống của Việt Nam hay một chương trình biểu diễn nghệ thuật hiện đại vẫn còn là ẩn số để thu hút khách. Tuy nhiên, tôi nghiêng về nghệ thuật dân tộc bởi khi đến Việt Nam khách phải được xem nghệ thuật Việt Nam” - Phương nhận xét.

Ở khía cạnh khác, sản phẩm du lịch tại “phố đi bộ Bùi Viện” cần có sắc thái Việt Nam hơn.

Phố đi bộ Bùi Viện còn là nơi giới thiệu với du khách một thế giới đa văn hóa tại TP.HCM. Bà Dương Thủy - một nhà báo chuyên ngành du lịch trong hai thập niên là người phụ trách truyền thông của Hiệp hội Du lịch TP.HCM - nói du khách đến Bùi Viện không chỉ là những người mua tour, lưu trú và các dịch vụ rẻ tiền mà còn có các doanh nhân của các tập đoàn muốn tìm hiểu sức khỏe nền kinh tế và tình hình thị trường Việt Nam thông qua con phố nổi tiếng này. “Bùi Viện là thế giới đa văn hóa thu nhỏ tại Việt Nam. Du khách thuộc các sắc tộc khác nhau trên thế giới quy tụ về đây mang theo các món ăn bản địa và các trào lưu ẩm thực thế giới. Chính từ các con phố và hẻm nhỏ của khu Bùi Viện, các món ăn đường phố và phần nào đó đời sống và nếp sống của người Việt Nam được giới thiệu với thế giới”.

“Phố Tây balô” - như Lonely Planet hay các cẩm nang du lịch của thế giới thường gọi - có cái hồn rất riêng. Rất nhiều du khách vẫn nhớ đến Sinh Cafe hay Kim Travel từ những ngày đầu thành lập. Sinh Cafe, Kim Travel và những hộ dân ở Bùi Viện đã trở thành những chủ doanh nghiệp giàu có nhờ những du khách đến Sài Gòn từ những ngày Việt Nam mới mở cửa với thế giới bên ngoài. Cho dù sau này, Bùi Viện có thêm khách sạn hiện đại kiểu con nhộng như Kateiki Hotel, du khách vẫn nhớ đến khách sạn ít tiền, các dịch vụ ăn uống, du lịch rẻ và tiện lợi trước đây. Bà Dương Thủy nói: “Sinh Cafe hay Kim Travel giống như di sản và cái hồn của Bùi Viện”.

Hồ Nguyên Thảo

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/pho-di-bo-bui-vien-can-co-suc-hut-rieng-d61548.html