Phố của người đẹp xứ Tuyên

Tôi cầm máy ảnh nên MÊ SẮC ĐẸP của những người phụ nữ, đặc biệt là con gái Tuyên Quang. Mấy năm trước trong chuyến đi Cà Mau, tôi dừng chân bên một nhà hàng trong rừng đước ngút ngàn.

Thấy tôi cứ nhìn các cô gái đeo khăn rằn, một người trung niên dáng ông chủ ra hỏi:

- Anh đến đây mấy lần rồi?
- Tôi đến đây lần đầu!
- Hèn gì! Anh nhìn cô bé dữ quá! Con gái Cần Thơ
đó anh!
- À “Cần Thơ gạo trắng nước trong” nên con gái
đẹp thật!
- Bằng chi con gái Tuyên Quang! “Chè Thái gái Tuyên” anh ơi!
- Sao anh biết?
- Hè năm nào chả có vài chục cô gái từ Tuyên Quang vào thăm mũi Cà Mau hả anh? Vào đây thế nào họ cũng dừng chân ở quán của tôi! Thế anh ở đâu?
- Tôi ở Tuyên Quang!
- Trời ơi Tuyên Quang là một MIỀN GÁI ĐẸP! tôi ước ao một lần ra đó lắm.

Trông cái ông Năm củ mỉ, củ mì, da đen sạm vì nắng, gió biển Cà Mau, nơi gần xích đạo nhất nước này, lại mê gái đẹp Tuyên Quang đến thế khiến tôi hồ hởi, uống thêm một cốc rượu to tướng chế từ quả Sim tím mọng mọc đầy rừng đước này, tôi hỏi:

Ảnh: Nguyễn Chính

Anh biết gì về miền gái đẹp Tuyên Quang?

Này anh! Người ta gọi Tuyên Quang quê anh là Miền gái đẹp, vì quê anh ở miền núi, khí hậu, thổ nhưỡng tuyệt vời không nóng như ở đây; gái dân tộc ở nhiều xã vùng sâu trong các huyện Lâm Bình, Nà Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Sơn Dương, Yên Sơn của các anh, rồi con gái các tỉnh lên Tuyên Quang làm ăn đều tập trung ở thị xã Tuyên Quang, nên chúng tôi gọi đây là Miền gái đẹp đấy! Tôi chỉ thắc mắc khởi nguồn của việc chọn gái đẹp thành Tuyên từ bao giờ mà Tuyên Quang nhiều cô gái đẹp thế?

Tợp một hớp rượu nữa, anh ta lại hỏi: cô Nguyễn Minh Phương là Á hậu năm 1992; cô Tô Hương Lan á hậu năm 1994; hai chị em Thủy Hương và Mỹ Hạnh là hai người mẫu đẹp nức tiếng; Thu Hà diễn viên điện ảnh; Dương Thanh Chấn là người mẫu; Á hậu thể thao là Phạm Tâm Thanh... Và Đệ nhất Mỹ nhân Thành Tuyên là Nguyễn Ánh Hạ hay Hạ Bảo Khuê vang danh cả nước... đúng không anh?

Anh ta làm tôi choáng! Dân Cà Mau mà biết gái Tuyên Quang khiếp thế!

Men rượu Sim bắt đầu bốc lên mặt, khiến tôi càng hào hứng! Không để anh ta nói, tôi kể anh ta nghe về Đệ nhất Mỹ nhân Thành Tuyên, người Tam Cờ, nơi khởi đầu cho việc thi chọn các cô gái đẹp thành Tuyên.
Cô Hạ là con một nhà tư sản lớn ở phố trên của phố Tam Cờ. Trước những năm 1955 phố Tam Cờ chạy từ Cầu Chả lên Ngã ba Quảng Tường, phố trên bắt đầu tính từ đầu Nhà Đoan lên đến bến Pha Lô, phố này có nhiều nhà gạch xen lẫn các nhà mái lá và những hàng cây cổ thụ to lắm. Bố bà là ông Nguyễn Đình Khoát, mẹ bà Đỗ Thị Lan có tới 15 căn nhà xây cho thuê ở Tam Cờ Tuyên Quang và Cầu Gỗ của Hà Nội. Ông bà sinh ra 10 người con, tất cả đều được học hành chu đáo. Ông anh cả tên là Nguyễn Bảo Khuê, một công tử rất mê du hý, đến nỗi mua sắm cả ngựa lẫn súng săn để một mình một ngựa lên núi Dùm trên đỉnh Tràng Đà nhìn xuống thị xã. Trước khi xuống núi, ông lấy mũi dao nhọn khắc vào tường cái nhà gạch của Pháp trên đỉnh núi hòng lưu danh thiên cổ. Ông có cô em gái thứ sáu có cùng sở thích với ông là Ánh Hạ nên có lần ông cũng sắm ngựa cho cô để rồi hai anh em cùng đoàn tùy tùng rong ruổi đường núi lên đến tận dinh của vua Vương Chí Sình ở Sà Phìn - Đồng Văn, khiến con trai ông là Vương Quỳnh Sơn không khỏi xiêu lòng.

Trong mười người con của ông bà tư sản Nguyễn Đình Khoát đó, hai chị em cô Xuân - Hạ là hai người phụ nữ có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành nhất ở cái miền sơn cước này, nhưng cô gái Ánh Hạ sắc sảo hơn. Cô Hạ giỏi thể thao, nói tiếng Pháp như người Pháp, làm một số người Pháp trên tòa Chánh sứ mỗi khi gặp không khỏi không nhìn theo. Cô đẹp đến mức trước khi tiêu thổ kháng chiến đi tản cư, đã có ba người đàn ông cùng lúc đem lòng yêu cô. Ba người đó có một người là một sỹ quan của quân đội, một ông thầy thuốc nổi tiếng ở Tam Cờ; một ông giáo Hà Nội lên dạy ở tỉnh, tiếng tăm như cồn ở Tuyên Quang... nhưng hình như cả ba không ai lọt mắt xanh của cô.

Mấy chục năm sau, tôi lại được nghe những người cháu của cô Hạ và những người già sống lâu ở Tam Cờ kể rằng, những năm 40 của thế kỷ trước, khi Hà Nội - Nam Định - Sài Gòn tổ chức thi người đẹp, thì ở thị xã Tuyên Quang này, người ta đã tổ chức thi người đẹp ở đây. Rất nhiều cô gái đẹp ở thị xã, ở các Châu như Chiêm Hóa, Nà Hang về thi thố, nhưng không ai vượt nổi sắc đẹp của cô Hạ dân Tam Cờ và cô được mệnh danh là Đệ nhất Mỹ nhân Thành Tuyên từ ngày ấy.

Rót cho tôi cốc rượu Sim ngọt lừ nữa anh Năm hỏi:

- Sau cô Hạ ở Tuyên Quang còn ai đẹp như thế không?

Nhiều lắm, không ai nhớ hết. Sau những năm 60, ở thị xã có bộ ba nàng Kiều Nguyễn Thị Oanh, Trần Thị Vân Tam Cờ, Trần thị Long ở Xuân Hòa; rồi thì Vũ Thị Kim Chung tóc dài ở Xã Tắc. Ngoài ra còn con gái Xuân Hòa, con gái Minh Tân, đặc biệt con gái ở xã Phúc Sơn huyện Chiêm Hóa; con gái vùng Thổ Bình nay thuộc huyện Lâm Bình; con gái vùng Thượng Lâm, Nà Hang nhiều cô trắng đẹp xinh về thị xã sinh sống làm cho thị xã bên dòng Lô rất nhiều con gái xinh đẹp. Trong vô số các cô con gái đẹp hồi đó có Á hậu Tô Hương Lan, được người ta tặng cho danh hiệu “Nhất Bắc Kỳ, nhì cả nước” trong kỳ thi chọn người đẹp năm 1994 đấy, cô ấy nhà ở Quang Trung, nhưng trước năm 1955 đây là phố Tam Cờ đấy, nhà cô cùng dãy và cách nhà cô Hạ em ông Bảo Khuê chưa đầy hai chục mét.

Tại sao Tuyên Quang nhiều gái đẹp thế? Vì: Tuyên Quang là đất Mẫu!

Phí Văn Chiến

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/pho-cua-nguoi-dep-78260