Phố cũ và hồi ức của mẹ

Cuối tuần, cô tạm hoãn những cuộc vui để đến với mẹ. Trong cuộc điện thoại gần nhất, cô nhận thấy mẹ có gì đó chạnh buồn và muốn về thăm lại phố cũ. Nơi ấy có ngôi nhà anh trai của mẹ và gắn với bao kỷ niệm một thời tuổi trẻ...

Hà Nội chớm đông, những hàng cây sao đen vẫn xếp hàng thẳng tắp trên con phố xưa, gió lạnh khẽ lay trên hàng cây cao vút. Cô và mẹ dắt tay nhau thong thả dạo bước ngắm phố. Qua từng con ngõ, góc phố, mẹ kể cho cô nghe những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ gắn liền với nơi đây.

Mẹ vốn không phải người Hà Nội gốc. Bà được anh trai đưa về Hà Nội ăn học sau những ngày hòa bình lập lại. Một cô gái tỉnh xa với bao bỡ ngỡ của những ngày đầu tiên đặt chân đến mảnh đất Hà thành hoa lệ. Bà học tập trung ở trường, cứ mỗi cuối tuần, anh trai của bà lại đến đón em về nhà chơi. Đến tận bây giờ, bà vẫn còn nhớ như in cảm giác ấm áp tình thân của anh trai và chị dâu dành cho mình. Chị dâu không phân biệt người phố hay người quê, luôn dành cho em chồng tình cảm thương quý và thật gần gũi xiết bao.

Ảnh minh họa.

Phố bây giờ đã khác xưa nhiều, sầm uất và náo nhiệt hơn. Mẹ cô bảo: “Ngày xưa, những phố như Lò Đúc, Lê Ngọc Hân, Trần Xuân Soạn... thanh vắng lắm chứ không đông đúc hàng quán san sát như bây giờ”. Trưa đến, hai mẹ con cùng ghé quán cháo khá nổi tiếng trên phố Trần Nhân Tông. Khách ra vào tấp nập bởi cháo ở đây ngon và nấu chuẩn vị truyền thống.

Trước đây, quán chỉ bán cháo gà, nhưng gần đây do nhu cầu của thực khách nên bán thêm cháo tim, cật, thịt xay... Vẫn theo nếp xưa, mẹ cô gọi món cháo gà. Bát cháo nóng hổi được bưng ra. Khẽ gẩy thêm chút hạt tiêu, đảo đều lên, ta cảm nhận hương thơm của thứ gạo tẻ mới gặt, quyện cùng hành lá, mùi tàu, thật hấp dẫn.

Đưa thìa cháo vào miệng, đọng nơi đầu lưỡi là vị ngọt của nước xương ninh kỹ chứ không phải mỳ chính, cháo nấu nhuyễn, thịt gà chín mềm vừa phải... Khách có thể gọi thêm đĩa quẩy giòn rụm cắt nhỏ ăn kèm.

Ăn trưa xong, hai mẹ con lại nhẩn nha vòng qua phố Bùi Thị Xuân để về “phố cà phê” Triệu Việt Vương. Chọn một quán nhỏ xinh nhìn ra ngã tư giao cắt giữa Triệu Việt Vương và Tuệ Tĩnh, hai mẹ con cùng uống cà phê và ngắm dòng người tấp nập ngoài kia. Mẹ đận đà kể chuyện ngày mới ra trường, anh trai của mẹ dặn dò em gái ra sao.

Bởi công việc của mẹ thuộc ngành CA nên bác khuyên mẹ phải thật cẩn trọng trong công việc. Rồi mẹ của cô ôn lại những kỷ niệm vui nho nhỏ liên quan đến công việc ngày mới bước vào ngành CA. Có một chuyện khá kỳ khôi, tuy là CA mà có lần mẹ bị kẻ gian móc mất ví ở chợ Kỳ Đồng. Đây cũng là bài học về việc cần phải cẩn trọng mọi nơi mọi lúc.

Đi qua một rạp chiếu phim cũ trên phố Huế, giờ đã chuyển đổi mục đích sử dụng. Mẹ cô ôn lại, ngày xưa các địa điểm giải trí rất ít, thế nên cuối tuần, các bạn trẻ thường rủ nhau đi xem phim. Có những phim mẹ xem đi xem lại tới 4 lần vì đi với các nhóm bạn khác nhau. Cô đùa: “Ơ, thế hóa ra ngày xưa mẹ của con cũng nhiều bạn, “tốn giai” phết nhỉ”. Hai mẹ con cùng bật cười...

Chiều muộn, đưa mẹ về nhà, cô nhận thấy bà rất vui, nhìn bà linh hoạt như một con người khác. Cô chợt nghĩ, đôi khi, hạnh phúc của người già chỉ giản dị vậy thôi... nhưng chúng ta thường vô tâm “bỏ quên” vì mải miết cuốn vào vòng xoáy áp lực của mưu sinh...

Vy Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/pho-cu-va-hoi-uc-cua-me-127192.html