Phó CT Hội Sở hữu trí tuệ TPHCM nói về tranh chấp bản quyền 'Tinh hoa Bắc Bộ'

Vụ kiện tranh chấp bản quyền vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn và khán giả trong nước bởi đây là lần thứ hai tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ một tác phẩm nghệ thuật được xét xử, sau vụ án bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt.

Hình ảnh vở diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ

Hình ảnh vở diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ

Theo thông tin từ TAND TP Hà Nội, phiên tòa sơ thẩm vụ kiện tranh chấp bản quyền vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội và bị đơn Công ty Cổ phần Đầu tư Tổng hợp Truyền thông DS do đạo diễn Nguyễn Việt Tú làm giám đốc được đưa ra xét xử công khai vào chiều 14/3. Được biết trước khi đưa vụ việc ra tòa, Công ty Tuần Châu Hà Nội từng 2 lần gửi giấy mời làm việc cho đạo diễn Việt Tú nhưng không thành.

Vụ kiện này thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn và khán giả trong nước bởi đây là lần thứ hai tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ một tác phẩm nghệ thuật được xét xử, sau vụ án bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt.

Việc tranh chấp bản quyền vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ bắt đầu từ năm 2017 sau khi Công ty Tuần Châu Hà Nội công diễn vở thực cảnh và thu hút sự quan tâm của dư luận. Tinh hoa Bắc Bộ cũng là tác phẩm nhận kỉ lục Guinness Show diễn có sân khấu mặt nước lớn nhất Việt Nam và Show diễn có số lượng diễn viên là nông dân đông nhất Việt Nam. Tuy nhiên, đạo diễn Việt Tú cho rằng Tinh hoa Bắc Bộ đã "đánh cắp" ý tưởng từ vở diễn thực cảnh Ngày xưa (hay còn gọi là Thuở ấy xứ Đoài) mà anh từng cộng tác thực hiện với Tuần Châu Hà Nội trước đó và khẳng định anh mới là chủ nhân ý tưởng sân khấu thực cảnh đầu tiên ở Việt Nam.

Mặt khác, phía Tuần Châu cho rằng, họ là đơn vị đầu tư xây dựng kịch bản vở diễnNgày xưa nên phải được sở hữu quyền tác giả. Tuy nhiên, đạo diễn Việt Tú đã tự ý đăng kí bảo hộ quyền tác giả với tác phẩm tại Cục Bản quyền; khai thác trái phép nhãn hiệu Thuở ấy xứ Đoài. Do đó, tháng 3/2018, chủ đầu tư Tinh hoa Bắc Bộ đâm đơn kiện Việt Tú, yêu cầu bồi thường 6,2 tỉ đồng với lí do đạo diễn cố ý xâm phạm, chiếm đoạt quyền sở hữu khi tự ý đăng kí bảo hộ quyền tác giả, kịch bản, ý tưởng sân khấu thực cảnh. Đồng thời, nam đạo diễn phải trả lại quyền sở hữu tác phẩm cho Tuần Châu.

Những thông tin xoay quanh vụ tranh chấp này đã tốn không ít giấy mực của giới truyền thông và việc phân định quyền sở hữu trí tuệ một tác phẩm nghệ thuật cũng nhận được sự quan tâm từ dư luận trong nước. Vậy, quy định của pháp luật Việt Nam về quyền sở hữu trí tuệ trong câu chuyện này ra sao? Để trả lời câu hỏi, báo Pháp luật và Xã hội đã có cuộc trò chuyện với luật sư Phan Vũ Tuấn - Phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TPHCM (SHTT) làm rõ một số vấn đề xoay quanh vụ kiện trên.

Luật sư Phan Vũ Tuấn - Phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP HCM

Trả lời trên báo An ninh thủ đô ngày 10/8/2018, đạo diễn Việt Tú cho biết anh sẵn sàng nộp 5 kg hồ sơ tư liệu trước tòa để chứng minh quyền tác giả đối với vở diễn Ngày xưa, đồng thời cho rằng Tinh hoa Bắc Bộ đã sao chép toàn bộ ý tưởng, bối cảnh từ Ngày xưa.

Tuy nhiên theo luật sư Phan Vũ Tuấn, đây là một điều rất dễ gây nhầm lẫn cho ngay cả những người có kiến thức pháp luật về lĩnh vực quyền tác giả, bởi luật Sở hữu trí tuệ quy định về quyền tác giả (luật SHTT) không bảo hộ ý tưởng mà chỉ bảo hộ hình thức thể hiện của ý tưởng đó. Điều này được thể hiện tại khoản 1 Điều 6 luật SHTT, có nghĩa là: một bài hát được viết với chủ đề về tình yêu thì không có nghĩa là các bài hát khác không được viết về chủ đề đó nữa hoặc phải xin phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả để được viết bài hát khác về chủ đề tình yêu.

"Các bài hát về tình yêu có thể cho ta cảm giác giống nhau về ý tưởng vì chúng thể hiện đặc trưng của chủ đề này như giận hờn hay thắm thiết, đau khổ hay hạnh phúc, cảm xúc mãnh liệt... Nhưng đó là những đặc trưng của chủ đề này, luật SHTT chỉ bảo vệ cái cách mà bài hát về chủ đề tình yêu được thể hiện ra bằng những nốt nhạc, những lời bài hát cụ thể. Luật SHTT sẽ không cấm một bài hát được sáng tác về sự hạnh phúc của hai người yêu nhau vì đã có bài khác được đăng ký cho nội dung tương tự rồi.

Trong trường hợp của hai vở diễn Ngày xưa và Tinh hoa Bắc Bộ, chúng tương tự nhau về ý tưởng là vì mục đích của chủ đầu tư - Công ty Tuần Châu Hà Nội (TCHN) là dựng nên một tác phẩm sân khấu với chủ đề về sinh hoạt của người dân vùng văn minh lúa nước nghìn năm lịch sử. Đương nhiên nhắc đến chủ đề này, với một hiểu biết trung bình, một người bình thường sẽ mường tượng được nó sẽ bao gồm các hoạt động về nông nghiệp cày cấy, đồng giao, quan họ, hội làng... Đó là những đặc trưng rất dễ nhận biết và không cần phải sáng tạo ra.

Không thể nói là đã có tác phẩm được đăng kí có nội dung về những hoạt động này rồi nên những tác phẩm khác không được sáng tác về ý tưởng sinh hoạt của người dân vùng văn minh lúa nước hay sáng tác nhưng không được thể hiện các hoạt động về nông nghiệp, đồng giao, quan họ, hội làng... Chúng ta vẫn rất hay nhầm lẫn khi kết luận tác phẩm này xâm phạm quyền tác giả của tác phẩm kia vì cảm thấy chúng "sem sem" hay là "đạo ý tưởng" của nhau. Do đó, việc đạo diễn Việt Tú nói là "ý tưởng bị sao chép", hay "được lấy cảm hứng không hề nhẹ" là chưa chính xác khi kết luận đó là yếu tố quyết định việc tác phẩm Tinh hoa Bắc Bộ xâm phạm quyền tác giả với tác phẩm Ngày xưa", luật sư Phan Vũ Tuấn phân tích.

Cũng trong bài chia sẻ trên báo An ninh thủ đô ngày 10/8/2018, đạo diễn Việt Tú cho biết tại buổi trình diễn của Tinh hoa Bắc Bộ, một khán giả đã livestream vở diễn lên mạng xã hội. Phía đạo diễn Việt Tú tình cờ biết được và trích ra các hình ảnh trong đoạn livestream này để làm tư liệu so sánh với vở Ngày xưa. Hành động này được phía luật sư đại diện pháp lí cho công ty của nam đạo diễn cho là hợp pháp khi sử dụng hình ảnh livestream đó từ nguồn công khai, tuy nhiên Phó chủ tich Hội SHTT TP HCM lại không nghĩ như thế.

Luật sư Phan Vũ Tuấn nói: "Đây lại là một vấn đề cần phải được nhắc đến. Rõ ràng, hành vi livestream vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ khi không được sự cho phép của chủ sở hữu (Tuần Châu Hà Nội) là hành vi bất hợp pháp. Phía đạo diễn Việt Tú đã biết hành vi này không đúng, nhưng vẫn cố tình khai thác điều mình muốn từ hành vi này thì liệu có thể xem là hoàn toàn hợp pháp?

Một ví dụ dễ hình dung, chúng ta biết được một chiếc xe máy là tài sản có được từ hành vi trộm cắp của người khác, chúng ta vì có nhu cầu vẫn sử dụng chiếc xe đó dù biết rằng đó là tài sản có được từ hành vi phạm pháp của người khác thì có được xem là ngay tình hay hợp pháp không?

Đương nhiên là không, không ngay tình và cũng không hợp pháp, nghĩa vụ của chúng ta là phải báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để chấm dứt việc vi phạm đó, trả tài sản lại cho chủ sở hữu, chúng ta không có quyền khai thác nó cho nhu cầu của mình. Chưa đề cập đến vấn đề ai đúng ai sai với tranh chấp về quyền tác giả của hai tác phẩm, hành vi thu thập chứng cứ từ livestream của vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ để làm chứng cứ chứng minh cho việc xâm phạm quyền tác giả với tác phẩm Ngày xưa của phía đạo diễn Việt Tú chưa có thể xem là hoàn toàn hợp pháp được".

Nói về vấn đề ai là chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm Ngày xưa và việc đăng kí quyền tác giả với tác phẩm đó trên cơ sở pháp lí, luật sư Phan Vũ Tuấn cho biết: "Theo Điều 39 Luật SHTT 2005, tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng với tác giả sáng tạo ra tác phẩm là chủ sở hữu các quyền tác giả. Và căn cứ theo Điều 19 luật này hay rộng hơn là tại Điều 6 Bis Công ước Berne mà Việt Nam đã gia nhập về việc bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật, nếu tác giả không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả thì chỉ có các quyền nhân thân (quyền tinh thần theo cách gọi tại Công ước Berne) như quyền được đặt tên, được đứng tên trên tác phẩm hay bảo vệ sự toàn vẹn của nó. Còn các quyền tài sản như làm tác phẩm phái sinh, biểu diễn trước công chúng hay sao chép tác phẩm là thuộc về chủ sở hữu căn cứ theo.

Trong trường hợp của vở diễn Ngày xưa, giữa đạo diễn Việt Tú và Tuần Châu Hà Nội (TCHN) đã giao kết hợp đồng sáng tạo ra tác phẩm thì TCHN đương nhiên là chủ sở hữu cùng với các quyền tương ứng đối với tác phẩm này. Phía đạo diễn Việt Tú cho rằng đã "thai nghén" và tạo ra tác phẩm này trước khi kí kết hợp đồng với TCHN, cho dù thông tin này là thật thì thực chất cũng không có nhiều ý nghĩa đối với tranh chấp đang xảy ra, vì chính đạo diễn này cũng thừa nhận rằng qua việc kí kết hợp đồng đó đã chuyển giao quyền sở hữu quyền tác giả cho phía TCHN qua phát biểu: "Trong mọi trường hợp quyền sở hữu tác giả vở đối với vở Ngày xưa chắc chắn là của tôi. Nếu chủ đầu tư trả đầy đủ tiền như cam kết thì tôi sẽ trao cho họ cái quyền đó".

Do vậy, luật sư Tuấn cho rằng khi hợp đồng với TCHN còn đang có hiệu lực, đạo diễn Việt Tú lại tiến hành đăng kí quyền tác giả cho tác phẩm Ngày xưa với chủ sở hữu đứng tên trên giấy chứng nhận là Công ty cổ phần đầu tư tổng hợp truyền thông DS (DS), là một vi phạm khác từ phía đạo diễn Việt Tú với TCHN theo hợp đồng giữa các bên.

"Khi đã giao kết hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu tài sản với một người mà lại chuyển giao tài sản đó cho một người khác thì đó rõ ràng là một hành vi vi phạm pháp luật vì không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng. Bên vi phạm phải chịu trách nhiệm cho hành vi này theo nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại khoản 5 Điều 3 Bộ luật dân sự 2015 là: "Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự", luật sư phân tích.

Lí giải việc đăng kí quyền tác giả cho tác phẩm Ngày xưa, đại diện pháp lí của phía Việt Tú từng trả lời với báo chí rằng: "Trước khi xảy ra tranh chấp, phía Việt Tú đã nhiều lần gửi thư điện tử (email) đến công ty TCHN để mời đơn vị này hợp tác đăng ký quyền tác giả, trong đó TCHN được mời đứng tên chủ sở hữu tác phẩm, còn quyền tác giả thuộc về phía Việt Tú. Tuy nhiên tất cả các email này đều không được trả lời. Trong bối cảnh đó, anh buộc phải đăng kí quyền sở hữu tác giả".

Nhưng Phó chủ tịch Hội SHTT TP HCM không đồng tình với quan điểm trên. Anh nói:"Rõ ràng, lí luận rằng "TCHN không trả lời mail" và việc tiến hành đăng kí quyền tác giả cho tác phẩm Ngày xưa không liên quan gì nhau. Chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm Ngày xưa là TCHN, có muốn đăng kí hay không cũng là quyền của TCHN.

Chưa kể, quy định tại khoản 2 Điều 49 luật SHTT không buộc chủ sở hữu quyền tác giả phải tiến hành nộp đơn xin cấp giấy chứng nhận đăng kí quyền tác giả cho tác phẩm để được hưởng quyền tác giả.

Việc nhắc người khác đăng kí quyền sở hữu cho tài sản của họ là một hành động đúng đắn, nhưng nếu họ không trả lời hay không đăng kí thì mình cũng không được quyền đem tài sản đó đi đăng kí giúp họ vì đó không phải là "việc tốt nên làm" nữa mà là hành vi xâm phạm quyền định đoạt đối với tài sản của chủ sở hữu, chưa kể là đăng kí quyền sở hữu tài sản đó cho một người khác không phải là chủ sở hữu đứng tên thì hoàn toàn không thể lí giải được. Ví dụ đó cho thấy phía đạo diễn Việt Tú đưa ra lí do TCHN không trả lời yêu cầu của mình nên tiến hành đăng kí quyền tác giả cho tác phẩm với chủ sở hữu đứng tên trên giấy chứng nhận là DS vô lí đến khó hiểu và xâm phạm quyền của TCHN với tác phẩm Ngày xưa như thế nào.

Đó là chưa xét trong tác phẩm Ngày xưa được đăng kí, phần nào là đạo diễn Việt Tú đã "thai nghén" và tạo ra trước khi giao kết hợp đồng với TCHN (Việt Tú có quyền chuyển giao quyền sở hữu cho TCHN), phần nào là phần Việt Tú đã sáng tạo ra trong quá trình thực hiện hợp đồng với TCHN (TCHN đương nhiên là chủ sở hữu) thì còn rắc rối bội phần".

Có thể nói, việc giữ gìn sự trong sạch trong môi trường nghệ thuật là điều mọi người đều mong muốn, nhất là những người liên quan trực tiếp đến lợi ích phát sinh từ đó. Nhưng khi tranh chấp chưa được giải quyết xong, dư luận cũng nên có cái nhìn thấu đáo và toàn diện, không nên chỉ nghe ý kiến phiến diện từ một phía.

Theo Đời sống & Pháp lý

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/phap-luat/pho-ct-hoi-so-huu-tri-tue-tphcm-noi-ve-tranh-chap-ban-quyen-tinh-hoa-bac-bo-1388687.tpo