Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang nghe báo cáo các đề án phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh

Chiều 24-10, đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì hội nghị nghe báo cáo Đề án phát triển thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Đề án phát triển nuôi cá lồng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang phát biểu tại hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, đại diện đơn vị tư vấn soạn thảo đề án đã thuyết trình tóm tắt về các đề án. Theo đó, Đề án phát triển thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 bố cục 6 phần chính. Mục tiêu của đề án là phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại và bền vững, có các hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi hợp lý, có năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Bảo vệ môi trường sinh thái và phục hồi nguồn lợi thủy sản, từng bước nâng cao đời sống ngư dân; gắn phát triển thủy sản với nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt 6,0%/năm trở lên. Giá trị sản xuất thủy sản ước đạt 359,0 triệu USD. Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt 5,4%/năm trở lên. Giá trị sản xuất thủy sản ước đạt 483,0 triệu USD.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội nghị.

Đề án đưa ra dự báo các điều kiện tác động đến phát triển thủy sản tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030. Trên cơ sở đó, xây dựng 9 nhóm giải pháp, trong đó chú trọng vào các nhóm giải pháp, như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Xây dựng và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách. Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Củng cố và phát triển của mô hình tổ đội sản xuất trên biển gắn với lực lượng dân quân biển; phối hợp thực hiện bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển…

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tham gia ý kiến vào các đề án.

Đối với Đề án phát triển nuôi cá lồng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, được xây dựng trên quan điểm phát triển nuôi cá lồng tỉnh Thanh Hóa phù hợp với Quy hoạch tỉnh và chiến lược, chương trình, đề án phát triển ngành thủy sản theo hướng đảm bảo hiệu quả kinh tế, an toàn, bền vững môi trường và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Phát triển nuôi cá lồng trở thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa gắn với đổi mới và tổ chức lại sản xuất, xây dựng các chuỗi giá trị xuyên suốt cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm. Mục tiêu là khai thác tiềm năng và sử dụng hiệu quả mặt nước để phát triển nuôi cá lồng bè thành một ngành sản xuất hàng hóa, quy mô lớn. Tăng quy mô sản xuất và chuyển đổi sang lồng nuôi công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng sản phẩm nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh đạt 26,9%/năm, đóng góp 6-8% sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Tài chính phát biểu tại hội nghị.

Đề án định hướng nuôi trên 2 khu vực, gồm: Nuôi lồng, bè mặn, lợ và nuôi cá lồng nước ngọt. Trên cơ sở đó, đề án xây dựng 7 nhóm giải pháp gồm: Công nghệ lồng nuôi, con giống, kỹ thuật nuôi, chính sách hỗ trợ, chế biến và thị trường tiêu thụ...

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại hội nghị.

Cho ý kiến vào các đề án này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, hoàn thiện các đề án để UBND tỉnh nghe lại trước ngày 10-11.

Các đề án cần làm rõ căn cứ xây dựng đề án, nguồn kinh phí, lộ trình thực hiện trong từng giai đoạn, cơ chế chính sách thực hiện đề án. Đối với Đề án phát triển thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cần lưu ý xây dựng giải pháp cụ thể nâng cao đời sống để người dân bám biển, gắn bó với nghề, phát triển nghề bền vững. Đảm bảo khi đề án được triển khai đạt hiệu quả về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, hiệu quả về môi trường, xã hội. Đối với Đề án phát triển nuôi cá lồng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cần xác định rõ địa điểm nuôi cá lồng theo quy hoạch. Đồng thời, xây dựng phương pháp nuôi cụ thể đối với từng hệ thống sông, hồ. Lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp cho từng môi trường nuôi.

Hương Thơm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/pho-chu-tich-ubnd-tinh-le-duc-giang-nghe-bao-cao-cac-de-an-phat-trien-thuy-san-tren-dia-ban-tinh/171167.htm