Phó Chủ tịch UBCK nói gì về CW, sản phẩm sẽ chính thức vận hành vào 28/6?

Đến nay mọi công tác chuẩn bị về pháp lý, hệ thống giao dịch… cho sự vận hành sản phẩm CW đã hoàn tất.

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCK tại cuộc họp báo diễn ra tại TP.HCM

Sáng nay (24/6), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) tổ chức họp báo công bố ra mắt sản phẩm chứng quyền có bảo đảm – Covered Warant (CW).

Tại họp báo, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCK cho biết trong 6 tháng đầu năm 2019, TTCK Việt tăng trưởng tương đối tốt, VN-Index tăng trưởng hơn 6% so với cuối 2018. Vốn hóa thị trường đạt 4,3 triệu tỷ đồng, tăng 8,8% so với cuối năm 2018, tương đương 77,9% GDP của 2018. Quy mô giao dịch 6 tháng đầu năm giảm, giá trị bình quân đạt 4,4 nghìn tỷ đồng, giảm 31% so cuối 2018.

Thị trường trái phiếu hiện có 523 mã trái phiếu niêm yết, đạt giá trị hơn 1 triệu tỷ đồng, đạt hơn 20% GDP. Thị trường chứng khoán phái sinh giao dịch bình quân đạt hơn 106 nghìn hợp đồng/phiên, tăng 35% so với 2018.

Trong 6 tháng đầu năm nay trên TTCK huy động được 147,2 nghìn tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Về hoạt động đấu giá cổ phần hóa đến nay 2 sở tổ chức được 25 phiên với giá trị bán được hơn 3.900 tỷ đồng… Nhà đầu tư nước ngoài vẫn thực hiện mua ròng trên 10.000 tỷ đồng.

“Với những yếu tố tác động từ thế giới, đặc biệt tình hình kinh tế vĩ mô trong nước tốt, quan điểm Chính phủ kiên định chính sách tiền tệ linh hoạt ổn định kinh tế vĩ mô, tôi đánh giá thị trường chứng khoán chúng ta 6 tháng cuối năm sẽ phát triển tương đối tốt” phó chủ tịch UBCK nhận định.

Ông Sơn cũng nêu giải pháp cho thị trường những tháng cuối năm, trong đó có việc hoàn thiện và thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi, dự kiến thông qua vào tháng 10 tới. UBCK đánh giá lại tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn. Hiện tiến độ đối với hoạt động này còn chậm, UBCK sẽ báo cáo Thủ tướng tháo gỡ những khó khăn tồn tại.

“Chúng tôi sẽ thúc đẩy niêm yết, đăng ký giao dịch của DNNN đã cổ phần hóa. Vừa rồi hoạt động lên sàn chậm, đã có xử phạt. Có những doanh nghiệp cổ phần hóa đã 3-4 năm nhưng không lên sàn, xin phát hành thêm UBCK không cho phép. Quan điểm chung phải hoạt động minh bạch, triển khai quyết liệt”, ông Sơn cho biết.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBCK cho biết thời gian tới sẽ cho ra mắt các sản phẩm mới, đặc biệt là sản phẩm chứng quyền có bảo đảm CW sẽ giao dịch ngày 28/6. Đây là sản phẩm nằm trong lộ trình phát triển thị trường chứng khoán tầm nhìn đến năm 2025 đã được phê duyệt. Lãnh đạo UBCK cho biết, đến nay mọi công tác chuẩn bị về pháp lý, hệ thống giao dịch… cho sự vận hành sản phẩm CW đã hoàn tất.

Đến thời điểm này, có 16 công ty chứng khoán đáp ứng điều kiện có thể chào bán CW, với 26 cổ phiếu đáp ứng tiêu chí tham gia là chứng khoán cơ sở. Đợt phát hành CW có sự tham gia của 10 hồ sơ, số lượng chào bán là hơn 8 triệu chứng quyền, số tiền thu được 15,1 tỷ đồng. 10 hồ sơ này có 4 sản phẩm đã được phân phối 100%...

Trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Việt Hà, thành viên Hội đồng quản trị chuyên trách HoSE cho biết, việc chọn chứng khoán cơ sở cho sản phẩm CW chỉ nằm trong rổ VN30 bởi rổ này tập trung cổ phiếu có thanh khoản tốt, có giá trị vốn hóa cao. Khi triển khai sản phẩm future và bây giờ là CW đều lựa chọn chứng khoán trong rổ này. Để hạn chế tác động giao dịch CW lên chỉ số VN30 và ngược lại, UBCK đã đưa ra hạn mức. Ví dụ hiện tại CTCK phát hành CW ở mức 10% chứng khoán tự do chuyển nhượng của các chứng khoán cơ sở.

Với 6 chứng khoán cơ sở được lựa chọn cho 10 CW phát hành đợt đầu tiên thì hạn mức chào bán dừng lại ở cổ phiếu FPT hạn mức chào bán 10% thì lượng CW phát hành chỉ đạt 1,87%, cổ phiếu MWG lượng CW phát hành chiếm 3,06%... tức hiện lượng phát hành CW của các công ty chứng khoán với các chứng khoán cơ sở dừng lại ở mức độ thấp và tác động lên chỉ số VN30 và ngược lại ở mức không đáng kể.

“Một đặc điểm của CW chỉ được thanh toán một lần vào ngày đáo hạn. Trong suốt vòng đời của sản phẩm được giao dịch mua bán trên thị trường mà chưa chốt lời chốt lỗ. Việc chốt lời lỗ chỉ được thực hiện vào thời điểm đáo hạn và sẽ dựa vào giá cả ở thời điểm này. Tuy nhiên ở thời điểm đáo hạn có quy định một biện pháp có thể hạn chế thao túng giá của cổ phiếu cơ sở dẫn đến thao túng lời lỗ của nhà đầu tư, đó là giá thanh toán của chứng khoán cơ sở là giá bình quân của 5 phiên giao dịch liền trước thời điểm đáo hạn, theo đó hạn chế tác động lên giá thanh toán của CW”, lãnh đạo HoSE cho biết.

Ngoài ra, bà Việt Hà cũng nêu, khi CTCK phát hành CW phải giao dịch chứng khoán cơ sở để thực hiện phòng ngừa rủi ro. Việc giao dịch này có thể tác động ngược lại tới giá chứng khoán cơ sở theo đó tác động lên chỉ số chứng khoán.

“Theo tính toán với khối lượng CTCK hiện tại mỗi ngày số lượng CW phát hành ra thị trường CTCK phải mua bán chứng khoán cơ sở để phòng ngừa rủi ro. Nếu toàn bộ khối lượng được phân phối thì khối lượng chứng khoán cơ sở mà CTCK phải mua bán vào chiếm từ 2,1% đến 6% giá trị giao dịch của các chứng khoán cơ sở đó. Ví dụ với HPG chiếm 2,1%, MWG chiếm khoảng 6%... với khối lượng như vậy chúng tôi đánh giá tác động thấp đến biến động giá của chứng khoán cơ sở”, bà Việt Hà nhận định.

HUYỀN CHÂM

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/pho-chu-tich-ubck-noi-gi-ve-cw-san-pham-se-chinh-thuc-van-hanh-vao-286-3511288.html