Phó Chủ tịch TLĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu: 'CPTPP có nhiều thách thức, nhưng Công đoàn Việt Nam quyết vượt qua vì lợi ích quốc gia, dân tộc'

'Ở giác độ lao động và Công đoàn, CPTPP mang lại nhiều cơ hội và thách thức, cả thuận lợi và khó khăn. Dù biết có nhiều thách thức, nhưng Công đoàn Việt Nam sẵn sàng chấp nhận và quyết vượt qua, vì lợi ích quốc gia, dân tộc' , Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu nói tại thảo luận tổ sáng 2.11, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch TLĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại thảo luận tổ sáng nay 2.11. Ảnh Cao Nguyên.

CPTPP phù hợp với Hiến pháp và pháp luật

Ngày 2.11, tại thảo luận ở tổ, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), cho biết, qua Tờ trình của Chủ tịch Nước, báo cáo thuyết minh của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho thấy Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một hiệp định chất lượng cao, mức độ cam kết sâu, toàn diện. Tờ trình và các báo cáo đã phân tích sâu những tác động tích cực và tiêu cực, chỉ rõ thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn, kể cả về góc độ chính trị, an ninh quốc gia, chiến lược đối ngoại, thu hút đầu tư, thương mại, xã hội, lao động - việc làm, an toàn thông tin, an ninh mạng…

Phó Chủ tịch TLĐLĐVN cho rằng, qua phân tích, so sánh lợi ích cho thấy, thời cơ nhiều hơn thách thức, thuận lợi nhiều hơn khó khăn và lợi ích đạt được chắc chắn nhiều hơn so với thiệt hại hoặc ảnh hưởng tiêu cực nếu có.

“Qua theo dõi quá trình lãnh đạo, chỉ đạo việc đàm phán của các cơ quan chức năng, cụ thể là Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Chính phủ cho thấy, chúng ta đã tính toán, cân nhắc rất kỹ, bám sát yêu cầu mục tiêu đề ra, thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về hội nhập”, ông Ngọ Duy Hiểu nói.

Ông Ngọ Duy Hiểu đưa ra dẫn chứng, qua thực tiễn hội nhập suốt 30 năm qua, nhất là từ khi tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), khi mới tham gia các FTA hoặc thể chế mới, chúng ta đều đối diện với cả thời cơ và thách thức. Có không ít ý kiến lo ngại, băn khoăn, nhưng với quyết tâm cao và bước đi thích hợp, cuối cùng chúng ta đã đạp bằng mọi khó khăn để vươn lên.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch TLĐLĐVN cho rằng, Hiệp định CPTPP rất phù hợp với Hiến pháp và các quy định của pháp luật. Từ những căn cứ, phân tích nêu trên, Phó Chủ tịch TLĐLDVN khẳng định, đủ điều kiện để Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP.

Thách thức và cơ hội với tổ chức Công đoàn

Ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam, dù biết có nhiều thách thức, nhưng Công đoàn Việt Nam sẵn sàng chấp nhận và quyết vượt qua, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, bởi vì lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết, trước hết. Công đoàn Việt Nam sẽ tìm cách thích ứng. Theo đó, với việc ra đời tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, cụ thể là tại doanh nghiệp, sẽ đặt Công đoàn Việt Nam đứng trước thách thức về sự cạnh tranh trong thu hút, tập hợp, kết nạp đoàn viên, thành lập tổ chức tại cơ sở.

Không những thế, vấn đề chia sẻ nguồn lực tài chính cũng như khó khăn trong thực thi các quy định của pháp luật về vấn đề đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể, tổ chức và lãnh đạo đình công “là thách thức rất lớn với tổ chức Công đoàn Việt Nam và đó là vấn đề chưa có tiền lệ trong cách tiếp cận của hệ thống chính trị nước ta, tức là có một tổ chức khác tồn tại đồng thời với Công đoàn Việt Nam”, ông Ngọ Duy Hiểu nói.

Ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, bên cạnh thách thức, sẽ có những cơ hội đến với tổ chức Công đoàn và người lao động như việc làm được tăng thêm, các tiêu chuẩn lao động tiếp tục được yêu cầu cao hơn với sự giám sát chặt chẽ của các đối tác tham gia giúp người lao động được thụ hưởng. Tất nhiên, một cơ hội và cũng là lối ra của tổ chức Công đoàn Việt Nam là đổi mới để thích ứng.

Tạo đà đổi mới

Đây là cơ hội để tổ chức Công đoàn Việt Nam tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, hướng tới thực chất, vì người lao động, tập trung vào các nhiệm vụ cốt lõi, đổi mới tư duy và phương pháp tổ chức hoạt động, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là chủ tịch công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp. Đặc biệt là khắc phục bệnh hành chính, tư duy lạc hậu, hoạt động nặng về hiếu, hỉ, thăm nom, mà phải hướng tới việc đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền lợi người lao động tốt hơn.

Từ đó, đại diện lãnh đạo Tổng LĐLĐVN nêu ra 3 đề xuất.

Một là, Đảng và Nhà nước phải chỉ đạo tích cực thông tin, tuyên truyền đến doanh nghiệp, người lao động, các cơ quan, tổ chức về nội dung của Hiệp định, về thời cơ và thách thức. Bởi trên thực tế chúng ta nói nhiều về hiệp định này nhưng còn quá nhiều doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, người dân không biết đến nó, ngành nào ảnh hưởng cũng nói chung chung, thậm chí ảnh hưởng tới mặt gì thì không rõ. “Chúng ta phải định hướng cho họ. Mọi người cứ nói CPTPP nhưng không hiểu CPTPP là gì, nội dung ra sao. Đó là vấn đề chúng ta cần phải nghiên cứu”, ông Ngọ Duy Hiểu chia sẻ.

Hai là, Chính phủ cần xây dựng các kịch bản, các giải pháp để phát huy mặt tích cực, thời cơ, lợi ích. Đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực để chúng ta có thể có một môi trường phát triển bền vững, có thêm nhiều việc làm cho người lao động, hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp, người dân, đặc biệt hạn chế để doanh nghiệp bị lâm vào tình cảnh phá sản, giải thể.

Ba là, hoàn thiện thể chế liên quan đến lĩnh vực lao động và công đoàn. Sửa đổi Bộ luật Lao động là một yêu cầu hết sức cần thiết. Chắc chắn trong bộ luật này phải quy định về tổ chức đại diện người lao động. Tuy nhiên, kỹ thuật thiết kế quy định này như thế nào để đảm bảo phù hợp với cam kết, tạo sự chủ động, linh hoạt trong quá trình áp dụng, tránh việc các tổ chức, cá nhân lợi dụng vì động cơ chính trị.

“Chúng tôi lo ngại rằng, nếu không quy định chặt chẽ, tổ chức này sẽ lợi dụng hình thành nên một loại tổ chức công đoàn gọi là Công đoàn Vàng. Ở đó giới chủ tự thành lập nên, sau đó thao túng hoạt động công đoàn. Một dạng khác nhân danh là tổ chức đại diện người lao động nhưng thành lập nên để thực hiện hoạt động vì động cơ chính trị và chống phá, gây phức tạp cho an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”, ông Ngọ Duy Hiểu nói và cho biết thêm đây là các vấn đề mà chúng ta cần có giải pháp ngăn chặn. "Chúng tôi rất ủng hộ tổ chức đại diện người lao động ra đời nhưng đó phải là một tổ chức thực sự vì người lao động, cùng người lao động hỗ trợ, đồng hành vì sự phát triển của doanh nghiệp", ông Ngọ Duy HIểu nói.

Cao Nguyên – Xuân Hùng (ghi)

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/pho-chu-tich-tldldvn-ngo-duy-hieu-cptpp-co-nhieu-thach-thuc-nhung-cong-doan-viet-nam-quyet-vuot-qua-vi-loi-ich-quoc-gia-dan-toc-639401.ldo