Phó Chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn: Người nói ít, làm nhiều

Ông Trần Quốc Tuấn mới đây đã trở thành người Việt Nam đầu tiên nắm giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban thi đấu AFC. Chức vụ đó là sự ghi nhận xứng đáng nhất dành cho vị Phó Chủ tịch thường trực VFF.

Gần 15 năm gắn bó với công tác quản lý bóng đá, ông Trần Quốc Tuấn đã giúp bóng đá Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới hơn bao giờ hết.

Hổ phụ sinh hổ tử

Trần Quốc Tuấn là con út trong một gia đình có truyền thống thể thao. Cha ông là ông Trần Vĩnh Lộc (Chín Lộc), nguyên Giám đốc Sở Thể dục Thể thao tỉnh Phú Khánh (cũ), nguyên Phó Chủ tịch VFF nhiệm kỳ đầu tiên.

Sau khi nghỉ hưu, ông Chín Lộc từng có thời gian làm trưởng đoàn bóng đá tỉnh Khánh Hòa. Mẹ ông Trần Quốc Tuấn là bà Bùi Thị Hồng Tiến, người từng giành giải vô địch chạy việt dã toàn miền Bắc.

Dưới thời ông Chín Lộc lãnh đạo, Phú Khánh trước kia, rồi Khánh Hòa sau này luôn là một trong những tỉnh đi đầu về thành tích 2 môn bóng đá và điền kinh. Tuy nhiên, sự tận tâm với công việc của ông Chín Lộc phải đánh đổi bằng quãng thời gian dành cho vợ con không nhiều.

Khi ông làm việc ở Phú Khánh, gia đình ông vẫn ở lại Hà Nội. Bù lại, cậu con út Trần Quốc Tuấn học rất giỏi, đến mức được du học tại Nga vào năm 1990.

Đó cũng là thời điểm đánh dấu quãng thời gian 8 năm trui rèn nơi xứ người của vị Phó Chủ tịch thường trực VFF trong tương lai. Năm 1998, khi mới 28 tuổi, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học chuyên ngành Thể dục thể thao.

Những mối quan hệ quốc tế của ông Trần Quốc Tuấn đã giúp ích rất nhiều cho bóng đá Việt Nam.

Những mối quan hệ quốc tế của ông Trần Quốc Tuấn đã giúp ích rất nhiều cho bóng đá Việt Nam.

Ngày Trần Quốc Tuấn trở về Việt Nam, ông nhanh chóng được đề nghị làm việc tại VFF. Nhưng thay vì sớm bén duyên với bóng đá, ông nghe theo lời khuyên của gia đình để công tác tại Viện Khoa học Thể dục thể thao, một công việc đúng với chuyên môn.

Năm 2000, ông Trần Quốc Tuấn bắt đầu gắn bó cùng bóng đá Việt Nam trên cương vị Giám sát trận đấu ở giải vô địch quốc gia, sau đó làm Phó ban tổ chức thi đấu VFF.

Đến năm 2005, tin vui liên tục đến với ông: trở thành Viện phó Viện Khoa học Thể dục thể thao, rồi sau đó bất ngờ trúng cử Tổng thư ký VFF. Cho đến nay, ông Trần Quốc Tuấn vẫn là Tổng thư ký trẻ nhất trong lịch sử VFF khi nhậm chức ở tuổi 35.

Phương châm “nói ít, làm nhiều”

Ông Trần Quốc Tuấn nhận "ghế nóng" ở VFF trong bối cảnh bóng đá Việt Nam bắt đầu hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế. Cá nhân vị Tổng thư ký trẻ vốn có trình độ tiếng Nga rất tốt vì từng ở Moscow 8 năm, nhưng trên cương vị mới, ông thấy chỉ biết một ngoại ngữ là chưa đủ. Đó là lý do khiến ông bắt đầu trau dồi tiếng Anh - chìa khóa để tiến ra thế giới. Phần lớn vốn liếng tiếng Anh ông có được là nhờ tự học.

Nhờ có tiếng Anh, ông Trần Quốc Tuấn nhanh chóng mở rộng mối quan hệ với Liên đoàn bóng đá các nước bạn. Từ Malaysia, Singapore, Indonesia đến các cường quốc bóng đá trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... ông đều chiếm được lòng tin tuyệt đối. Chủ tịch LĐBĐ Qatar Hamad Bin Khalifa Bin Ahmed Al-Thani còn coi ông Trần Quốc Tuấn là người bạn tâm giao.

Ấn tượng mạnh nhất về ông Trần Quốc Tuấn trong mắt mọi người là một nhân vật có vai vế, nhưng luôn nói chuyện điềm tĩnh, hòa nhã. Thay vì khiến mọi người chú ý bằng những phát ngôn gây tranh cãi, ông thường chú trọng làm tốt công tác chuyên môn. Bản thân ông cũng bình thản đón nhận chỉ trích với tâm thế "công việc của mình giống như làm dâu trăm họ nên có bị phê phán thì cũng là chuyện bình thường".

Chính từ những mối quan hệ như thế, ông Trần Quốc Tuấn đã giúp VFF nhận được rất nhiều hỗ trợ từ FIFA và AFC. Cũng nhờ giới thiệu từ ông, các đội tuyển Việt Nam có thể tập huấn ở nước ngoài với mức giá rất hữu nghị.

Bên cạnh đó, những chuyến đi nước ngoài của ông Trần Quốc Tuấn đã giúp đội tuyển Việt Nam có được những HLV trưởng tài năng như Toshiya Miura trước kia, và Park Hang-seo bây giờ.

Tại VFF, uy tín của ông Trần Quốc Tuấn lớn đến mức khi ông từ chức Tổng thư ký vào năm 2011, 100% ủy viên Ban chấp hành khóa VI VFF vẫn bỏ phiếu tín nhiệm giữ ông ở lại. Còn ở phạm vi quốc tế, trong thời gian đảm nhiệm vị trí Vụ trưởng đặc trách môn bóng đá của Tổng cục Thể dục thể thao, ông Trần Quốc Tuấn vẫn đại diện cho bóng đá Việt Nam tham dự những cuộc họp của FIFA, AFC và AFF.

Kể từ lúc trở lại VFF vào năm 2014 trên cương vị Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn, tầm ảnh hưởng của ông Trần Quốc Tuấn ngày càng lớn hơn. Vì Chủ tịch Lê Hùng Dũng thường xuyên vắng mặt do phải điều trị bệnh, ông Trần Quốc Tuấn thường xuyên chủ trì những công việc chính. Còn ở phạm vi quốc tế, ông cũng giúp bóng đá Việt Nam đóng góp tiếng nói của mình tại châu lục khi đắc cử Ban điều hành AFC năm 2017.

Trước đó, khi làm Ủy viên Ban chấp hành AFC, chính ông Trần Quốc Tuấn là một trong những người vận động Asian Cup 2019 mở rộng từ 16 đội lên 24 đội.

Sự thay đổi đó đã giúp đội tuyển Việt Nam lần thứ hai góp mặt tại Asian Cup và thậm chí còn lọt tới vòng tứ kết. Nhưng thay vì nhận công trạng về mình khi bóng đá nước nhà có thành quả tốt, ông vẫn âm thầm, lặng lẽ đóng góp để giúp Việt Nam đi xa hơn nữa trên bản đồ bóng đá thế giới.

Giấc mơ World Cup

Trong Đại hội khóa VIII VFF diễn ra cuối năm ngoái, ông Trần Quốc Tuấn không giấu tham vọng nâng tầm bóng đá Việt Nam sánh ngang với các cường quốc bóng đá châu Á.

Cụ thể hơn, ông muốn VFF đầu tư mạnh vào các lứa cầu thủ trẻ để hướng đến sân chơi World Cup vào năm 2026. Ở thời điểm đó giải đấu sẽ mở rộng quy mô lên thành 48 đội tham dự, và có đến 8 suất dành cho các đội tuyển châu Á. Vì thế, VFF sẽ chú trọng đầu tư cho lứa cầu thủ U15, U18 ngay từ bây giờ.

"Cơ hội giành vé dự World Cup dĩ nhiên rất khó khăn, nhưng không phải là không thể với bóng đá Việt Nam. Vì thế chúng ta phải tiếp tục đầu tư sâu cho các đội tuyển trẻ, và nếu không đầu tư ngay từ bây giờ thì sẽ quá muộn", ông Trần Quốc Tuấn nói.

Trong thời gian tới, các đội tuyển trẻ Việt Nam sẽ liên tục tham dự nhiều giải đấu giao hữu với các đội tuyển trẻ mạnh trên thế giới để cọ xát, tích lũy kinh nghiệm.

Cẩm Chi

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/so-tay-the-thao/pho-chu-tich-thuong-truc-vff-tran-quoc-tuan-nguoi-noi-it-lam-nhieu-553719/