Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo Đề án Tiếp tục đổi mới công tác giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với HĐND

Sáng 1.12, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Ban chỉ đạo đề án Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của HĐND đã chủ trì phiên họp của Ban chỉ đạo.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo Đề án Tiếp tục đổi mới công tác giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với HĐND

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo Đề án Tiếp tục đổi mới công tác giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với HĐND

Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh; các thành viên Ban chỉ đạo Đề án; đại diện Văn phòng Chính phủ, Thường trực HĐND TP. Hà Nội...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Đề án, thay mặt Thường trực Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị, hồ sơ đề án cần xin ý kiến tham gia của Chính phủ. Về phần tổ chức thực hiện, có ý kiến đề nghị bổ sung vào phần đầu của mục 3 nội dung: việc tổ chức thực hiện Đề án bảo đảm không trùng lắp, chồng chéo với các nhiệm vụ nội dung trong các Đề án khác Quốc hội đang xây dựng, triển khai; đồng thời, bổ sung nhiệm vụ giao Ban Công tác đại biểu dự thảo Kết luận hoặc Nghị quyết (mang tính chỉ đạo) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thể chế hóa Đề án và Kết luận của Đảng đoàn Quốc hội vào nhiệm vụ thứ 6.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Đề án

Về ý kiến bổ sung thời hạn hoàn thành các nhiệm vụ được nêu trong dự thảo Kết luận, Thường trực Ban Chỉ đạo đã tiếp thu và xây dựng dự thảo Kế hoạch của UBTVQH triển khai thực hiện kết luận của Đảng đoàn Quốc hội. Bên cạnh đó, các ý kiến tham gia góp ý, chính sửa câu chữ, Thường trực Ban Chỉ đạo đã tiếp thu trực tiếp vào trong dự thảo Tờ trình, Đề án và Kết luận của Đảng đoàn Quốc hội.

Báo cáo, giải trình thêm về đề nghị bổ sung quy định cụ thể về trình tự xem xét báo cáo, trách nhiệm của các chủ thể tham gia trong quá trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo của HĐND, Thường trực Ban soạn thảo cho biết, khoản 1, Điều 9 Nghị quyết 334/2017/NQ-UBTVQH14 đã quy định về trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong việc nghiên cứu báo cáo hoạt động của HĐND cấp tỉnh. Trên cơ sở đó, tại dự thảo Đề án đã tập trung làm rõ vai trò của các chủ thể (đặc biệt là Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội) trong việc thẩm tra báo cáo của HĐND cấp tỉnh (điểm c, mục 2.1 Phần III của Đề án). Theo đó, khi thực hiện hoạt động thẩm tra, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội sẽ thực hiện trình tự theo quy định tại Điều 39 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Tại phiên họp, các thành viên Ban chỉ đạo đánh giá cao nỗ lực của Ban Công tác đại biểu từ khi được giao chủ trì xây dựng Tờ trình và dự thảo Đề án; tiếp thu nghiêm túc, triển khai các ý kiến kết luận của Đảng đoàn về Đề án. Đa số ý kiến cho rằng, dự thảo Đề án lần này có chất lượng tốt và cơ bản tán thành với các nội dung của Đề án. Bên cạnh đó, các thành viên Ban chỉ đạo cũng tập trung thảo luận, góp ý nhằm hoàn thiện dự thảo Đề án.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định góp ý với dự thảo Đề án

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu thực tế, phần lớn thời gian Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ yếu hướng dẫn, giám sát HĐND cấp tỉnh. Đối với HĐND cấp thấp hơn, HĐND cấp trên thực hiện công tác hướng dẫn, giám sát HĐND cấp dưới. Chỉ khi tổ chức thực hiện công tác bầu cử hay một số thời điểm nhất định khi văn bản pháp luật có thay đổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới hướng dẫn, giám sát HĐND các cấp. Xuất phát từ thực tế này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, phạm vi của Đề án chỉ nên giới hạn công tác giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với HĐND cấp tỉnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần tập trung thực hiện giải pháp: giao Ban Công tác đại biểu nghiên cứu, tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế mẫu hoạt động của HĐND cấp tỉnh để bảo đảm tính thống nhất trong quy trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của HĐND cấp tỉnh.

Quang cảnh phiên họp

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại phiên họp; đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu kỹ lưỡng, cầu thị các ý kiến góp ý vào dự thảo Đề án; rà soát, chỉnh sửa đồng bộ nhằm hoàn thiện dự thảo Đề án. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, Ban Công tác đại biểu được Đảng đoàn Quốc hội giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng nhiều Đề án của Đảng đoàn, do đó, cần bố trí thời gian, làm ngày làm đêm để hoàn thành các đề án đúng tiến độ, đúng thời hạn, bảo đảm chất lượng cao nhất. “Cái gì đã chín, đã rõ thì đưa vào dự thảo đề án; cái gì chưa chín, chưa rõ thì cần tiếp tục nghiên cứu… để khi chuẩn bị đầy đủ điều kiện, hồ sơ Đề án, bảo đảm chất lượng thì mới báo cáo Đảng đoàn Quốc hội”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ.

Tin và ảnh: Thanh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/pho-chu-tich-thuong-truc-quoc-hoi-tran-thanh-man-chu-tri-phien-hop-ban-chi-dao-de-an-tiep-tuc-doi-moi-cong-tac-giam-sat-huong-dan-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-voi-hdnd--i309764/