Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng: Phát triển bền vững là yêu cầu nội tại mang tính tất yếu của Việt Nam

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, phát triển bền vững không chỉ là cam kết của Việt Nam với quốc tế mà còn là yêu cầu nội tại mang tính tất yếu của nước ta.

Hôm nay, 12/9, tại Hà Nội, Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh tiếp tục phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI), Ngân hàng Thế giới và các Bộ, ngành liên quan tổ chức Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững năm 2019 với chủ đề “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn”.

Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững năm 2019 với chủ đề “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn” ngày 12/9.

Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững năm 2019 với chủ đề “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn” ngày 12/9.

Hội nghị được tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, với sự tham dự của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, cùng hơn 700 đại biểu đại diện cho các cơ quan của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu, các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu, cũng như các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, phát triển bền vững là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Chính phủ đã ban hành Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam (năm 2004), Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (năm 2012) và gần đây nhất là Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể đặt ra cho Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường.

Quan điểm phát triển bền vững đã được lồng ghép xuyên suốt trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015 và 2016-2020. Đất nước đã đạt được các thành tựu về phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường như tốc độ tăng trưởng GDP, giảm nghèo bền vững, phổ cập giáo dục, tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, quan điểm phát triển bền vững đã được lồng ghép xuyên suốt trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

“Đặc biệt, Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững được tổ chức định kỳ hàng năm là cam kết cụ thể của Việt Nam. Hội nghị năm nay hướng tới một mục tiêu mới. Tất cả cùng chung tay thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững theo chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp quốc”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, Hội nghị có ý nghĩa quan trọng vì năm 2019 là năm sẽ đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam trong 5 năm qua và đề ra nhiệm vụ giai đoạn tiếp theo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định thực hiện các mục tiêu phát triển bền vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.

“Phát triển bền vững không chỉ là cam kết của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế mà còn xuất phát yêu cầu nội tại mang tính tất yếu của nước ta; Phù hợp với chủ trương xuyên suốt của Đảng phát triển nhanh và bền vững, đặt con người và chất lượng cuộc sống là yếu tố trung tâm trong phát triển”, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định. Theo đó, để thực hiện yêu cầu này, Chính phủ đã sớm ban hành chương trình hành động.

Với vai trò của mình, Quốc hội đã hoàn thiện khung pháp luật xây dựng nền kinh tế thị trường, hoàn thiện các thiết chế nhà nước đề cao vai trò giám sát của cơ quan quyền lực nhân dân.

Qua chức năng lập pháp, giám sát, Quốc hội đã thảo luận thông qua nhiều đạo luật, thông qua ngân sách cho các hoạt động bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu… Quốc hội cũng góp phần tham gia vào mục tiêu phát triển bền vững thông qua các công ước quốc tế.

Giới thiệu cuốn sách Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về năng lực quản trị của các cơ quan nhà nước phù hợp với nguồn lực là nền tảng thực hiện 17 mục tiêu và 115 chỉ tiêu cụ thể.

Đồng thời, chú trọng các tiêu chí hướng dẫn, lồng ghép mục tiêu phát triển bền vững vào chương trình phát triển của địa phương.

Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Đặc biệt, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Việt Nam có lợi thế trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, nhưng cần nhận diện những thách thức, nguyên nhân sâu xa để Chương trình phát triển thời gian tới.

“Quốc hội hoan nghênh mọi nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững để đáp ứng cho thành công, tất cả vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tại phiên toàn thể, các đại biểu đã được lắng nghe các báo cáo về lồng ghép SDGs trong Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân và tăng cường quan hệ đối tác công - tư, xây dựng nguồn vốn con người, thúc đẩy đột phá khoa học công nghệ, triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong thập niên tới, cũng như vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững từ đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ngân hàng Thế giới, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Thy Hằng - Ảnh: Quốc Tuấn

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/pho-chu-tich-quoc-hoi-phat-trien-ben-vung-la-yeu-cau-noi-tai-cua-viet-nam-157628.html