Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm việc tại Bến Tre

Thiệt hại do ảnh hưởng của hạn mặn của mùa khô năm 2019-2020 đã gây thiệt hại cho tỉnh Bến Tre trên 1.660 tỉ đồng.

Ngày 8-7, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cùng đoàn công tác của Quốc hội (QH) đã đến làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre về an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất sinh hoạt, điều tiết nước, quản lý chất lượng nguồn nước trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển làm việc tại Bến Tre. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển làm việc tại Bến Tre. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Theo báo cáo của tỉnh Bến Tre, hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư khép kín, hằng năm thường bị nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng.

Đặc biệt, mùa khô 2015-2016 và mùa khô 2019-2020 nước mặn bao phủ toàn tỉnh Bến Tre kéo dài từ 4 - 6 tháng liền gây thiếu nước ngọt trầm trọng.

Đáng chú ý, hạn mặn mùa khô 2019-2020 đến sớm, xâm nhập sâu, độ mặn cao và kéo dài trong 5-6 tháng liền, thậm chí đến tháng 7-2020, độ mặn một số nơi ở Bến Tre vẫn còn.

Độ mặn trên 4-5‰ xâm nhập vào hầu hết các tuyến sông chính, vào sâu nội đồng. Tại các khu vực lấy nước của các nhà máy nước của tỉnh bị nhiễm mặn 6 - 7‰, trong đó nhà máy nước tại các khu vực của Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú, Bình Đại,… độ mặn tại các nhà máy nước trên 10‰, có nơi độ mặn lên đến 17‰.

Ông Nguyễn Hữu Lập – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, hạn mặn mùa khô 2019-2020 đã gây ra thiệt hại rất lớn đối với kinh tế, xã hội của tỉnh Bến Tre. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp thủy sản có gần 28.000 ha cây ăn trái; 1,2 triệu hoa kiểng các loại, 600ha cây giống tại huyện Chợ Lách; 168ha hoa mùa; trên 3.000 ha nuôi thủy sản bị thiệt hại và ảnh hưởng tổng giá trị thiệt hại đến nay khoảng 1.660 tỉ dồng.

Dự án hồ chứa hơn 800.000 khối nước ngọt trên Kênh Lấp đã được đầu tư xây dựng tại huyện Ba Tri. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Theo ông Lập, để chủ động nguồn nước ngọt đảm bảo phục vụ trong thời gian tới Bến Tre sẽ thực hiện một số giải pháp như: Quản lý tốt nguồn nước ngầm, vận động người dân trữ nước mưa phục vụ sinh hoạt; sớm hoàn thành kế hoạch phòng chống, ứng phó hạn mặn đến năm 2023 không còn ảnh hưởng hạn mặn nhất là tình trạng thiếu nước ngọt; Phối hợp với tỉnh Tiền Giang, Long An nghiên cứu thực hiện dự án dẫn nước thô liên tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre…

Hiện nay tỉnh đang triển khai các dự án: Dự án thủy lợi Bắc Bến Tre, Nam Bến Tre giai đoạn 1 (vốn trái phiếu Chính phủ); nâng cấp đê biển Ba Tri, Bình Đại; Dự án quản lý nước Bến Tre. Khi các dự án trên hoàn thành đến năm 2023 Bến Tre sẽ có 2/3 diện tích của tỉnh sẽ ngăn được mặn, trữ ngọt.

Ảnh hưởng hạn mặn mùa khô năm 2019-2020 khiến hàng chục ngàn hộ dân Bến Tre thiếu nước ngọt sử dụng. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Ngoài các dự án trên, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2023, Bến Tre cơ bản chủ động được nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất, lãnh đạo tỉnh Bến Tre cũng kiến nghị Trung ương bố trí trên 3.600 tỉ đồng triển khai thực hiện các dự án hồ chứa 1,5 triệu khối nước ngọt, các công trình dự án thủy lợi có quy mô trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển lưu ý, ngoài các giải pháp ứng phó cùng với các công trình đã được đầu tư xây dựng và đang triển khai hoặc sắp triển khai, trước những thách thức của tình hình nước biển dâng, xâm nhập mặn trong thời gian tới Bến Tre cũng cần phải chuyển đổi ngay sản xuất theo hướng thích nghi với biến đổi khí hậu.

Tỉnh cần kết hợp Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT cùng các bộ ngành liên quan cần có kế hoạch về hệ thống thủy lợi và xâm nhập mặn có tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sẽ phân chia theo từng giai đoạn và phải có có lộ trình hợp lý.

Trước đó, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đã đi khảo sát thực tế công trình hồ nước ngọt Kênh Lấp, công trình cống đập Ba Lai, nhà máy nước xử lý và cung cấp nước sạch Kênh Lấp tại huyện Ba Tri.

ĐÔNG HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/pho-chu-tich-quoc-hoi-phung-quoc-hien-lam-viec-tai-ben-tre-922906.html