PHÓ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG DÂN TỘC QUÀNG VĂN HƯƠNG: CẦN CÓ CHIẾN LƯỢC ĐÀO TẠO ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương cho rằng, cần phải có chiến lược dài hơi đào tạo đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số để vừa đảm bảo được cơ cấu đại biểu vừa đảm bảo chất lượng đại biểu và được cử tri tín nhiệm.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương trả lời phỏng vấn phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Phóng viên: Thưa đại biểu Quàng Văn Hương, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đặt ra mục tiêu là 18 % đại biểu quốc hội người dân tộc thiểu số và mong muốn có đại diện 4 dân tộc gồm Ơ Đu, Lự, Ngái, Rơ Măm là những dân tộc chưa có đại diện trong 14 khóa Quốc hội, quan điểm của ông như thế nào về những mục tiêu này?

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương: Theo tôi, tỉ lệ 18% đại biểu người dân tộc thiểu số trong khi người dân tộc thiểu số trên cả nước là khoảng 14,6 triệu người, tương đương khoảng 15% tổng dân số. Điều đó cho thấy Đảng và Nhà nước thực sự quan tâm tới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chúng ta có thể đạt được tỷ lệ 18% đại biểu người dân tộc thiểu số trong Quốc hội khóa XV nếu như chúng ta có sự chuẩn bị và chọn được đại biểu thực sự tiêu biểu xuất sắc để thuyết phục cử tri.

Đối với những dân tộc rất ít người, có khi chỉ vài trăm người, vài nghìn người việc tìm ra một người tiêu biểu xuất sắc để tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội thì rất khó trong thời điểm hiện tại.

Phóng viên: Thực tế thời gian qua cho thấy, ở nhiều địa phương các đại biểu phải gánh rất nhiều cơ cấu khác, như vậy liệu có phải hạ thấp tiêu chuẩn hay không, thưa đại biểu?

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương: Qua theo dõi trong thời gian vừa qua, chúng ta có thể thấy khi được phân bổ cơ cấu, các địa phương dự kiến nhân sự đủ số lượng tham gia thì thường có một số khó khăn.

Thứ nhất, không chọn được người tiêu biểu theo theo cơ cấu phân bổ vì ở đó có ứng viên tiêu biểu cho dân tộc của mình nhưng dân tộc đó lại rất ít người không tiêu biểu cho cộng đồng các dân tộc khác ở địa phương đó cho nên có thể thuyết phục được dân tộc của mình nhưng không thể thuyết phục được các cử tri các dân tộc khác.

Thứ hai, chọn một ứng viên mà gắn nhiều cơ cấu kết hợp sẽ khó. Ví dụ như một ứng viên nữ ngoài đảng thì sẽ rất khó là người tiêu biểu xuất sắc vì người tiêu biểu xuất sắc thì đã kết nạp đảng rồi, đây là vấn đề cần phải khắc phục.

Phóng viên: Vậy theo đại biểu, cần phải có giải pháp như thế nào để vừa đảm bảo cơ cấu vừa đảm bảo chất lượng đại biểu?

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương: Các địa phương phải có chiến lược đào tạo đại biểu dân cử dài hơi, có thể chọn từ các đại biểu Hội đồng nhân dân cấp quận huyện trở lên và đào tạo dần dần, tạo điều kiện cho họ cọ xát thử thách ở các lĩnh vực công tác khác nhau để rèn luyện bản lĩnh, mở mang kiến thức cũng như là giao lưu văn hóa giữa các dân tộc. Như vậy khi được bầu vào Quốc hội, họ sẽ có được phẩm chất của một đại biểu có thể đại diện cho nhiều dân tộc thiểu số ở địa phương nơi sinh sống và các dân tộc khác trên cả nước. Chỉ khi có quá trình chuẩn bị kỹ về nhân sự để quy hoạch và chọn ra ứng viên thực sự xuất sắc tiêu biểu mới có thể thuyết phục được cử tri và chọn được những đại biểu ưu tú.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=55246