Phó Chủ tịch Đèo Cả: 'Chúng tôi chưa được đối xử bình đẳng khi đàm phán hợp đồng BOT'

'Là một trong những doanh nghiệp BOT lớn nhất Việt Nam hiện nay, hợp đồng BOT là từ hai phía nhưng trong quá trình đàm phán làm việc, chúng tôi chưa được đối xử bình đẳng', ông Trần Văn Thế, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả nói.

Ông Trần Văn Thế - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả

Tại tọa đàm "Phát triển kinh tế tư nhân: Rào cản và giải pháp” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng 5/10, ông Trần Văn Thế cho rằng, trong những năm qua, mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nhưng thực tế khi triển khai công việc, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều vướng mắc.

Cụ thể, theo ông Thế, rào cản lớn nhất hiện nay là từ phía các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. "Là một trong những doanh nghiệp BOT lớn nhất Việt Nam hiện nay, hợp đồng BOT là từ hai phía nhưng trong quá trình đàm phán làm việc, chúng tôi chưa được đối xử bình đẳng", ông Thế nói.

Bên cạnh đó, ông Thế cho rằng, khung pháp lý hiện nay cũng có rất nhiều bất cập, điển hình là xung đột giữa Luật Doanh nghiệp và Luật đầu tư. Các văn bản hành chính Nhà nước ban hành thiếu tính thực tiễn. Chẳng hạn, với chính sách lãi vay, chỉ trong vòng hơn 1 năm nhưng Bộ Tài chính tahy đổi tới 4 lần. Dự thảo cuối cùng lại quay về thông tư đã được quy định trước đó.

Ngoài ra, ông Thế cũng chỉ ra, trong quá trình làm dự án BOT, tập đoàn cũng gặp không ít khó khăn liên quan đến người dân. "Cứ mỗi một người dân đi qua lại yêu cầu cung cấp hợp đồng BOT ra. Nhưng hàng triệu chủ phương tiện đi qua, chúng tôi không thể giải trình cho từng người như vậy", Phó chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cho hay.

Cuối cùng, theo ông Thế, hệ thống tổ chức tài chính của Việt Nam còn quá nhỏ về quy mô, một tổ chức hay nhóm doanh nghiệp chỉ được vay tối đa 11.000 tỷ đồng là chưa hợp lý.

"Hệ thống tổ chức tài chính của Việt Nam còn quá nhỏ về quy mô, một doanh nghiệp chỉ được vay 15% (khoảng 10.000 - 12.000 tỷ đồng) vốn điều lệ, một nhóm doanh nghiệp chỉ được vay tối đa 25% vốn điều lệ (18.000 tỷ đồng - 20.000 tỷ đồng). Chúng tôi kiến nghị phải tăng quy mô của các ngân hàng, bởi hiện nay ngân hàng quá nhiều nhưng quy mô lại quá nhỏ", ông Thế nêu quan điểm.

Cùng thể hiện quan điểm về việc nhiều doanh nghiệp cần vốn để "lớn" nhưng "không lớn được", TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, với một doanh nghiệp có ý tưởng kinh doanh tốt, họ cần nguồn lực để phát triển, nguồn lực đó không thể đến từ vốn gia đình, bạn bè hay vốn bản thân. Tuy nhiên, hạn chế của Việt Nam hiện nay là vẫn phân bố nguồn lực vốn theo cơ chế xin – cho, thay vì dựa trên tiêu chí chất lượng ai làm tốt.

HOÀNG HÀ

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/pho-chu-tich-deo-ca-chung-toi-chua-duoc-doi-xu-binh-dang-khi-dam-phan-hop-dong-bot-3473700.html