Phó chánh án quận 4 và giảng viên có bị chiếu tội chiếm đoạt trẻ em?

'Với trẻ em, chỉ cần người lạ có hành động bế trẻ ra mà không được sự đồng ý của cha mẹ là phải ngay lập tức bắt liền', thạc sĩ Lưu Đức Quang nói.

Gần 20 ngày từ khi Phó chánh án tòa quận 4 Nguyễn Hải Nam và giảng viên Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM Lâm Hoàng Tùng xông vào căn nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP.HCM), vụ án đã được khởi tố, bị can bị bắt tạm giam. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi xoay quanh vụ án này.

Ai là chủ sở hữu căn nhà?

Theo hợp đồng mua bán được ký ngày 10/10/2017, bà Hoàng Trọng Anh Chi chuyển nhượng cho bà Hoàng Thị Thu Thảo toàn bộ quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm với giá 25 tỷ đồng, thanh toán làm 4 đợt. Căn nhà đang được thi công chưa hoàn chỉnh theo giấy phép xây dựng.

Đây là hợp đồng thỏa thuận mua bán có điều kiện. Khi ký hợp đồng, bà Thảo chuyển cho bà Chi 1 tỷ để bà Chi không bán nhà cho người khác và giao lại các quyền điều chỉnh thi công xây dựng.

Cảnh sát TP.HCM thực nghiệm vụ Phó chánh án quận 4 xâm phạm chỗ ở Chiều 4/10 hàng chục cảnh sát cùng các bị can và người liên quan vụ xâm phạm nhà ở công dân được đưa đến căn nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 (TP.HCM) để thực nghiệm vụ án.

Ngày 2/11/2017, bà Thảo chuyển thêm 6 tỷ đồng cho bà Chi và tiếp quản căn nhà đang xây dựng, tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh.

Dự kiến, bà Chi hoàn công công trình trong tháng 12/2017, nếu cần thì gia hạn thêm, nhưng không quá 1 tháng. Theo thỏa thuận, sau khi bà Chi xong thủ tục hoàn công sẽ ra công chứng chuyển quyền sở hữu. Tuy nhiên, bà Thảo xây dựng nhà sai phép nên chưa được hoàn công. Từ đó, giữa 2 người xảy ra mâu thuẫn.

Theo đơn tố cáo của bà Thảo, sau khi thanh toán đợt 2, bà Chi nhận sổ từ ngân hàng nhưng không tiến hành các thủ tục hợp thửa, hoàn công. Bà Thảo cho biết bà đã chi thêm hơn 4 tỷ đồng để hoàn thiện công trình đến 90% nhưng bà Chi “vẫn không hợp tác giải quyết”.

Bà Thảo đã khởi kiện ra TAND quận 1 nhưng ngày 10/10/2018 tòa đã ký quyết định số 123/2018/QĐST-DS, tạm đình chỉ vụ án vì “cần đợi kết quả thu thập chứng cứ của UBND quận 1”. Tháng 3/2019, bà Thảo và gia đình chuyển đến căn nhà này sinh sống.

Trước đó, ngày 8/1/2019, bà Chi đã chứng thực việc ủy quyền cho ông Lâm Hoàng Tùng được toàn quyền thay mặt và nhân danh bà để thực hiện nhiều thủ tục, trong đó có việc nộp và nhận hồ sơ xin điều chỉnh giấy phép xây dựng, ký các biên bản với các cơ quan chức năng trong việc xây dựng công trình và giải quyết các tranh chấp pháp lý có liên quan đến công trình nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Ngoài ra, ông Tùng còn cung cấp hợp đồng chứng minh việc góp vốn với bà Chi mua và xây dựng căn nhà này, với số tiền 9 tỷ đồng. Do vậy, ông Tùng tự động mời Thừa phát lại đến lập vi bằng, lấy lại nhà.

Bà Thảo bị ngã ngay trước nhà trong cuộc giằng co. Ảnh: Cắt từ clip.

Bà Thảo bị ngã ngay trước nhà trong cuộc giằng co. Ảnh: Cắt từ clip.

Kết quả điều tra ban đầu từ Công an quận 1 cho thấy việc bà Thảo vào ở trong căn nhà xuất phát từ sự thỏa thuận và có sự đồng ý của bà Chi. Cơ quan điều tra có căn cứ xác định căn nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm là chỗ ở của gia đình bà Thảo.

Tuy nhiên, luật sư của ông Tùng cho rằng căn nhà này vẫn thuộc sở hữu của bà Chi vì bà chưa có biên bản bàn giao nhà cho bà Thảo nên người này không phải là người được phép sử dụng công trình đang xây dựng dở dang vào mục đích để ở cũng như kinh doanh.

Việc bà Thảo cư trú trong nhà và cho người ngước ngoài lưu trú, theo luật sư của phía ông Tùng là chưa hợp pháp.

Còn ai liên quan?

Theo diễn biến trong clip được ghi lại vào tối 19/9, ông Lâm Hoàng Tùng thuê Văn phòng Thừa phát lại quận 1 và Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Thành Hồ (huyện Bình Chánh) đến căn nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm lập vi bằng về việc lấy lại căn nhà.

Trong quá trình lấy lại nhà (kéo dài từ trưa đến tối), bà Thảo không có ở đó, nhưng có người giúp việc, một số khách nước ngoài thuê nhà.

Ông Tùng, ông Nam cùng một phụ nữ và khoảng 30 người đã đuổi những người có mặt bên trong ra ngoài và đưa 3 con của bà Thảo ra khỏi nhà.

Công an trục xuất 2 người chiếm giữ nhà ở 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm Hai người chiếm giữ căn nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 (TP.HCM) trong vụ phó chánh án bị "tố" bắt trẻ em, đã bị lực lượng cảnh sát trục xuất, áp tải về trụ sở công an.

Sau đó, Công an quận 1 đã khởi tố ông Nam và Tùng về tội Xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt từ 1-5 năm tù.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng trong clip không chỉ có 2 bị can trên mà còn có người phụ nữ mặc áo vàng cũng có hành động bế đứa bé lên xe. Người này cũng được cho là giúp sức tích cực cho Tùng trong việc đưa con bà Thảo ra khỏi nhà.

Bên cạnh đó, tài sản trong nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm bị phá hoại không phải do ông Nam và Tùng gây ra mà từ nhóm người được thuê đến.

"Bước đầu, cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố bị can đối với ông Nam, ông Tùng và đang tiếp tục điều tra hành vi của những người có liên quan”, một cán bộ điều tra nói.

"Phải bắt liền"

Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, trong vụ án này, ngoài xử lý hành vi Xâm phạm chỗ ở của người khác, cơ quan công an có thể xem xét xử lý đối với một số hành vi trái pháp luật khác như: Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi, Hủy hoại hoặc Cố ý làm hư hỏng tài sản...

Thạc sĩ Lưu Đức Quang (giảng viên Khoa Luật, Đại học Kinh tế Luật) nhấn mạnh hành vi bế những đứa trẻ từ trong nhà đưa lên taxi cần phải được cơ quan điều tra xem xét.

"Tôi đánh giá nghiêm trọng ở đây là hành vi chiếm đoạt trẻ. Với trẻ em, chỉ cần người lạ có hành động bế trẻ ra mà không được sự đồng ý của cha mẹ là phải ngay lập tức bắt liền", giảng viên luật nhận định.

Ông Quang cho rằng với tội Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi, động cơ thực hiện việc chiếm đoạt không phải là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội; chỉ cần có hành vi dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác để giữ trẻ em ngoài tầm kiểm soát của người thân là đã có thể khép vào tội này.

Theo nội dung clip, Lâm Hoàng Tùng và người phụ nữ áo vàng đã cùng bế 2 đứa trẻ từ trong nhà ra ngoài, đưa lên taxi. Khi bị người phụ nữ áo trắng (người nhà của bà Thảo) ngăn cản thì cả hai mới đưa trẻ ra khỏi xe hơi. Sau đó, ông Nam đỡ đứa trẻ từ tay người phụ nữ, nói đem ra khách sạn.

'Họ xông vào nhà, bế các con của tôi đi' "Khoảng 30 người đàn ông xông vào nhà tôi, đuổi cả gia đình ra ngoài. Họ bế con tôi lên taxi, định chở đi nhưng bị hàng xóm xung quanh vây lại, ngăn chặn kịp thời", bà Thảo kể.

"Không thể suy diễn bế trẻ con ra khỏi nhà là 'đuổi' người vì trẻ con khác người thành niên. Bạn đuổi người mẹ ra khỏi nhà, người mẹ bế con ra khác hẳn việc bạn tự tiện bế đứa trẻ ra khỏi nhà, chưa kể có người thân của trẻ ngăn cản. Thêm nữa, trẻ con không phải là đồ đạc. Hành động đưa những đứa bé ra khỏi không gian riêng là căn nhà, chui vào xe hơi, xa tầm kiểm soát của người giám hộ là đã rõ dấu hiệu cấu thành tội chiếm đoạt trẻ", vị giảng viên phân tích.

Do đó, các chuyên gia cho rằng hành vi chiếm đoạt trẻ phải được cơ quan chức năng xem xét sau khi đã khởi tố tội Xâm phạm chỗ ở của người khác.

Hôm 27/9, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án. Tội mà ông Nam và Tùng bị khởi tố là nghiêm trọng, do đó, thời hạn để điều tra sẽ không quá 3 tháng.

Nói với Zing.vn về vụ việc, Phó viện trưởng VKSND TP.HCM Nguyễn Nhật Nam cho rằng "bất cứ ai vi phạm pháp luật đều bị xử lý, không có vùng cấm, vi phạm đến đâu sẽ bị xử lý đến đó".

Hoài Thanh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/pho-chanh-an-quan-4-va-giang-vien-co-bi-chieu-toi-chiem-doat-tre-em-post998413.html