Phổ cấp tiến sĩ

Ông nội tôi là một thầy đồ nổi tiếng trong vùng, dù ông chỉ có cái bằng tú tài. Ông văn hay, chữ đẹp, được nhiều người mến mộ. Bà nội tôi chẳng may qua đời sớm, để lại hai người con trai còn thơ dại cho ông nội nuôi dạy. Những ai đã từng sống cảnh 'gà trống nuôi con' mới thấu hiểu hết được những khó khăn vất vả của ông nội tôi.

Văn hay chữ đẹp cũng không thể đùa với cơm áo gạo tiền. Cha tôi đành phải nghỉ học sớm vì ông nội không thể nào nuôi nổi hai người con ăn học cùng lúc. Khi còn thiếu niên, cha tôi đã làm rất nhiều việc để phụ ông nội lo cho chú học hành thành tài. Chú tôi được cái sáng dạ, học rất giỏi và có tài văn thơ giống ông nội. Chú thi đậu vào Trường đại học Sư phạm chuyên ngành Văn học. Khi tốt nghiệp, chú ẵm luôn giải thủ khoa và được nhà trường cho học bổng để học lên thạc sĩ.

Hơn 30 năm trước, ai mà có bằng cử nhân đã là ghê gớm lắm chứ đừng nói có bằng thạc sĩ, có đốt đuốc đi tìm thì cũng rất khó để gặp được người có bằng thạc sĩ. Ra trường, chú được Trường đại học Sư phạm giữ lại làm giảng viên. Nhưng chú lại xin về quê dạy một trường cấp 3 gần nhà.

Dạy học được 3 năm thì chú tôi nghỉ dạy, ở nhà làm nông, thi thoảng làm thơ. Lúc ấy tôi còn rất nhỏ, nên không hiểu vì sao chú tôi lại bỏ dạy học nửa chừng. Lớn lên, tôi được biết lý do chú nghỉ dạy vì không muốn làm việc dưới quyền một ông lãnh đạo chỉ có bằng cử nhân. Người có bằng thạc sĩ không thể làm lính cho người chỉ có bằng cử nhân. Chú nghĩ vậy!

Từ ngày nghỉ dạy xong, chú tôi treo cái bằng thạc sĩ của mình ngay phòng khách, để ai vào nhà cũng dễ dàng nhìn thấy, để mọi người biết rằng chú không phải là một nông dân bình thường. Chú tôi rất hãnh diện về cái bằng của mình. Buổi sáng, chú nhâm nhi ly trà và ngắm cái bằng của mình, giống như dân chơi chim vừa thưởng thức trà vừa nghe tiếng chim hót. Buổi tối, chú vừa nhăm nhi ly rượu vừa ngắm nghía cái bằng của mình và vỗ ngực tự hào: “Cả làng này, cả huyện này có thằng nào bằng cấp hơn tao? Tao làm nông cũng giống như Nguyễn Khuyến về quê ở ẩn”.

Việc bỏ dạy học của chú làm ông nội tôi thất vọng và làm cha tôi rất buồn. Nếu biết như vậy, ông nội đã không đầu tư cho chú tôi ăn học thành tài, và cha tôi đã không phải nghỉ học sớm. Cũng vì cái tính ngông cuồng như vậy, nên chú không chịu cưới vợ, vì không ai xứng đáng làm người nâng khăn sửa túi cho chú. Trước khi mất, ông nội trăn trối cho cha tôi 2 việc: “Thứ nhất là quan tâm giúp đỡ chú tôi, thứ hai là phải cho tôi ăn học thành tài để tiếp nối truyền thống hiếu học của gia đình”.

Ba cái Tết rồi tôi đã không về quê. Năm nay, sau khi thu xếp mọi việc, tôi về quê ăn Tết và cũng tranh thủ đến thăm nhà chú. Chú vẫn như xưa, vẫn gàn dở, vẫn bảo thủ, vẫn sống thui thủi một mình, vẫn cho mình là cái rốn của vũ trụ. Sau khi nhấp xong ngụm trà, chú hỏi tôi:

- Chú nghe mày học Đại học Sư phạm gần mười năm rồi. Vậy nay mày dạy ở đâu?

Tôi đáp:

- Dạ! Cháu vẫn đang học chú à.

Chú tôi thắc mắc:

- Mày học gì mà 10 năm rồi không ra trường?

Tôi đáp:

- Dạ con đang học tiến sĩ.

Chú tôi nghe xong, vẻ mặt thoáng chút ngạc nhiên:

- Hồi xưa, mày chỉ khao khát dạy trường cấp 3 gần nhà, nay lại tham vọng học tiến sĩ để làm quan lớn à?

Tôi giảng giải cho chú:

- Ngày nay, dạy cấp 3 yêu cầu phải có bằng thạc sĩ. Vậy nên con làm luôn cái tiến sĩ để vài năm nữa đỡ mất công phải cắp sách đi học tiếp.

Chú tôi nghe xong, nhìn cái bằng thạc sĩ của mình treo trên trường và lẩm bẩm:

- Đất nước mình chuẩn bị phổ cập tiến sĩ rồi sao!

Tôi nhìn chú ái ngại vô cùng vì không biết cuộc đời chú sẽ ra sao khi không còn thú vui vừa uống rượu vừa ngắm cái bằng thạc sĩ treo trên tường nữa rồi.

Nghĩa Nam

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/muon-mau-cuoc-song/pho-cap-tien-si-528747/