Phố Cannery Row- thông điệp đậm màu sắc nhân bản của tác giả Nobel Văn chương 1962

Phố Cannery Row là áng văn dí dỏm, giản dị và chất chứa hoài niệm của John Steinbeck, tiểu thuyết gia người Mỹ đạt giải Nobel Văn chương năm 1962. Ra đời cách đây hơn bảy thập kỷ, Phố Cannery Row vẫn luôn là một trong những tác phẩm của nhà văn được yêu mến nhất với nhiều thông điệp đậm màu sắc nhân bản về muôn mảnh đời trầm lặng bên rìa xã hội.

John Steinbeck sinh ra tại miền quê Salinas thuộc tiểu bang California năm 1902. Ngay từ khi lên mười bốn tuổi, cậu bé Steinbeck chuyên nhốt mình trong phòng riêng để sáng tác truyện và thơ đã quyết tâm trở thành một nhà văn. Chặng đường đi đến đỉnh cao văn nghiệp của Steinbeck - cụ thể hóa bằng giải thưởng Pulitzer Prize năm 1940 và Nobel văn chương năm 1962 - tuy thế lại không hề bằng phẳng. Thủa thanh niên hoài bão, ông tới New York để sống bằng nghề viết văn và làm báo, nhưng thất bại và lại trở về California. Sau một thời gian làm đủ loại việc như hái trái cây, phu hồ, thợ sơn, thợ vẽ, thợ đo đạc... ông và vợ về sống nơi căn nhà tranh của cha ông tại Pacific Grove trong hạt Monterey. Nhưng khủng hoảng kinh tế khiến ông lại thất bại và phải sống nhờ trợ cấp xã hội. Mãi đến năm 33 tuổi Steinbeck mới bắt đầu nổi tiếng nhờ cuốn Tortilla Flat (1935), và đó cũng là mở đầu cho một loạt tác phẩm ông đã đưa thành kinh điển như Of Mice and Men (1937), The Grapes of Wrath (1939), The Pearl (1947) hay East of Eden (1952). Chạm tuổi lục tuần, nhà văn chân quê miền nam nước Mỹ đã được vinh danh với giải Nobel Văn chương nhờ “những tác phẩm đầy sáng tạo và đậm tính hiện thực, vừa hài hước nhân văn vừa thể hiện nhận thức xã hội nhạy bén.”

Giống như phần lớn nội dung những câu chuyện mà John Steinbeck thường khắc họa: đời sống của giới thợ thuyền, người thất nghiệp và bị phá sản, nông dân và công nhân nông nghiệp di trú theo mùa màng, những kẻ bị loại ra ngoài dòng chảy cuộc đời; Phố Cannery Row cũng xoay quanh đủ mọi hạng người sống dưới đáy xã hội quanh dãy phố chuyên đóng hộp cá mòi vùng ven Monterey, California. Điều đặc biệt của tiểu thuyết này là nó gần như không có cốt truyện mà tập hợp nhiều mẩu truyện ngắn liên kết, như một con sông quanh co tỏa ra nhiều nhánh, mang theo những sắc màu rực rỡ chính là con người muôn màu muôn vẻ của mảnh đất này. Đó là Lee Chong, ông Tàu già chủ tiệm tạp hóa, “kẻ cứng rắn vì một lon đậu - kẻ dịu dàng với xương cốt của ông nội mình”; đó là Dora Flood, quý bà vĩ đại chủ nhà thổ Nhà hàng Cờ Gấu; đó là Doc, nhà hải sinh học rộng lượng và minh triết, sống và làm việc ở Phòng thí nghiệm Sinh Vật Miền Tây; đó là Mack và đám choai choai, bọn “vô tích sự, kẻ cắp, vô lại” nhưng đồng thời cũng là“Đức hạnh, Ân sủng, Phong nhã” của Monterey... Bối cảnh của Phố Cannery Row lẫn tuyến nhân vật kỳ khôi này chẳng đâu xa lạ mà đều được John Steinbeck “bê nguyên xi” từ phố đóng hộp cá mòi Ocean View Avenue ngoài đời thực. Nhà sử học Michael Hemp đã khẳng định Phố Cannery Row gần như không còn là một tiểu thuyết hư cấu:“Chẳng thiếu kẻ lạ đời sống ở phố này để viết về họ, John chỉ việc quan sát xung quanh mình là đã thu về hàng đống tư liệu rồi.” Sau thành công vang dội của Phố Cannery Row, phố Ocean View Avenue nhanh chóng biến thành khu thương mại nhộn nhịp và chính thức được đổi tên thành Cannery Row vào năm 1953 để tri ân tác phẩm.

Một điểm đáng chú ý nữa về Phố Cannery Row là toàn bộ thì, thời trong câu chuyện đều được để ở quá khứ. Tuy ra đời năm 1945, ngay sau Thế chiến thứ hai, nhưng mọi sự kiện của tiểu thuyết đều nằm vào thời kỳ Đại khủng hoảng thập niên 30. Đây đó ta thấy dấu chân của lịch sử chà đạp lên số phận hẩm hiu của người dân vùng Monterey. Horace William nợ đầm đìa và cuối cùng phải bán nốt tấc đất cắm dùi rồi tự sát. Ông bà Malloy mất nhà và phải chuyển vào sống trong nồi súp de hỏng bỏ không. Mack và đám choai choai thực chất là đám lông bông thất nghiệp, có xin được việc cũng chỉ giữ không quá một tháng... Tuy Steinbeck chủ ý không đi sâu chi tiết mà chỉ gần như “sượt nhẹ qua” hoàn cảnh cơ hàn của từng nhân vật, người đọc có lẽ vẫn không nén được tiếng thở dài thương tâm trước bức tranh toàn cảnh vô cùng chua chát giữa giai đoạn suy thoái trầm trọng này.

John Steinbeck, tiểu thuyết gia người Mỹ đạt giải Nobel Văn chương năm 1962

John Steinbeck, tiểu thuyết gia người Mỹ đạt giải Nobel Văn chương năm 1962

Phố Cannery Row, như John Steinbeck tự nhận, vốn được sáng tác cho những người lính từng nói với ông: “Hãy viết thứ gì vui nhộn đừng về chủ đề chiến tranh. Hãy viết thứ gì cho chúng tôi đọc - chúng tôi phát ngấy chiến tranh rồi.” Có thể bạn đọc sẽ tự hỏi, vì sao đối với một tiểu thuyết “vui nhộn”, John Steinbeck lại chọn bối cảnh là những năm tháng tăm tối nhất của lịch sử kinh tế nước Mỹ? Nhưng chỉ cần đọc một vài chương đầu thôi là bạn sẽ nhận ra dụng ý và tài năng của Steinbeck: Ông bà Malloy phải sống trong nồi súp de nhưng “họ nhét tấm nệm qua cửa đốt lò và ổn định cuộc sống”, một nơi họ tự thấy là rộng rãi, khô ráo, an toàn và không nơi nào ấm hơn. Mack và đám choai choai để tìm cách mở tiệc sinh nhật cho Doc đã quyết tâm sửa xe ô tô hỏng, vượt đồi dốc, xoay xở với một điền chủ hung hăng để bắt mấy trăm con ếch nhằm kiếm chút tiền mua đồ trang trí và đồ ăn cho bữa tiệc... Đọc Phố Cannery Row, có cảm tưởng cái bần cùng dường như chưa bao giờ thắng thế được phẩm giá trầm lặng của những con người nơi đây. Nơi ấy tiếng cười bay cao trên đói khát, nơi ấy tình người vượt thoát khỏi tồi tàn, mãi mãi niềm lạc quan ngự trị trong những tâm hồn cơ cực; vậy thì còn cái “vui nhộn” nào ý nghĩa và sâu sắc hơn như thế nữa?

Phố Cannery Row là một tiểu thuyết hơi hướm cổ điển, không ra vẻ thời thượng hay làm dáng độc đáo, không đao to búa lớn, không khua chiêng gõ trống mời gọi sự chú ý. Như Steinbeck tự nhận ở đầu cuốn sách - ông chỉ sáng tác bằng cách “mở trang giấy ra và để các câu chuyện tự nó bò vào” - có lẽ khi đọc tác phẩm này chúng ta cũng chỉ cần mở các câu chuyện ra, để chúng tự bò vào trái tim mình mà thôi.

Tiểu thuyết Phố Cannery Row do NXB Hội Nhà văn và Công ty Cổ phần Sách Tao Đàn giới thiệu, ra mắt độc giả đầu tháng 8/2018.

T.Đ

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/pho-cannery-row-thong-diep-dam-mau-sac-nhan-ban-cua-tac-gia-nobel-van-chuong-1962-356984.html