Phổ biến pháp luật để từng bước đẩy lùi nạn tảo hôn

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) còn tồn tại phong tục, tập quán lạc hậu như: cướp vợ, cưỡng hôn mang tính gả bán... Nếp nghĩ sớm có con đàn cháu đống, kết hôn sớm để có thêm người làm nương rẫy, quan niệm kết hôn trong họ tộc để lưu giữ tài sản… là những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Trước đây, nhiều bà con thất học, thiếu hiểu biết về pháp luật và không phải ai cũng biết đến Luật Hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, mới đây, theo khảo sát của cơ quan chức năng tại Lào Cai, Lai Châu… cho thấy, tình hình đã thay đổi.

Ông Đỗ Sỹ Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) của tỉnh Lào Cai cho biết, mô hình giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được duy trì và mở rộng địa bàn triển khai. Các CLB duy trì được sinh hoạt mỗi quý 1 lần tại 16 xã của 8 huyện trong tỉnh. Qua đó, năm 2017, tại địa bàn triển khai chỉ còn 82 cặp tảo hôn/584 cặp kết hôn (chiếm 14,04%; 2 cặp kết hôn cận huyết thống/584 cặp kết hôn, chiếm 0,34%).

Tại tỉnh Lai Châu, theo ông Hoàng Hải Hưng, Chi Cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, giai đoạn 2011-2020, ngành dân số đã thực hiện được 48.400 lượt tuyên truyền tư vấn tại hộ gia đình và 2.422 lượt truyền thông về tác hại của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.

Năm 2017, ngành dân số đã tập trung duy trì triển khai mô hình can thiệp giảm tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống tại 37 xã thuộc 7 huyện. Tỉnh Lai Châu cũng đã duy trì 41 CLB, truyền thông vận động, tổ chức hội nghị nói chuyện chuyên đề can thiệp giảm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống tại cơ sở. Đáng chú ý, ngành dân số đã tích cực phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh Lai Châu lồng ghép tổ chức tại khu dân cư cam kết thực hiện chính sách DS- KHHGĐ, không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống… Kết quả, đã can thiệp được 30 trường hợp có ý định và nguy cơ tảo hôn cao. Tổng số cặp kết hôn tại 27 xã là 1.189 cặp, số cặp tảo hôn là 238 cặp (chiếm 20%), kết hôn cận huyết thống là 1 cặp (so với năm 2016, giảm được 3 cặp kết hôn cận huyết thống).

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con vùng cao nhằm đẩy lùi nạn tảo hôn.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con vùng cao nhằm đẩy lùi nạn tảo hôn.

Còn ở tỉnh Sơn La, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2020” năm 2018. Bà Trịnh Thị Oanh, Trưởng Ban dân tộc tỉnh Sơn La chia sẻ, để triển khai Đề án có hiệu quả, trong năm 2018, tỉnh Sơn La tập trung duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình thí điểm tại 2 huyện Vân Hồ và Bắc Yên.

Trong quý III-2018, Ban Dân tộc tỉnh chủ trì phối hợp với UBND hai huyện này chỉ đạo các xã tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động các CLB, nhóm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình; những hệ lụy của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thông qua các buổi ngoại khóa tại trường THCS trên địa bàn 4 xã: Hang Chú, Háng Đồng, Lóng Luông, Tân Xuân của 2 huyện.

Trong năm 2018, tỉnh Sơn La cũng chú trọng nhân rộng các mô hình trên địa bàn các huyện có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết cao như: Phù Yên, Mường La, Thuận Châu. Ban Dân tộc sẽ tổ chức khảo sát, nắm tình hình thực tế và xây dựng 6 mô hình trên địa bàn 3 huyện, mỗi huyện chọn 2 xã có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao.

Các tỉnh cũng tăng cường tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về Luật Hôn nhân và gia đình; thực trạng và các giải pháp để ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn. Ngoài ra, các tỉnh còn đổi mới nhiều hình thức tuyên truyền hiệu quả như: xây dựng các pano, áp phích, tài liệu phù hợp với phong tục, tập quán, văn hóa của các dân tộc thiểu số ở địa phương.

Đỗ Phương

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/pho-bien-phap-luat-de-tung-buoc-day-lui-nan-tao-hon-120154.html