Phổ biến pháp luật cho đối tượng cai nghiện: Đa dạng hình thức tuyên truyền

Thời gian qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho các đối tượng cai nghiện được các cơ quan chức năng Hà Nội quan tâm, chú trọng. Đây là cách làm hay, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền cho đối tượng đặc thù.

Các học viên tại một cơ sở cai nghiện ma túy ở Hà Nội. Ảnh: Ánh Tuyết

Các học viên tại một cơ sở cai nghiện ma túy ở Hà Nội. Ảnh: Ánh Tuyết

Tại Hà Nội, công tác tuyên truyền, PBGDPL về phòng, chống ma túy trong các trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội, các cơ sở cai nghiện đã được TP Hà Nội quan tâm triển khai. Các buổi tuyên truyền, PBGDPL trực tiếp, thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống ma túy đã được Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ngành, các cơ sở cai nghiện, các trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội triển khai với nhiều mô hình đa dạng, hình thức phong phú. Tại các buổi tuyên truyền, PBGDPL trực tiếp ở các cơ sở cai nghiện ma túy, các học viên được thảo luận, trao đổi về kiến thức pháp luật, chứng kiến các tình huống thực tế vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực như: Phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng chống ma túy, tội phạm hình sự, luật dân sự…

Thời gian qua, Viện KSND huyện Gia Lâm đã tích cực phối hợp với các ngành tư pháp, cơ quan chức năng trên địa bàn huyện, tiến hành lồng ghép tuyên truyền, PBGDPL cho các đối tượng trong các phiên họp xem xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại TAND.

Các nội dung pháp luật được thực hiện tuyên truyền bao gồm: Quyền và nghĩa vụ của công dân trong công tác phòng, chống ma túy; Luật về phòng, chống ma túy; Bộ luật Hình sự xử lý tội phạm về ma túy; chính sách pháp luật về phòng, chống lây nhiễm HIV; tác hại và các biện pháp phòng ngừa tệ nạn ma túy; chính sách của Đảng, Nhà nước, địa phương đối với người bị áp dụng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và tự nguyện tại cơ sở; những tấm gương cai nghiện thành công, vượt khó trong cuộc sống... Từ đó, nâng cao ý thức và kỹ năng chấp hành pháp luật và đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm về ma túy cho học viên.

Đại diện Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, công tác tuyên truyền, phổ biến những kiến thức pháp luật về phòng, chống ma túy nhằm nâng cao nhận thức của học viên tại các cơ sở cai nghiện về hậu quả, tác hại của ma túy, hạn chế tái nghiện khi trở về cộng đồng và góp phần giảm thiểu tệ nạn này trên địa bàn TP. Để công tác phòng, chống ma túy đạt hiệu quả, cần có sự chung tay của các cấp, ngành, cộng đồng xã hội, trong đó có công tác tuyên truyền, PBGDPL.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND triển khai công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn năm 2020. Theo đó, TP yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy, cai nghiện và quản lý sau cai; trong đó chú trọng đổi mới nội dung tuyên truyền, tăng thời lượng và đa dạng hóa các hình thức truyền thông, thực hiện hiệu quả công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm giữa các sở, ngành.

Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp tuyên truyền nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở cai nghiện ma túy, duy trì các hình thức PBGDPL phù hợp như: Giáo dục pháp luật thông qua lồng ghép trong chương trình học văn hóa, học nghề, hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể thao; giáo dục tư vấn pháp luật cá biệt cho từng đối tượng, giúp họ có động lực để cai nghiện thành công; xây dựng và khai thác thư viện, tủ sách pháp luật; niêm yết thông tin pháp luật tại bảng tin của cơ sở cai nghiện bắt buộc, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, pa-nô, áp phích, tranh cổ động… về phòng, chống và cai nghiện ma túy.

Hồng Thái

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/pho-bien-phap-luat-cho-doi-tuong-cai-nghien-da-dang-hinh-thuc-tuyen-truyen-378575.html