Phổ biến kiến thức về bảo hiểm xã hội cho CNLĐ

Vừa qua, Ban Tuyên giáo LĐLĐ Thành phố phối hợp với Công đoàn Các khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã tổ chức truyên Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 cho 600 CNLĐ Công ty TNHH sản xuất phụ tùng Yamaha moto Việt Nam tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long.

Tại các buổi tuyên truyền, CNLĐ đã được truyền đạt và trao đổi những nội dung của Luật BHXH năm 2014, trong đó có nhiều vấn đề mới thực hiện như: Từ ngày 1/1/2018 sẽ mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với người ký kết hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng; người lao động sẽ được trả và tự quản lý sổ BHXH để theo dõi thực tế quá trình đóng BHXH của mình; đến năm 2020 khi ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thì sổ BHXH sẽ được thay thế bằng thẻ BHXH.

Quang cảnh buổi tuyên truyền

Quang cảnh buổi tuyên truyền

Bên cạnh đó, CNLĐ còn được phổ biến, hướng dẫn chi tiết từng chế độ được hưởng BHXH của NLĐ như: Chế độ hưởng của bản thân người lao động khi bị ốm đau; được hưởng chế độ khi có con bị ốm đau dưới 7 tuổi; các chế độ thai sản đối với lao động nữ, đặc biệt quy định mới về chế độ thai sản đối với lao động nam có vợ sinh con; mức hưởng và thay đổi về cách tính chế độ mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức hưởng một ngày bằng 30% so với mức lương cơ sở.

Nhấn mạnh với CNLĐ về những lợi ích cao hơn khi doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, bà Ngô Ngọc Thủy- Phó Ban Tuyên giáo LĐLĐ Thành phố cho biết, đối với doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn, người lao động sẽ được ưu đãi hơn về so với doanh nghiệp không có tổ chức Công đoàn về mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe…

Ngoài ra, tại buổi tuyên truyền, báo cáo viên đã ghi nhận và giải đáp nhiều thắc mắc của CNLĐ về quy trình, thủ tục hồ sơ nghỉ hưởng các chế độ ốm đau, thai sản; chế độ tử tuất; chế độ trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…

Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực của LĐLĐ Thành phố nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật BHXH, BHYT của người sử dụng lao động và người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời giúp CNLĐ chủ động hơn trong quan hệ lao động, biết tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình về chế độ BHXH và tham gia tuyên truyền tích cực các chính sách BHXH đối với người thân, bạn bè và xã hội.

P.Diệp- N.Ánh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/pho-bien-kien-thuc-ve-bao-hiem-xa-hoi-cho-cnld-92662.html