Phổ biến giáo dục pháp luật ở Hải Hà: Chú trọng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Cũng giống như một số huyện, thị miền Đông khác, trên địa bàn Hải Hà có nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trình độ dân trí chưa cao nên ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế. Bởi vậy, thời gian qua, huyện đã tăng cường các giải pháp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng biển đảo trên địa bàn.

Huyện Hải Hà phối hợp cùng Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Ninh trợ giúp pháp lý cho người dân xã Quảng Đức (Hải Hà). Ảnh: Nguyễn Chiến

Huyện Hải Hà phối hợp cùng Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Ninh trợ giúp pháp lý cho người dân xã Quảng Đức (Hải Hà). Ảnh: Nguyễn Chiến

Theo chân cán bộ dân số xã Quảng Sơn Vũ Thị Hoa, chúng tôi đến gia đình Lý Thị Thảo, bản Lồ Má Coọc để tuyên truyền về Luật Hôn nhân gia đình và một số chính sách mới về dân số. Khi thấy đoàn đến, hầu hết mọi người trong gia đình Thảo đều ngại ngùng, tiếp chuyện khó khăn. Hễ mọi người trong đoàn có hỏi thăm gì, các thành viên trong gia đình chỉ cười, lắc hoặc gật đầu, dù rằng mọi người đã cố gắng sử dụng ngôn ngữ tiếng Dao để trò chuyện.

Theo chị Hoa, đây là tình trạng chung của phần lớn hộ dân trong xã. Quảng Sơn (Hải Hà) có 962 hộ dân sinh sống, phần lớn là đồng bào dân tộc Dao. Cả xã có 2 thôn, 10 bản, trong đó có những bản cách xa trung tâm xã đến hơn 10km như: Mảy Nháu, Tài Chi... Địa hình xa xôi, rải rác, cộng thêm thói quen ít giao tiếp nên việc TTPBGDPL của các cấp đến với bà con gặp khó khăn.

Mặc dù vậy, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, hàng tuần, cán bộ, viên chức xã đều bố trí thời gian đến từng hộ dân tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước. Để đạt hiệu quả hơn, hầu hết các buổi tuyên truyền đều có sự tham gia của đội ngũ già làng, trưởng bản, bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản và ngôn ngữ giao tiếp là tiếng Dao bản địa.

Nhờ vậy mà hiện nay, ý thức chấp hành pháp luật của người dân ở Quảng Sơn đã được cải thiện đáng kể. Bà Tằng Tài Múi, bản Quảng Mới (Quảng Sơn) cho biết: “Các cô chú ấy đến tuyên truyền thường xuyên, cứ có chính sách gì mới liên quan đến người dân lại đến phổ biến nên bà con cũng nắm được phần nào và thực hiện. Trước chúng tôi không quan tâm đến thủ tục về hộ khẩu, làm giấy khai sinh, chứng minh thư thì nay ở thôn mọi người đã chú trọng hơn rồi”.

Không chỉ với Quảng Sơn mà vấn đề TTPBGDPL cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biển, đảo, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số được huyện Hải Hà quan tâm. Theo Trưởng Phòng Tư pháp huyện Hải Hà Ngô Thu Hà, để nâng cao hiệu quả công tác này, huyện đã củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác TTPBGDPL. Cụ thể, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật gồm 28 thành viên do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm Chủ tịch Hội đồng, các thành viên là lãnh đạo các phòng, ban, lực lượng trên địa bàn huyện; 22 báo cáo viên pháp luật chủ yếu là cán bộ chủ chốt ở các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội. Tại các xã, thị trấn trên địa bàn cũng có 147 tuyên truyền viên pháp luật, chủ yếu là cán bộ, công chức, cán bộ tư pháp - hộ tịch...

Tăng cường lớp học xóa mù chữ ở xã Quảng Sơn (Hải Hà) giúp bà con dân tộc thiểu số tiếp cận chính sách pháp luật của Nhà nước thuận tiện hơn. Ảnh: Thái Hà (Trung tâm TT-VH Hải Hà)

Để nâng cao hiệu quả công tác TTPBGDPL, huyện Hải Hà đã ban hành kế hoạch về công tác này và giao chỉ tiêu cho các ngành, đoàn thể, các địa phương trên địa bàn, trong đó chú trọng vào các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống hay các xã vùng ven biển, xã đảo trên địa bàn. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Phòng Tư pháp huyện đã phối hợp tổ chức được 11 cuộc tuyên truyền trực tiếp cho 10.500 lượt người tham dự; UBND các xã, thị trấn tổ chức 35 cuộc cho trên 11.710 người. Tư pháp huyện còn biên soạn và cấp phát trên 650 bộ tài liệu, hơn 24.500 tờ gấp pháp luật...

Nội dung tuyên truyền tập trung vào Luật Phòng chống bạo lực gia đình, về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo bản đồ địa chính, về chủ đề công tác năm, xây dựng nông thôn mới... Huyện đã phát 7.000 tờ gấp tới vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Quảng Sơn, Quảng Đức, Quảng Phong, Đường Hoa. Việc tuyên truyền trên hệ thống loa đài ở các thôn, bản, khu phố cũng được tăng cường...

Riêng Phòng NN&PTNT huyện còn phối hợp với Đồn Biên phòng 19, các xã ven biển (Phú Hải, Quảng Minh, Đường Hoa, Tiến Tới, Quảng Phong)... tổ chức tuyên truyền cho ngư dân đánh bắt và nuôi trồng thủy sản về Luật Thủy sản, các quy định quản lý nhà nước về hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tuyên truyền về Chỉ thị 18 ngày 1/9/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”, tổ chức cho ngư dân ký cam kết không sử dụng sung điện, chất nổ, nghề cấm khai thác thủy sản.... để khai thác thủy sản.

Cùng với đó, công tác hòa giải ở cơ sở cũng được các xã, phường, thị trấn trên địa bàn quan tâm, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện cả 118 thôn, bản, khu phố trên địa bàn huyện đều đã có tổ hòa giải với đội ngũ tham gia liên tục được kiện toàn, được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng... 6 tháng đầu năm 2019, trong số 62 vụ việc tranh chấp ở cơ sở thì có 50 vụ việc hòa giải thành, góp phần giữ gìn đoàn kết thôn xóm.

Nhờ đẩy mạnh công tác TTPBGDPL, trong đó chú trọng vào khu đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng ven biển... ý thức chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn huyện Hải Hà được nâng lên đáng kể. Trật tự trị an trong cộng đồng dân cư ngày càng được giữ vững.

Thu Nguyệt

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201908/pho-bien-giao-duc-phap-luat-o-hai-ha-chu-trong-o-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-2452575/