Phó Bí thư tỉnh Hòa Bình nói gì vụ xả thải đầu độc nước sông Đà?

'Người đại diện ở cuộc họp báo ở Hà Nội, anh Nguyễn Văn Tốn - Tổng Giám đốc Công ty - nói là người làm thuê còn tại Hòa Bình là Phó Giám đốc đến theo tôi dự đoán khả năng, trách nhiệm chỉ đến mức độ vậy thôi', Phó Bí thư tỉnh Hòa Bình cho biết.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 22/10, xung quanh vụ xả thải đầu độc nước sông Đà, ông Trần Đăng Ninh, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình cho biết: Đến nay, cơ quan công an vẫn đang tạm giữ hình sự đối với Lý Đình Vũ, Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám là các đối tượng bị nghi đổ dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước sông Đà.

Hiện nay, cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Hòa Bình đang tiếp tục điều tra, làm rõ.

 Ông Trần Đăng Ninh trả lời báo chí tại hành lang Quốc hội.

Ông Trần Đăng Ninh trả lời báo chí tại hành lang Quốc hội.

Nói về việc chỉ đạo của tỉnh Hòa Bình liên quan vụ việc trên, ông Trần Đăng Ninh cho hay, địa phương đang đề nghị công ty nước sạch phải lấy nước mặt sông Đà làm nguồn chính.

"Tức là họ phải bơm từ sông Đà lên bể chứa, sau đó, mới bơm lên lọc rồi chuyển về Hà Nội. Còn hiện tại, nguồn nước chủ yếu lấy ở hồ Đầm Bài. Diện tích hồ rộng nên khi mưa, nước lưu vực chảy xuống nhiều. Ngay khi nhận thông tin, chính quyền địa phương đã đến xác minh, khi công ty thuê đơn vị đến xử lý chính quyền cũng có mặt. Tôi cũng gặp anh Tốn, anh Tốn nói cũng rất băn khoăn vì tất cả thông số không có vấn đề gì. Nhưng thực tế, người dân thấy mùi khét rất ghê, thực sự mình đứng ở bên ngoài nhà máy đã thấy mùi khét”, ông Trần Đăng Ninh nói.

Nói về việc xe đổ trộm dầu thải khiến nguồn nước ô nhiễm, Phó bí thư Hòa Bình nhận định đây là vấn đề kiểm soát nguồn vào và trách nhiệm của nhà máy cần phải nâng cao hơn.

Nước sạch sông Đà bị ô nhiễm do xả thải.

Nêu ý kiến về việc đại diện của công ty nước sạch sông Đà chưa xin lỗi mà cho rằng, sau khi có kết luận cuối cùng sẽ xin lỗi, thậm chí, nói mình là nạn nhân chịu thiệt hại lớn..., ông Trần Đăng Ninh thẳng thắn cho biết: "Đã cung cấp nước sạch thì phải đảm bảo chất lượng nước cho người dân. Khi chưa đảm bảo thì trước hết phải nhận trách nhiệm. Bây giờ công ty nói một số số liệu vẫn đảm bảo, nhưng người dân phản ánh nước đó có mùi khét thì mình phải chịu trách nhiệm”.

Nêu quan điểm về ứng xử của lãnh đạo Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco), ông Ninh nhắc lại phát ngôn của Tổng giám đốc công ty Nguyễn Văn Tốn cho rằng mình “chỉ là người làm thuê”, còn Phó giám đốc công ty là Bùi Đăng Khoa lại không chịu xin lỗi dân và nói công ty là người chịu thiệt hại nặng nhất, phải chờ kết luận điều tra và nói rằng: "Cái này thực ra là do họ. Theo tôi dự đoán anh này khả năng, trách nhiệm chỉ đến mức độ vậy thôi”.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình cho rằng, việc kiểm soát, bảo vệ nguồn nước phải thực hiện thường xuyên. Bây giờ phải lắp tất cả camera chứ không thể đủ lực lượng công an để “rải” khắp nơi kiểm soát được. Trách nhiệm này thuộc về đơn vị cung cấp, vì đã cung cấp phải đảm bảo chất lượng.

Đồng thời cho biết, tất cả hoạt động trên lưu vực đều phải đạt tiêu chuẩn chật lượng kể cả về dân cư, hoạt động của các nhà máy, để bảo đảm nước đạt chất lượng, khi xả ra phải đạt B, sau có thể tăng lên A tiêu chuẩn. Nhưng, như tôi nói ban đầu, Công ty nước phải kiểm soát đầu vào nguyên liệu của anh sản xuất. Tất cả, nguyên liệu anh sản xuất phải bảo đảm.

Ông Nguyễn Văn Tốn.

Ông Ninh cho rằng, cơ quan điều tra đang làm rõ và phải chờ cơ quan điểu tra kết luận. Tuy nhiên, quan điểm với vụ việc xảy ra ở mức độ nghiêm trọng như vậy thì phải xử lý nghiêm, sau này phải rút kinh nghiệm để bảo đảm nguồn nước.

Do vậy, khi trả lời về việc có ý kiến đặt ra vấn đề xử lý trách nhiệm hình sự doanh nghiệp, song ông Ninh cho biết việc này chưa tiến hành và sẽ do cơ quan điều tra xác định. "Bây giờ đã khởi tố vụ án rồi nên phải do bên điều tra xác định chứ không thể nói hình sự hay không", ông Ninh nói.

Trước đó, chiều 17/10 tại cuộc họp báo do tỉnh Hòa Bình tổ chức, ông Bùi Đăng Khoa - Phó giám đốc công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà tiếp tục khiến người dân, khách hàng vô cùng thất vọng khi trả lời PV về việc công ty có nợ người dân lời xin lỗi hay không? đã thản nhiên nói rằng: “Xin lỗi hay không phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng". Thậm chí, ông Bùi Đăng Khoa thản nhiên nói trước báo giới, trước dư luận “công ty là đơn vị thiệt hại nhất" .

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Ban Tuyên giao Thành ủy Hà Nội chiều 15/10, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) Nguyễn Văn Tốn cũng khiến người dân, dư luận vô cùng thất vọng khi trả lời PV về việc bản thân có nói lời xin lỗi với hàng vạn hộ dân là khách hàng dùng nước của công ty ở Hà Nội hay không đã nói rằng: “Vâng! Xin lỗi. Công ty đã nhận lỗi về vấn đề nhiều khi khách hàng cần mà mình không đến kịp thời”. Thất vọng hơn nữa khi Tổng Giám đốc nói rằng: “Không chắc xử lí được ô nhiễm nước vì đây là lần đầu tiên xảy ra…”.

Ông Bùi Đăng Khoa.

Như Kiến Thức đã đưa tin, khoảng 21h30 phút ngày 08/10/2019, một số công nhân phát hiện tại đường giao thông liên xã Phú Minh - Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn (thuộc địa bàn xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến) việc xả chất thải nguy hại ( nghi là dầu thải) xuống mặt đường và chảy xuống suối Trầm thuộc xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến đến hồ Đầm Bài (là nơi cung cấp nước cho Nhà máy nước sạch Sông Đà), gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và nguồn nước cung cấp cho Nhà máy nước sạch Sông Đà. Thời điểm này, hàng vạn người dân Hà Nội phát hiện nước có mùi khét khó chịu.

Ngày 16/10, công an huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình khởi tố vụ án hình sự về tội Gây ô nhiễm môi trường. Một ngày sau, công an tạm giữ hai nghi phạm là Nguyễn Chương Đại, Hoàng Văn Thám. Ngày 20/10, nghi phạm thứ ba là Lý Đình Vũ ra đầu thú.

Ngày 20/10, đối tượng Lý Đình Vũ (SN 1982, trú tại xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) - kẻ đã thuê và cùng hai đối tượng Nguyễn Chương Đại, Hoàng Văn Thám xả thải gây ô nhiễm nguồn nước sông Đà đã đến công an tỉnh Bắc Ninh đầu thú.

Theo lời khai ban đầu của đối tượng này cho thấy, Vũ được một nữ giám đốc tên Trang thuê đi đổ dầu thải. Cụ thể, lời khai ban đầu của Vũ cho thấy, Vũ được 1 người phụ nữ tên là Trang ở Phú Thọ thuê đổ chất thải. Người phụ nữ yêu cầu Vũ đến Công ty gạch, gốm sứ Thanh Hà (thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) lấy chất thải, sau đó đem đến chỗ nào vắng người thì đổ. Sau khi thỏa thuận với người phụ nữ tên Trang, Lý Đình Vũ quay về Bắc Ninh thuê Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám đi lấy chất thải để đổ.

Ngày 6/10, Đại và Thám lái xe ô tô tải biển kiểm soát 99C-08783 đi từ tỉnh Bắc Ninh đến Công ty gạch, gốm sứ Thanh Hà lấy chất thải (bơm vào 10 thùng chứa khoảng 10m3), sau đó di chuyển về Công ty TNHH Cơ khí cao su K90, địa chỉ tại xã Chỉ Đạo (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) gửi xe.

Đến ngày 8/10, Đại và Thám lái xe tải trên đi đổ thải ở Hòa Bình, tuy nhiên, do trên đường bị hỏng xe nên Đại gọi điện cho Vũ đến. Chính vì vậy, Vũ đã lái xe ô tô BKS 89A-13766 đến nơi xe hỏng. Sau đó, 3 đối tượng mang xe tải đi sửa rồi chở đến khu vực vắng người ở xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình tiến hành xả chất thải, sau đó bỏ trốn.

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/pho-bi-thu-tinh-hoa-binh-noi-gi-vu-xa-thai-dau-doc-nuoc-song-da-1293249.html