Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội kiểm tra công tác triển khai vụ Xuân tại Phú Xuyên

Thực hiện Chương trình 02-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, sáng 14/2, đoàn công tác của Thành ủy Hà Nội đã đi kiểm tra công tác triển khai vụ Xuân và tiến độ thực hiện chương trình nông thôn mới tại huyện Phú Xuyên. Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 02 chủ trì hội nghị.

Cùng tham gia đoàn công tác có đồng chí Nguyễn Văn Sửu, UVTV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Phó trưởng ban chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy và các đồng chí đại diện lãnh đạo các sở, bán, ngành của thành phố.

Trước khi diễn ra buổi làm việc với lãnh đạo huyện Phú Xuyên, đoàn công tác đã đi tham quan HTX nông nghiệp Phú Thắng, kiểm tra thực địa công tác cấy lúa vụ Xuân tại cánh đồng thôn Tạ Xá, nhà văn hóa thôn An Mỹ (xã Đại Thắng).

Báo cáo tình hình triển khai thực hiện Chương trình nông thôn mới tại huyện Phú Xuyên, đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Hiện nay toàn huyện đã thu hoạch xong 100% diện tích cây vụ đông, đang tập trung chỉ đạo gieo trồng cây vụ xuân. Đến nay, toàn huyện cấy được 3.510ha/7.288 ha lúa, chiếm 48,2% diện tích. Toàn huyện phấn đấu cấy xong lúa xuân trong tháng 2.

Về chăn nuôi, tổng đàn gia súc, gia cầm được duy trì phát triển, trong đó đàn trâu có 1.138 con, đàn bò có 3.616 con bò thịt, 37 con bò sữa; đàn lợn 84.129 con; đàn gia cầm 1.749.472 con... Nuôi trồng thủy sản đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới tại các xã Hồng Minh, Tri Trung, Vân Từ, Quang Lãng...

Để khuyến khích áp dụng cơ giới hóa, huyện đã hỗ trợ 80% tiền giá thể đối với các diện tích cấy máy, số kinh phí hỗ trợ năm 2018 là 650 triệu đồng. Diện tích cấy máy là 1.350 ha, chiếm 10% tổng diện tích. Đặc biệt, huyện đã chỉ đạo thực hiện một số dự án, mô hình chuyển đổi bước đầu, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, có bốn sản phẩm đã được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGap, ba sản phẩm đã đăng ký mã vạch truy xuất nguồn gốc là măng tây xã Hồng Thái, rau cần Khai Thái và thịt lợn của HTX Toàn Thắng.

Về công tác xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn huyện đã có 20/26 xã được thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Đại Thắng, Nam Triều, Văn Nhân, Văn Hoàng, Khai Thái, Vân Từ, Quang Trung, Châu Can, Nam Phong, Hồng Thái, Chuyên Mỹ, Tri Trung, Phú Yên, Phúc Tiến, Minh Tân, Phú Túc, Hồng Minh, Tân Dân, Bạch Hạ và Quang Lãng; một xã đạt 18/19 tiêu chí là Thụy Phú và 5 xã đạt và cơ bản đạt 14-16 tiêu chí gồm: Phượng Dực, Đại Xuyên, Hoàng Long, Sơn Hà, Tri Thủy.

Công tác nâng cao đời sống nông dân trên địa bàn huyện Phú Xuyên từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 39,6 triệu đồng/người/ năm. Đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,2%, tỷ lệ các hộ nông dân được dùng nước hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt trên 85,3%; có 28/28 Trạm y tế xã có bác sỹ, công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân được nâng lên.

Nói về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, đại diện lãnh đạo huyện Phú Xuyên cho biết: Huyện sẽ tập trung chỉ đạo công tác chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển các mô hình theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh phát triển thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống góp phần chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ. Đặc biệt, huyện sẽ chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, làm tiền đề cho phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Làm việc tại huyện Phú Xuyên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của huyện Phú Xuyên ngay từ đầu năm. Đồng chí Nguyễn Văn Sửu cho biết, đến thời điểm này, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành lấy nước phục vụ sản xuất; khâu làm đất đạt hơn 90% diện tích. "Thời tiết đang thuận lợi, thành phố chỉ đạo các địa phương phấn đấu cấy xong trước ngày 20-2 để tránh mạ già. Bên cạnh đó, huyện Phú Xuyên cần chú ý phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sản xuất. Về xây dựng nông thôn mới, Phú Xuyên đặt mục tiêu có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới để 100% xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đây là nỗ lực rất lớn, thành phố sẽ đồng hành cùng huyện trong tháo gỡ khó khăn để đạt kết quả cao hơn" - đồng chí Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của huyện Phú Xuyên trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần vào thành công của Chương trình 02 của Thành ủy. "Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tại xã Đại Thắng, cán bộ, công chức người lao động đã bắt tay ngay vào làm việc với tinh thần nghiêm túc; bà con nông dân nô nức xuống đồng gieo cấy vụ xuân... Tôi lắng nghe ý kiến một số người dân của thôn An Mỹ (xã Đại Thắng - PV) rất hài lòng về chương trình xây dựng nông thôn mới" - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh.

Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng chỉ ra những tồn tại của huyện trong thực hiện Chương trình 02 như: Sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn chưa nhiều; nông sản hầu như chưa được chế biến, bảo quản, chưa có tính cạnh tranh cao; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư, nhất là lĩnh vực chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm; mức độ đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa còn thấp; vệ sinh môi trường tại một số nơi chưa bảo đảm, nhất là khu vực làng nghề; thu nhập của lao động nông thôn còn thấp...

Bên cạnh đó, nguồn lực huy động xây dựng nông thôn mới của huyện còn hạn chế; kinh phí xây dựng nông thôn mới chủ yếu vẫn là nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước...

Về những nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị huyện Phú Xuyên cần tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu rõ xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi người dân nông thôn. Đây cũng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, mỗi người dân phải là chủ thể, mỗi gia đình phải đi đầu trong tham gia xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, huyện cần đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao; khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển nông nghiệp, tăng cường liên kết trong sản xuất, tiếp tục đầu tư và phát huy hiệu quả cơ giới hóa, phòng, chống dịch bệnh...

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị huyện tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng công tác y tế, giáo dục; làm tốt công tác bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa trên địa bàn, nâng cao chất lượng xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa; tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng nông thôn mới tại các xã đạt chuẩn và dồn lực cho 6 xã về đích nông thôn mới năm 2019; tập trung đầu tư, tăng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch đô thị; phát triển làng nghề và các khu công nghiệp để nâng cao đời sống người dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ công chức; làm tốt công tác phòng chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh...

Đối với những kiến nghị của huyện Phú Xuyên, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng giao Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành tập trung giải quyết.

Nam Trang

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/pho-bi-thu-thuong-truc-thanh-uy-ha-noi-kiem-tra-cong-tac-trien-khai-vu-xuan-tai-phu-xuyen-d2062559.html