Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong: Khoa học công nghệ - nguồn lực cho Thủ đô phát triển nhanh, bền vững

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, Chương trình 07/CTr-TU không chỉ làm thay đổi nhận thức về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo mà sẽ là nguồn lực quan trọng cho Thủ đô Hà Nội trong việc phát triển nhanh và bền vững.

Chiều 5/3, Ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học xin ý kiến các chuyên gia, các đồng chí nguyên là lãnh đạo TP, các nhà khoa học cơ quan T.Ư vào dự thảo Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025”.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong - Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU chủ trì hội nghị. Cùng dự hội thảo có Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai; Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng - Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội thảo

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025” là một trong 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội được xác định trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ TP Hà Nội. Đây là chương trình tập trung cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thủ đô.

“Chương trình số 07-CTr/TU đến nay đã hoàn thiện dự thảo lần thứ ba; và là bản dự thảo được đưa ra xin ý kiến hôm nay. Các đại biểu trên tinh thần thẳng thắn, tâm huyết, đóng góp ý kiến cho dự thảo để xây dựng Chương trình sát với tình hình thực tế và có tính khả thi để trình, xin ý kiến Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy” - Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Tại hội thảo, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn đã trình bày đề dẫn, nêu rõ những vấn đề, nội dung chủ yếu xin ý kiến các đại biểu như: Đánh giá khái quát kết quả phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2016-2020; các hạn chế, tồn tại và nguyên nhân; mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của TP giai đoạn 2021-2025...

Theo Dự thảo Chương trình số 07/CTr-TU của Thành ủy, TP Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, một số chỉ tiêu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ đứng đầu cả nước và trong nhóm đầu của Đông Nam Á. Để đạt được các mục tiêu đó, TP sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược phục vụ đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô. Đổi mới tư duy quản lý theo cách tiếp cận mở, xây dựng cơ chế quản lý, tạo thuận lợi và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thích ứng nhanh với sự phát triển của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

GS-TS Tạ Ngọc Tấn - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư phát biểu tại hội thảo

Cùng đó, TP Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ khoa học xã hội và nhân văn với khoa học công nghệ nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định cơ chế, chính sách, định hướng phát triển Thủ đô. Khơi dậy sức sáng tạo, nâng cao trách nhiệm và tôn trọng sự sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và phát triển công nghệ phù hợp cơ chế thị trường, hình thành một số sản phẩm công nghệ cao của TP. Tạo diễn đàn để các nhà khoa học của Việt Nam ở nước ngoài trong nhiều lĩnh vực giới thiệu các nghiên cứu, thành tựu và xu hướng phát triển công nghệ của thế giới, đề xuất ứng dụng cho TP Hà Nội...

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung đánh giá hiện trạng phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của TP thời gian vừa qua, nhất là những mặt còn hạn chế yếu kém, cũng như chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế đó. Một số ý kiến cũng đưa ra thêm các giải pháp mang tính khoa học lý luận ngoài các nhóm nhiệm vụ, giải pháp TP đã đưa ra; đề nghị TP nghiên cứu đưa vào Chương trình.

Phần lớn các ý kiến đều đánh giá, đây là một Chương trình lớn, có tính bao quát và hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, đánh giá cao TP Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng một Chương trình công tác của cả nhiệm kỳ về lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đây sẽ là động lực phát triển cho không chỉ Hà Nội mà cho cả nước trong tương lai.

Tiếp thu các ý kiến đóng tại hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, hiện nay, Hà Nội có nhiều lợi thế về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo như: Các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học trên địa bàn chiếm 80% cả nước; số lượng nhân lực từ tiến sĩ trở lên chiếm 65% cả nước; chưa kể nguồn nhân lực là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp khoa công nghệ của cả trong nước cũng như quốc tế đóng trên địa bàn thành phố. Phó Bí thư Thành ủy cho rằng, Chương trình 07/CTr-TU không chỉ làm thay đổi nhận thức về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo mà sẽ là nguồn lực quan trọng cho Thủ đô Hà Nội trong việc phát triển nhanh và bền vững.

Cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học đã đóng góp ý kiến, đồng tình, ủng hộ Chương trình 07/CTr-TU của Thành ủy, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong thông tin, sau hội thảo này, Ban Chỉ đạo Chương trình sẽ họp lại để hoàn thiện, báo cáo và xin ý kiến Thường trực Thành ủy trước khi đưa ra Ban Thường vụ Thành ủy để thông qua chương trình.

Hồng Thái

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/pho-bi-thu-thanh-uy-ha-noi-nguyen-van-phong-khoa-hoc-cong-nghe-nguon-luc-cho-thu-do-phat-trien-nhanh-ben-vung-412015.html