Phó Bí thư, Phó Chủ tịch xin nghỉ việc: Mừng hay lo?

TĐO - Lại có thêm Phó Bí thư xã ở Hà Tĩnh xin thôi việc vì lương thấp sau khi vị Phó chủ tịch xã cũng ở tỉnh này nghỉ việc đi xuất khẩu lao động và loạt cán bộ xã ở Huế nghỉ cũng cùng lý do lương thấp, áp lực cao...

Hàng loạt lãnh đạo xã xin nghỉ việc, nên mừng hay lo?

Hàng loạt lãnh đạo xã xin nghỉ việc, nên mừng hay lo?

Sự việc ông Phan Khắc Ấn, Phó bí thư Đảng ủy xã Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), mới 35 tuổi với chính trường rộng mở phía trước, đột ngột xin nghỉ việc vì hoàn cảnh cá nhân và lương không đủ nuôi sống gia đình càng nối dài thêm danh sách quan xã nghỉ việc trong những năm gần đây. Ông Ấn chia sẻ, nghỉ việc vì công việc quá áp lực, 1 lúc kiêm nhiệm tới 3 chức nhưng thu nhập không xứng đáng.

Cách đây 3 tháng, dư luận huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cũng được dịp xôn xao khi cùng lúc ông Dương Văn Quyền (Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Hợp) xin nghỉ việc để đi xuất khẩu lao động và bà Lê Thị Phượng (Phó Bí thư Thường trực xã Kỳ Tiến) cũng xin nghỉ việc để vào miền Nam sinh sống với người thân. Cũng tại xã Kỳ Hợp, cuối tháng 6/2018, do thu nhập thấp anh Nguyễn Văn Mạnh - Phó trưởng Công an xã cũng xin nghỉ việc để xin vào làm nhân viên Formosa Hà Tĩnh.

Vào cuối tháng 3 vừa qua, cùng lúc có tới 4 Phó Công an xã thuộc các xã (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế) đệ đơn xin nghỉ việc vì lương thấp và áp lực công việc. Trong khi đó Trưởng Công an xã Vĩnh Thái cùng vợ là công chức văn hóa của xã cũng trình đơn xin nghỉ, với lý do là chuyển đi tỉnh khác để làm ăn với đồng lương khá hấp dẫn.

Bà Nguyễn Thị Thu Sương, Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Phú Vang cho biết: Do ảnh hưởng mức lương thấp chỉ 2 triệu đồng đối với cán bộ không chuyên trách, 3 triệu đồng với những cán bộ có bằng đại học đã xin nghỉ việc. Tính từ năm 2018 đến nay, phòng nội vụ huyện đã đồng ý cho thôi việc 5 công chức cấp xã và 6 Phó Trưởng Công an xã.

Còn rất nhiều trường hợp cán bộ, lãnh đạo xã ở các tỉnh miền Trung như Hà Tĩnh, Nghệ An xin nghỉ việc. Có người còn trẻ, năng lực tốt, trình độ cao, nhưng cũng có không ít người do cảm thấy bản thân không xứng đáng, không đáp ứng được công việc nên xin nghỉ để tìm hướng đi khác...

Quan xã xin nghỉ việc nên mừng hay lo?

Mừng hay Lo?

Lãnh đạo cấp trên ở xã, huyện khi nói về những cán bộ đột ngột xin nghỉ việc nêu trên đều cảm thấy tiếc nuối, nhưng không còn cách nào khác là chấp thuận. Tiếc vì đa phần những người xin nghỉ việc đều là lãnh đạo trẻ có năng lực, trình độ thực sự.

Quyền lực và bổng lộc dường như không còn song hành ít nhất với những cán bộ, quan chức cấp xã vừa xin nghỉ việc vì đổi lại đồng lương tầm 5-6 triệu đồng/tháng bao gồm cả các khoản phụ cấp (như lời lãnh đạo của chính họ tiết lộ) là áp lực công việc, trách nhiệm với người dân không hề nhỏ.

Đã từ lâu, trong tâm thức của hầu hết mọi người ở làng xã đã ăn sâu suy nghĩ rằng làm quan, dù chỉ là lãnh đạo cấp xã, phường sẽ gắn liền với quyền lực, sự oai phong, ưu tiên ưu ái và bổng lộc. Đó là chưa kể tới thực tế "một người làm quan cả họ được nhờ" vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi.

Tuy nhiên, khi mà quyền lực ít nhất ở cấp cơ sở được giám sát mạnh mẽ hữu hiệu bằng các công cụ như luật pháp, báo chí, thậm chí cả mạng xã hội với sự tham gia của những công dân ngày càng có hiểu biết thì lợi ích, bổng lộc hay tham nhũng từ ghế Phó Bí thư hay Phó chủ tịch xã đã bị hạn chế, thậm chí không còn nữa.

Trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, có không ít ý kiến bày tỏ vui mừng vì biết đâu đó "văn hóa từ chức" đã được nhen nhóm từ cấp cơ sở. Dù rằng trong các trường hợp nêu trên việc từ chức, từ nhiệm, xin thôi việc không phải do họ dính sai phạm nghiêm trọng, nhưng cũng gợi mở nhiều chuyện. Có lãnh đạo huyện đã bày tỏ sự lo lắng vì thiếu cán bộ, thậm chí "khủng hoảng vị trí", tạo ra tiền lệ xấu.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc từ nhiệm, xin thôi việc là bình thường. Nó cho thấy tín hiệu đáng mừng khi "ghế lãnh đạo" đã thực sự là công bộc của dân với vô vàn áp lực. Mặt khác việc lãnh đạo xin nghỉ việc đã tạo cơ hội cho những người trẻ hơn có điều kiện để cống hiến, sẵn sàng làm "đầy tớ của dân".

Trưởng Công an xã Cẩm Trung (Cẩm Xuyên, Hfa Tĩnh) Nguyễn Hữu Thành xin nghỉ việc đi lái xe container

Tại các nước phát triển, việc quan chức chính phủ từ chức, hay nhường ghế để làm việc khác đã trở nên phổ biến, không được xem là hiện tượng lạ đáng chú ý nữa. Thậm chí Tổng thống, Thủ tướng sau khi rời ghế cũng làm đủ nghề kiếm sống và khi có điều kiện họ lại trở lại vị trí trước đây. Nếu xem lãnh đạo là một "nghề" thì nghề này cũng nên được đối xử và nhìn nhận công bằng như những nghề khác - vì thế chuyện bỏ nghề để làm việc khác trở nên bình thường.

Tại Trung Quốc, trong những năm gần đây, ít ai ngờ làm quan được cho là "nghề nguy hiểm" sánh ngang với công nhân hầm mỏ. Theo kết quả khảo sát của tạp chí Diễn Đàn Nhân Dân có đến 44% số người cho rằng làm quan là nghề nguy hiểm, trong đó nguy hiểm nhất là ghế cục trưởng cục đất đai, giám đốc sở giao thông, bí thư huyện ủy, trưởng phòng tổ chức, cục trưởng cục công an, bí thư thành ủy, giám đốc doanh nghiệp quốc doanh...

Nguyên nhân làm quan là nghề nguy hiểm là vì ở Trung Quốc trước đây còn thiếu cơ chế giám sát trong khi quyền lực lớn, cám dỗ nhiều dẫn tới có nhiều quan chức bị báo chí, dư luận soi, bị kỷ luật, thậm chí vào tù...

Khánh Linh

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/pho-bi-thu-pho-chu-tich-xin-nghi-viec-mung-hay-lo-74839.html