'Phố bên đồi' biến Dốc Nhà Làng thành không gian nghệ thuật công cộng

Các tác phẩm đoạt giải và các tác phẩm của các họa sĩ khác sẽ được phóng tác trở thành một tác phẩm nghệ thuật công cộng nằm trong không gian tổng thể của Dốc Nhà Làng (Đà Lạt).

Dự án nghệ thuật cộng đồng Phố bên đồi năm 2019 được khởi động bằng cuộc thi vẽ "Vào miền nghệ thuật" (Into Arts Hills) dành cho những người trên 18 tuổi. Ban tổ chức khuyến khích các tác phẩm thể hiện qua phong cách Pop Art và Pop Surrialism cùng những gam màu tươi tắn.

Đây cũng là hoạt động chính của Phố bên đồi năm nay.

Một chương trình âm nhạc của Phố bên đồi 2018. Ảnh: TL

Một chương trình âm nhạc của Phố bên đồi 2018. Ảnh: TL

Các tác phẩm đoạt giải và các tác phẩm của các họa sĩ khác sẽ được phóng tác trở thành một tác phẩm nghệ thuật công cộng nằm trong không gian tổng thể của Dốc Nhà Làng (phường 1, Thành phố Đà Lạt)

Dốc Nhà Làng (đường Nguyễn Biểu) nằm ngay trung tâm Đà Lạt, là tên gọi thân thương của người dân vì ngày xưa nơi này có một nhà cộng đồng (nhà làng) và những con dốc gần đó đều hướng về nhà làng.

Về lý do chọn Dốc Nhà Làng cho hoạt động năm nay, nhà thiết kế Nguyễn Trung Hiền (người sáng lập dự án Phố bên đồi), cho biết: “Khi nói đến Đà Lạt, người ta thường nghĩ về kiến trúc với vẻ đẹp của những dinh thự, biệt thự. Trong khi đó Đà Lạt còn có vẻ đẹp của tự nhiên với những con dốc, làng ấp gắn liền với đời sống của người dân Đà Lạt nhưng dần bị lãng quên. Chúng tôi sau những khảo sát đã phát hiện Dốc Nhà Làng đẹp từ kiến trúc đến những hoạt động thường ngày toát lên sự sống động xen lẫn sự hoài niệm”.

Theo đó, tác phẩm dự kiến sẽ được thực hiện ở cả 5 nhánh quanh Dốc Nhà Làng (gồm đường Nguyễn Biểu, Trương Công Định, 3 tháng 2 và Phan Đình Phùng) để tạo thành một không gian tổng thể mang phong cách nghệ thuật đương đại với những mảng màu và đường nét thể hiện. Dốc Nhà Làng sẽ trở thành một khu phố đẹp, tươi trẻ và thân thiện với môi trường.

“Chúng tôi không biến đổi mà đóng góp vẻ đẹp bằng ngôn ngữ đương đại vào không gian đó”, ông Hiền cẩn trọng khi được hỏi liệu tác phẩm trong tương lai có làm mất đi vẻ đẹp hiện tại của Dốc Nhà Làng.

Dốc Nhà Làng sẽ trở thành một khu phố đẹp, tươi trẻ và thân thiện với môi trường. Trong ảnh: Một hoạt động của Phố bên đồi 2018. Ảnh: TL

Dự án này đã được chính quyền thành phố Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng cấp phép thực hiện. Hiện tại, ê-kíp Phố bên đồi đang vận động người dân tương tác với tác phẩm của mình bằng cách đồng ý để họ thay đổi tường nhà và cùng trồng hoa trước nhà.

Việc giữ gìn tác phẩm sau khi đã hoàn thành cũng rất quan trọng, vì vậy, những người thực hiện dự án đã tính tới các phương án sửa chữa nếu xảy ra sự cố, như hợp đồng với hãng sơn bảo dưỡng tác phẩm trong hai năm trong trường hợp bị quẹt bẩn hay cũ kỹ do thời tiết.

Bên cạnh cuộc thi Vào miền nghệ thuật và biến Dốc Nhà Làng thành một không gian nghệ thuật, Phố bên đồi còn có những hoạt động khác như: Triển lãm các tác phẩm dự kiến từ ngày 20 đến 24.12, các buổi workshop, các hội thảo về bảo tồn di sản và chương trình âm nhạc đường phố.

Khác với chương trình âm nhạc tại Cầu Đất Farm vào năm ngoái, năm nay “chất” nhạc của Phố bên đồi sẽ “bụi bặm” và gần gũi.

Dự kiến, các hoạt động của Phố bên đồi năm nay sẽ có khoảng 100 nghệ sĩ tham gia.

Phố bên đồi là một dự án nghệ thuật đa hình thái mang tính cộng đồng do nhà thiết kế Nguyễn Trung Hiền và một số bạn trẻ hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp sáng tạo thành lập năm 2016, được diễn ra thường niên tại các không gian khác nhau của thành phố Đà Lạt.

Năm 2018, Phố bên đồi mở rộng quy mô với nhiều hoạt động nghệ thuật tại Nhà máy trà cổ Cầu Đất Farm đã tạo được sự chú ý và ủng hộ của chính quyền địa phương, văn nghệ sĩ và người dân.

Cuộc thi Vào miền nghệ thuật nhận bài từ ngày 10.9 – 25.10.

Các tác phẩm dự thi được khuyến khích thể hiện theo phong cách Pop Art và Pop Surrialism.

Người dự thi có thể thể hiện tất cả các khía cạnh của đời sống: Tự nhiên, văn hóa, các vấn đề xã hội… Ban tổ chức có những gợi ý: Bậc thang màu, Người đua diều, Rừng mộng mơ, Phố sương mù, Phố hoa, Mây trổ bông, Món ngon, Vị Đà Lạt, Đời sống đô thị.

Thí sinh có thể sáng tác theo cách thức truyền thống hoặc trên các thiết bị kỹ thuật số (máy tính, máy tính bảng, wacom, điện thoại…), có thể sử dụng tất cả các chất liệu, kích thước nhỏ nhất của tác phẩm là khổ giấy A3.

Giám khảo cuộc thi gồm Hội đồng giám khảo Phố bên đồi và giám khảo khách ời đến từ Urber Skechers Việt Nam. Các tác phẩm được chọn theo tiêu chí: sáng tạo, có tính khả thi, thuyết minh rõ ràng.

Tác phẩm gửi về ban tổ chức gồm bản chụp hoặc bản scan tác phẩm cùng với phần thuyết minh tác phẩm và tiểu sử tác giả.

Tổng giá trị giải thưởng khoảng 80 triệu (gồm tiền mặt và voucher) được trao cho 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba và giải khuyến khích cho các tác phẩm được chọn phóng tác.

Lâm Hạnh

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/pho-ben-doi-bien-doc-nha-lang-thanh-khong-gian-nghe-thuat-cong-cong-20467.html