Phố bar làm khổ người dân

Tuyến đường du lịch Bạch Đằng (Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) nằm bên sông Hàn đang hình thành khu phố đêm phục vụ nhu cầu giải trí về khuya của du khách, nhưng tiếng ồn của các bar mọc lên lại 'tra tấn' khu dân cư.

Bar Lost and Found bị phạt, buộc khắc phục sai phạm - Ảnh: N.T

Bị phạt vì... quá ồn

Ngày 1.2, UBND Q.Hải Châu (TP.Đà Nẵng) ra quyết định xử phạt hành chính quán bar Lost and Found (28 Bạch Đằng, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) 6 triệu đồng về vi phạm mở nhạc ồn ào, dựa trên kết quả kiểm tra độ ồn thực tế tại quán. Bar này còn bị buộc khắc phục, cách âm, để chấm dứt ảnh hưởng giờ nghỉ ngơi ban đêm của khu dân cư quanh đó.

Trước đó, dù mới khai trương nhưng bar Lost and Found bị người dân khiếu nại nhiều lần, chính quyền địa phương đã thường xuyên nhắc nhở việc bàn ghế lấn chiếm vỉa hè, mở nhạc hết công suất, nhưng quán không chấn chỉnh.

Đây chỉ là một trong số nhiều bar dọc đường Bạch Đằng chơi nhạc sôi động đến 2 giờ sáng khiến người dân mất ngủ. Các bar Golden Pine, City Pub, DnD (OQ), Bamboo... gần đó cũng đã từng bị người dân phản ứng vì mở nhạc to, lấn chiếm vỉa hè; những ngày cao điểm khách còn tràn xuống lòng đường gây mất an toàn giao thông.

Theo ông Mai Công Nghị, Trưởng phòng VH-TT Q.Hải Châu, năm 2017 đơn vị đã xử phạt 5 quán bar với số tiền 60 triệu đồng do liên quan đến tiếng ồn. Mới đây, UBND Q.Hải Châu tiếp tục chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường, kiểm tra giám sát tình trạng quán bar hoạt động về đêm nhưng mở nhạc ồn ào gây ảnh hưởng đời sống dân cư lân cận.

Theo kiến nghị của người dân, họ tôn trọng quyền kinh doanh chính đáng của doanh nghiệp nhưng bar nên có mô hình khép kín để cách âm, hoặc TP cần quy hoạch thành khu giải trí về đêm riêng. Tuy nhiên, với đặc thù đường Bạch Đằng có hướng nhìn ra sông Hàn, khách rất chuộng các kiểu quán này để ngồi ở vỉa hè nhìn ngắm TP.

Xung đột giữa giải trí và nghỉ ngơi

Để giải quyết xung đột giữa phục giải trí đêm cho du khách và nhu cầu nghỉ ngơi của người dân, UBND Q.Hải Châu đã có đề án phát triển khu vui chơi giải trí về đêm ở phía bắc tượng đài đường 2.9 và đường Bạch Đằng. Nếu khu 2.9 biệt lập khu dân cư với chuỗi nhà hàng, công nghệ cưới, karaoke... thì đường Bạch Đằng chắc chắn còn nhiều xung đột. “Q.Hải Châu đã giao các phường dọc tuyến Bạch Đằng vận động hộ dân, nếu có điều kiện thì cho thuê làm cơ sở kinh doanh. Nếu ban đêm Đà Nẵng đóng cửa im lìm thì du khách kêu ca, còn đêm nào cũng có lực lượng đi kiểm tra quán bar thì còn gì là du lịch?”, ông Nghị trăn trở.

TP.Đà Nẵng cũng đã quy hoạch khu phố du lịch An Thượng (P.Mỹ An, Q.Ngũ Hành Sơn) dựa trên thực tế lâu nay nơi đây đã tự hình thành khu phố Tây, tập trung rất nhiều người nước ngoài tạm trú, kinh doanh phục vụ du khách. Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.Đà Nẵng, nhận định đây là điều dứt khoát phải quy hoạch, bởi nếu để khu phố phát triển tự phát thì sau này quản lý còn khó khăn hơn.

Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội TP.Đà Nẵng từng phát phiếu khảo sát, phần lớn người dân ủng hộ lập khu phố du lịch An Thượng, nhưng vẫn còn một số lo lắng hoạt động kinh doanh thâu đêm sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. “Có quy hoạch thì chúng ta mới quản lý được. Tới đây, các ngành, địa phương sẽ vào cuộc, phân công cụ thể các vấn đề giao thông, cảnh quan, nội quy hoạt động. Ví dụ cơ sở kinh doanh mở đến mấy giờ, khu vực nào 24/24 giờ, nhạc được mở mức nào… để hài hòa lợi ích chung”, ông Nguyễn Xuân Bình khẳng định.

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/pho-bar-lam-kho-nguoi-dan-937199.html