Phim Việt thấp thỏm cuối năm

Giữa năm, điện ảnh Việt đã có khá nhiều bộ phim ra rạp như 'Chú ơi, đừng lấy mẹ con', 'Bao giờ hết ế', 'Kế hoạch đổi chồng'… nhưng không có nhiều phim tạo sức hút đặc biệt. Công chúng Việt đang thấp thỏm chờ các đạo diễn khẳng định lại mình trong những ngày cận kề năm mới.

Vẫn chuyện tình yêu, gia đình

Một trong những bộ phim chốt sổ cho năm 2018 trong tháng 12 này đã ra rạp là “Gái già lắm chiêu” phần 2. Bộ phim là những câu chuyện về đời sống của chị em thành thị, nhưng khác với phần 1, lần này “Gái già lắm chiêu” không còn ráo riết săn tìm chồng mà né chồng như né tà. Phim kể về tình trường đầy trắc trở của Miss Q, 35 tuổi do Ninh Dương Lan Ngọc đóng, một phụ nữ đang ở đỉnh cao sự nghiệp nhưng không muốn lấy chồng. Một bộ phim mà nếu chỉ cần coi trailer là biết được 70% nội dung nhưng không vì thế mà phim đánh mất sự tò mò từ khán giả. Thể hiện vai Miss Q., Ninh Dương Lan Ngọc đã khoe trọn được nhan sắc của mình, cô đã “thoát xác” từ hình tượng gái quê trong “Vừa đi vừa khóc”, “Cánh đồng bất tận” hay “Cô Ba Sài Gòn”…

Chỉ nhìn vào dàn diễn viên cũng thấy, “Gái già lắm chiêu” 2 là bộ phim ổn, hiện đại, hội tụ những gương mặt sáng và đẹp, cộng hưởng với những tình huống hài nhẹ nhàng phù hợp với phim giải trí cuối tuần. Nhưng tất cả không lấp liếm được khiếm khuyết mà bộ phim còn tồn tại: các tình huống còn hơi lan man và dài dòng. Diễn viên chêm nhiều câu thoại tiếng Anh như để thêm “trang sức” hiện đại, quý phái cho mình nhưng lại khiến lời thoại rối và lẫn lộn…

Bộ phim hài khác sắp ra rạp là “Hồn Papa, da con gái” của đạo diễn Ken Ochiai và nhà sản xuất Charlie Nguyễn. Sở hữu đến 2 gương mặt từng có phim đạt doanh thu 100 tỷ đồng là Thái Hòa, Kaity Nguyễn, liệu bộ phim có “bùng nổ” các rạp khi ra mắt dịp Giáng sinh này?

Bộ phim là câu chuyện tréo ngoe, bi hài của hai bố con Hải và Châu. Mẹ mất sớm, Châu - Kaity Nguyễn đóng phải sống cùng với người bố tên Hải do nam diễn viên Thái Hòa thủ vai. Hải - cha cô lại là một ông bố khó chiều, tính tình trẻ con, ham chơi và mê ngủ nướng. Hai bố con thường xuyên xung đột mà đỉnh điểm là lần cãi nhau khi đi viếng mộ mẹ, Hải đã giơ tay tát con gái mình. Linh hồn người mẹ thực hiện một lời nguyền khiến hai cha con bị chuyển đổi thân xác với nhau trong vòng 7 ngày. 7 ngày đó là cả những ái ố hỉ nộ mà cả hai phải nếm trải.

Vẫn là mô tuýp quen thuộc hướng đến chuyện gia đình, tình cha con trong những ngày chuyển giao năm cũ năm mới, nhưng một điều khiến khán giả tò mò là bộ phim này chỉ bám theo nguyên tác từ bộ truyện tranh nổi tiếng của tác giả Takahisa Igarashi, có tên “Papa to Musume no Nanokakan” (Bảy ngày của cha và con gái), hoàn toàn không phải là phim remake (làm lại) nên hứa hẹn nhiều tình tiết thật thà hơn với công chúng Việt.

“Hai Phượng” – một sản phẩm điện ảnh của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân và đạo diễn Lê Văn Kiệt thực hiện được kỳ vọng sẽ trở thành “bom tấn” nửa cuối năm 2018 khi vừa tung ra poster đã chính thức công bố hoãn lịch công chiếu tại Việt Nam để ra nước ngoài, trình làng ở Hội chợ phim trong khuôn khổ LHP Toronto.

Bộ phim là hành trình người mẹ (Ngô Thanh Vân thủ vai) đi tìm lại đứa con trong tay những kẻ bắt cóc với những khó khăn và hiểm nguy rình rập. Với câu “Mẹ… Không bao giờ bỏ cuộc!” và hình ảnh Ngô Thanh Vân đầy thương tích, hình ảnh poster và đoạn trailer ngắn đã khiến nhiều người thích thể loại hành động mong ngóng.

Chưa nhiều bứt phá

Năm ngoái, đạo diễn trẻ Victor Vũ sau một thời gian dài nghỉ ngơi đã quyết định trở lại cuộc đua phòng vé vào dịp tháng 12 và bất ngờ thất bại thảm hại khiến không ít đạo diễn chùn bước. Với nhiều người trong nghề, 3 tháng cuối năm là giai đoạn khá nhạy cảm để các đạo diễn khẳng định lại mình, cuối năm cũng là cái mốc quan trọng mang hơi hướng tạo điểm nhấn, tạo đà cho năm mới. Chuyện các đạo diễn đánh cược lao vào mùa phim cuối năm để khẳng định mình đã thành lệ vài năm gần đây.

Không thể phủ nhận, ngày càng nhiều phim Việt nhận được sự yêu thích của khán giả, bằng chứng là ngày càng nhiều phim Việt như “Em chưa 18”, “Em là bà nội của anh”, “Để mai tính 2”… liên tiếp cán mốc doanh thu trên 100 tỷ đồng. Nhưng bên cạnh đó, không ít những bộ phim nhận kết cục cay đắng vì làm ẩu, nội dung nhạt, chất lượng phim… bập bõm.

Nhìn lại năm 2018, báo cáo của Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) trong buổi tổng kết năm 2018 mới đây cũng thừa nhận, tuy mỗi tháng đều có vài phim của Việt Nam ra mắt nhưng chất lượng của phim Việt Nam vẫn còn bị đặt một dấu hỏi lớn. Phim nước ngoài chiếm lĩnh phần lớn thị phần chiếu phim tại thị trường Việt Nam trong khi phim của các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất vừa ít về số lượng, vừa không đồng đều về chất lượng nội dung, nghệ thuật và kỹ thuật…

Tính đến 30/11/2018, Cục đã thẩm định, phân loại cho phép phát hành 30 phim truyện Việt Nam chiếu rạp, 208 phim truyện nước ngoài, 16 phim truyện video, 2 phim truyện hợp tác với nước ngoài, 5 phim tài liệu nhựa… Thị trường hiện nay phổ biến vẫn là phim nước ngoài, các rạp cuối năm vẫn áp đảo là phim quốc tế. Ngoài lý do đổ lỗi cho sự bùng nổ của hệ thống rạp do doanh nghiệp nước ngoài đầu tư làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động phổ biến phim trong nước, còn một lý do quan trọng hơn, đó là chất lượng phim Việt vẫn chưa thực sự bứt phá.

Hải Thanh

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/van-hoa/phim-viet-thap-thom-cuoi-nam-134322.html