Phim Việt mơ giải Oscar: Vẫn còn quá viển vông?

Điện ảnh Việt vẫn đang chật vật tìm đường đến với các giải thưởng danh giá thế giới. Một mùa Oscar mới đang rục rịch khởi động. 'Cha cõng con' vừa được Hội đồng bình chọn phim trong nước 'chọn mặt gửi vàng'.

"Đảo của dân ngụ cư" của Hồng Ánh dù được đánh giá cao nhưng không được chọn tham dự Oscar. Ảnh: T.L

Liệu bộ phim từng bị “chê lên chê xuống” ở một giải thưởng trong nước, có làm nên chuyện khi ra “biển lớn”?

Thua trên sân nhà, đi đấu Oscar

“Cha cõng con”- bộ phim đầu tay của đạo diễn Lương Đình Dũng - được Hội đồng bình chọn phim VN tham dự Oscar 2018 của Cục Điện ảnh chấm điểm cao nhất, vượt qua “Sút” của đạo diễn Việt Max và “Đảo của dân ngụ cư” của đạo diễn Hồng Ánh. “Cha cõng con” sẽ là tác phẩm đại diện cho điện ảnh Việt Nam trên đường đua hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài” của Oscar 2018.

“Cha cõng con” được chuyển thể dựa trên truyện ngắn cùng tên của chính đạo diễn Lương Đình Dũng. Bộ phim được anh ấp ủ thực hiện trong 10 năm. Nội dung phim thực sự không quá mới lạ hay gay cấn, nhưng bù lại có nhiều cảnh quay đẹp, hướng đến sự nhân văn.

Dàn diễn viên trong phim không có ngôi sao, thậm chí phần lớn là nghiệp dư, nhưng phim vẫn lấy được nước mắt của không ít khán giả bởi câu chuyện buồn về thân phận con người được kể một cách nhân văn, đầy xúc động.

Có điều, phim ra rạp lại không tạo nên những cơn sốt phòng vé. Đây cũng là tình trạng chung với những phim nghệ thuật trong nước. Đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ một thực tế: “Trong khi tôi nhận được đề nghị phát hành "Cha cõng con" ở Châu Âu và công chiếu bộ phim tại các liên hoan phim nước ngoài thì ở trong nước, nhiều đơn vị phát hành phim kết luận rằng, phim của tôi không thể hút khách. Lý do bởi nó thiếu những yếu tố bạo lực, kinh dị, những hành động kịch tính, cảnh nóng… Bởi thế, họ đã quay lưng lại với phim..."

Và cho đến hiện tại, đây vẫn là một bộ phim gây tranh cãi. Không ít người cho rằng “Đảo của dân ngụ cư” xứng đáng hơn để đại diện cho điện ảnh Việt đi thi quốc tế. Nhưng kết quả đã “chốt”, “Cha cõng con” đã được chọn.

Tại Giải cánh diều 2017, “Cha cõng con” chỉ được xếp ở hạng mục nhận Bằng khen chứ không có giải thưởng chính. Có thể vì điều này, mà đạo diễn “tự ái” viết “tâm thư” để trả lại giải cho ban tổ chức. Sau sự việc này đã nổ ra cuộc tranh cãi ồn ào. Người khen hết lời, người chê lên chê xuống.

Sau đó, phía ban chấm giải của Cánh diều vàng cũng có nhiều lý giải, trong đó có ý kiến cho rằng nội dung của “Cha cõng con” không có gì mới. Trưởng Ban giám khảo hạng mục Phim truyện điện ảnh, GS-TS Trần Luân Kim còn thẳng thắn: “Phim này lúc chưa xem, nghe một số người nói tôi nghĩ chắc nó khá lắm. Tôi rất mừng vì bây giờ có một phim nào khá lên thì mừng lắm, nhưng khi xem thì không phải như thế. Nó làm theo kiểu cũ, thể hiện theo kiểu cũ, cấu trúc bị dàn trải”.

Nhưng, dù bị chê trong nước, “Cha cõng con” lại giành được nhiều giải thưởng quốc tế, như giải “Phim truyện nước ngoài xuất sắc nhất”, “Quay phim ấn tượng nhất” tại Liên hoan phim Quốc tế Arizona lần thứ 26.

Tại Liên hoan phim Quốc tế Boston lần thứ 15, “Cha cõng con” cũng được vinh danh giải “Phim có cốt chuyện hay nhất”… Dĩ nhiên những giải thưởng này chưa phải là của những liên hoan phim danh giá nhất.

Diễn viên trong “Đảo của dân ngụ cư“. Ảnh: T.L

Đường đến gian nan

Nếu nhìn vào 7 phim điện ảnh Việt Nam từng được Nhà nước (Cục Điện ảnh) gửi đi tranh giải Oscar phim nói tiếng nước ngoài hay nhất là “Chuyện của Pao” (2007), “Áo lụa Hà Đông” (2008), “Đừng đốt” (2010), “Khát vọng Thăng Long” (2012), “Mùi cỏ cháy” (2013), “Trúng số” (2015) và “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (2016), dù đều được giới làm phim trong nước đánh giá cao, nhưng lại bị loại ngay ở “vòng gửi xe” – ngay vòng sơ tuyển, chưa nói đến chuyện chạm tay vào tượng vàng.

Năm 2016, khán giả từng đặt rất nhiều hy vọng vào “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, nhưng phim cũng dừng bước sớm trước những đối thủ quá mạnh tại hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất”.

Những năm qua, điện ảnh Việt cũng có nhiều phim giành được các giải của liên hoan phim quốc tế, nhưng vẫn chưa tác phẩm nào đủ tầm vươn tới giải Cannes hay Oscar. Trong khi đó, phim của Campuchia (The Missing Picture - Bức tranh bị mất tích) đã từng được xướng danh là một trong 5 ứng viên xuất sắc nhất hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” Oscar lần thứ 86.

Bao giờ giấc mơ đoạt giải Oscar trở thành hiện thực?

Trả lời câu hỏi này, diễn viên Thái Hòa cho rằng, nghĩ đến giải Oscar lúc này là quá viển vông, bởi nền điện ảnh của chúng ta còn thiếu quá nhiều yếu tố. “Khi tôi quyết định thi và học ngành đạo diễn, tôi thấy rất rõ ràng là không phải những người giỏi nhất được chọn vào lớp. Mà có rất nhiều con của các ông làm ở đài này, đài nọ. Như vậy đã có lỗ hổng ngay ở khâu đào tạo.

Tôi cũng thấy diễn viên Việt Nam chưa được chuyên nghiệp. Nhiều khi cứ mơ được làm việc trong môi trường phim Mỹ, phim Hàn, nhưng nói thật, những êkíp đó mà qua đây đầu tư, thì với cái cách làm việc chuyên nghiệp của họ, chắc phải hơn 90% diễn viên Việt Nam bị đánh văng, trong đó có tôi. Có rất nhiều người chưa thể gọi là diễn viên mà chỉ là thợ diễn thôi” – Thái Hòa thẳng thắn.

Còn nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã lại cho rằng, nguyên nhân khiến phim Việt chật vật ở Oscar là do cách kể, cách quan sát vấn đề của phim Việt đang cũ, riêng cái cũ đã là rào cản lớn, không có hy vọng để tranh giải. Bên cạnh đó, phim Việt vẫn thiếu dấu ấn dân tộc, bản sắc văn hóa ở trong đó.

Năm nay, mọi hy vọng đang đặt lên “Cha cõng con”. Nói về cơ hội trên đường đua Oscar 2018, đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng: “Tôi nghĩ cá nhân và khán giả Việt Nam có quyền kỳ vọng một điều gì đó. Cha cõng con đã tham gia một số liên hoan phim uy tín trên đất Mỹ và nhận phản hồi hết sức tích cực. Tôi thực sự mong các thành viên của Viện hàn lâm cùng chia sẻ suy nghĩ đó”.

Và công chúng… thêm một lần hy vọng, dù biết giấc mơ Oscar vẫn còn xa.

Bích Hà

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa/phim-viet-mo-giai-oscar-van-con-qua-vien-vong-565795.ldo