Phim Việt liên tục phá vỡ kỷ lục doanh thu phòng vé: Vừa mừng đã vội lo?!

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh, khi bàn về xã hội hóa trong điện ảnh Việt Nam cũng cho rằng điện ảnh ngày nay đang đi chệch hướng, bị thương mại hóa. Không thể xã hội hóa cả việc định hướng cho một môn nghệ thuật quan trọng như điện ảnh.

Ngay từ đầu quý 1 năm 2019, những người quan tâm đến điện ảnh Việt khá bất ngờ trước thông tin phát đi từ nhà sản xuất phim “Cua lại vợ bầu”. Bộ phim hài chiếu Tết Nguyên đán 2019 có doanh thu phòng vé cán mốc 200 tỷ và tiếp tục hút khách sau một thời gian dài đạt kỷ lục so với các phim Việt mùa Tết trước đó.

Doanh số này phá kỷ lục doanh thu phòng vé của “Em chưa 18”, phim Việt từng gây xôn xao dư luận khi công bố doanh thu đạt 171 tỷ đồng. Hàng loạt phim khác cũng từng trở thành những hiện tượng đáng chú ý về doanh thu phòng vé: Em là bà nội của anh, Siêu sao siêu ngố, Để mai tính 2, Lật mặt 3… Chỉ có điều, không nhiều người dành tâm huyết cho điện ảnh Việt thực sự lạc quan trước thành quả này.

Có một thực tế là hầu hết phim chiếu rạp mang về doanh thu cao những năm gần đây đều là do các nhà sản xuất phim tư nhân thực hiện. Kết quả này phần nào khẳng định sự đúng đắn về mặt chủ trương xã hội hóa hoạt động điện ảnh.

Bàn về hoạt động này, Tiến sĩ Trần Thị Phương Lan cung cấp một thông tin khá vui. Khoảng năm 2002, thời điểm Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) mới ra quyết định 38/2002/QĐBVHTT quy định về điều kiện thành lập cơ sở sản xuất phim tư nhân, Việt Nam có 3 đơn vị sản xuất phim tư nhân: Hãng phim Việt của Công ty BHD, hãng phim Phước Sang, hãng phim Thiên Ngân.

Đến nay, cả nước đã có khoảng 500 đơn vị tư nhân đăng ký tham gia sản xuất phim, trong đó cóá 20 công ty tham gia sản xuất phim điện ảnh. Nhiều đơn vị tư nhân tham gia vào lĩnh vực sản xuất, phát hành, phổ biến phim tạo nên diện mạo mới cho “nghệ thuật thứ bảy” của nước nhà.

Tuy nhiên, trừ một số phim chứa đựng hơi thở cuộc sống, có sự kết hợp giữa tính hiện đại và tính dân tộc cho dù chưa thật sự nhuần nhuyễn, hầu hết phim còn lại chạy theo lợi nhuận, doanh thu phòng vé, trong đó có nhiều phim lai căng, hài nhảm.

“Cua lại vợ bầu” khuynh đảo phòng vé phim Việt mùa Tết 2019.

“Cua lại vợ bầu” khuynh đảo phòng vé phim Việt mùa Tết 2019.

GS.TS Trần Thanh Hiệp cũng nhận định, trong thời gian qua, các phim thành công về doanh thu phòng vé có khuynh hướng chủ đạo là giải trí. Câu chuyện nhẹ nhàng, phá cách, tình tiết éo le, hiện thực nhiều khi như mơ, diễn viên đẹp, nóng bỏng, hấp dẫn, đạo diễn có thương hiệu…

Tất cả đều hướng tới nhu cầu giải trí của người xem. Tính thương mại của một sản phẩm điện ảnh hết sức được coi trọng. Thỏa mãn nhu cầu giải trí và đảm bảo tính thương mại như hai mặt không tách rời nhau của phim truyện điện ảnh Việt.

Khuynh hướng giải trí trong nghệ thuật không phải là sai và không phải không nên khuyến khích. Nhu cầu giải trí của con người là rất lớn trong một xã hội bộn bề những lo toan, áp lực và thách thức. Nhưng vấn đề đặt ra là đã nhiều người thật sự hiểu nội hàm của khái niệm giải trí trong một tác phẩm nghệ thuật hay chưa? Không nên quên rằng khi quan niệm điện ảnh là giải trí, người Mỹ không bao giờ quên sức mạnh của nghệ thuật, nền tảng nghệ thuật của một bộ phim.

Giải Oscar – một sự kiện điện ảnh có sức lan tỏa toàn cầu hàng năm của Mỹ chính là những ghi nhận với sự khuyến khích, tôn vinh sự phát triển của điện ảnh trên phương diện nghệ thuật. Để đáp ứng nhu cầu của người xem, điện ảnh Mỹ có một thực đơn khá đa dạng về đề tài, thể loại, các vấn đề khác nhau…

Với điện ảnh Việt Nam, không thể không đánh giá một cách trân trọng công sức của những người làm phim truyện chiếu rạp thời gian qua, nhưng cũng không thể không nhìn ra những khoảng trống, những khoảng thiếu, những vấn đề còn tồn tại trong sự phát triển của điện ảnh Việt.

Nhiều phim Việt Nam đang đứng ngoài những vấn đề căn cốt của dân tộc, bên lề công cuộc đổi mới, không có sự gắn kết sâu sắc với con người, văn hóa, hiện thực đầy sôi động, đầy biến đổi, nhức nhối, nhiều thách thức và lo toan của người Việt Nam.

Ngay cả những bộ phim có doanh thu cao ở các phòng vé, không phải phim nào cũng gắn kết sâu sắc với văn hóa Việt. Chính sự gắn kết này mới tạo nên gương mặt riêng, độc đáo, hấp dẫn, chiều sâu nhân văn của phim Việt…

Cũng theo GS.TS Trần Thanh Hiệp thì điện ảnh phải đáp ứng nhu cầu của người xem. Nhưng, cũng không nên quên rằng, trong khi sáng tạo thỏa mãn nhu cầu của người xem, điện ảnh cũng cùng lúc tạo ra công chúng của mình, sâu sắc hay hời hợt với những giá trị đạo đức tinh thần vừa mang bản sắc riêng của con người Việt Nam, vừa mang giá trị bao quát chung của nhân loại.

Tất nhiên, khỏa lấp những khoảng trống của điện ảnh Việt, chắc chắn không thể chỉ có sự nỗ lực của người làm điện ảnh mà còn phụ thuộc vào những cơ chế, chính sách phù hợp của Nhà nước trong giai đoạn sắp tới.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh, khi bàn về xã hội hóa trong điện ảnh Việt Nam cũng cho rằng điện ảnh ngày nay đang đi chệch hướng, bị thương mại hóa. Không thể xã hội hóa cả việc định hướng cho một môn nghệ thuật quan trọng như điện ảnh.

Ở đây, khu vực tư nhân không có lỗi. Họ được phép kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Việc định hướng cho nền điện ảnh nước nhà trước hết là trách nhiệm của Nhà nước.

Nhà nước phải có chế tài để thực thi định hướng đó, không thể giao phó cho tư nhân. Cần phân định rạch ròi đâu là chức năng của Nhà nước, đâu là trách nhiệm của xã hội, trong đó bao gồm cả tư nhân, các hội đoàn và tổ chức xã hội.

N.Nguyễn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/phim-viet-lien-tuc-pha-vo-ky-luc-doanh-thu-phong-ve-vua-mung-da-voi-lo-535046/