Phim Việt lạm dụng quá lố khiến ngoại truyện trở thành trào lưu nhảm

Gần đây, phim Việt đang rầm rộ trào lưu chạy đua cho ra mắt các tập phim ngoại truyện để thu hút khán giả nhưng dường như trào lưu này không khiến khán giả Việt hài lòng.

Ngoại truyện là sự tường thuật lấy nguồn gốc từ các tác phẩm đã có trước đó, giúp làm rõ và chi tiết hơn về một khía cạnh của tác phẩm gốc. Gần đây, không ít phim Việt chạy đua làm tập phim ngoại truyện để tri ân khán giả nhưng lại khiến đa số khán giả hoang mang bởi nội dung lỏng lẻo, khiên cưỡng, quảng cáo quá lố.

Lạm dụng kết hợp một cách gượng gạo, nội dung nhạt nhẽo

Sau “ bom tấn” “Người phán xử” và “Sống chung với mẹ chồng” vào năm 2017, phim truyền hình Việt Nam đã có một cú “lột xác” đầy ngoạn mục khiến phần đông khán giả phải nhìn nhận lại thị trường phim truyền hình tưởng đã “bị lãng quên” trong những năm trước đó. “Crossover” là cách làm phim mà một bộ phim có thể là hậu truyện hoặc tiền truyện của nhiều bộ phim khác nhau. Các phim Việt cũng đi theo trào lưu này, tuy nhiên đa số chỉ là những phần phim online ngắn dưới 10 phút để tri ân khán giả. "Crossover" còn khá mới mẻ ở Việt Nam và nhanh chóng được đón nhận. Tuy nhiên không phải bản crossover nào cũng tạo được hiệu ứng tốt.

Ngoại truyện “Người phán xử” và “ Sống chung với mẹ chồng” mở đầu cho trào lưu ngoại truyện crossover của phim Việt

Tháng 4, VFC khiến khán giả vô cùng thích thú khi tung tập phim "crossover" giữa “Người phán xử” và “Sống chung với mẹ chồng”. Phần ngoại truyện này đã tạo nên cơn sốt trên mạng xã hội khi mang đến tiếng cười và những giá trị đạo đức cốt lõi trong mỗi tình huống của phim.

Tiếp đó, VFC nhanh chóng tung ra tiếp tập phim “Phía trước là cả một bầu trời phán xử” được "mix" giữa “Người phán xử”, “Phía trước là bầu trời” và “Cả một đời ân oán”. Rõ ràng sức hút của từng bộ phim là rất lớn, nhưng tập phim "crossover" lại có nội dung đơn điệu, không đặc sắc, các nhân vật xuất hiện với nhau gượng gạo đã khiến sức hấp dẫn của phim ngoại truyện bị giảm hẳn.

Mới đây nhất, VFC lại “ăn theo” khi tung tiếp đoạn phim “crossover” giữa “Quỳnh búp bê” và “Phía trước là bầu trời”. Đoạn phim ngoại truyện này tận dụng sức hút của nhân vật Nguyệt “thảo mai” trong “Phía trước là bầu trời” nhưng lại không liên quan gì với “Quỳnh búp bê”, việc kết hợp này đã không mang đến hiệu quả và nhận về những phản hồi tiêu cực bởi tình huống phim xây dựng khiên cưỡng, nhạt nhẽo.

"Nguyệt thảo mai" xuất hiện trong phần ngoại truyện của “Quỳnh búp bê”

Quảng cáo lộ liễu khiến khán giả tuột cảm xúc

Bên cạnh những bản ngoại truyện nhạt nhẽo về nội dung, ngoại truyện “Cả một đời ân oán” được đánh giá khá tốt. Tuy nhiên, không ít khán giả đã kêu than vì trong tập phim có quá nhiều đoạn thoại thực sự không phù hợp, quảng cáo quá lố, gây mất thiện cảm và khiến khán giả bị tuột cảm xúc. Lời thoại mang tính quảng cáo lộ liễu khiến nhiều khán giả không khỏi bức xúc. Việc lồng ghép yếu tố quảng cáo vào cũng khiến mạch phim trở nên rời rạc, phi lý.

Nhà sản xuất cố ý quay nhiều góc máy, nhiều phân cảnh góp phần quảng bá hình ảnh của khu du lịch

Biết rằng quảng cáo là một phần gắn liền với các sản phẩm giải trí để tạo nên doanh thu. Khán giả cũng không phản ứng gì với việc các logo nhãn hàng xuất hiện liên tục suốt từng tập phim nhưng việc cài cắm quảng cáo "kém duyên", thậm chí lấn át nội dung chính ở phần ngoại truyện khiến khán giả mất thiện cảm với bộ phim.

Nhìn chung, các nhà sản xuất biết cách chiều lòng khán giả khi thực hiện các tập ngoại truyện cho những phim truyền hình đình đám. Tuy nhiên sự cố gắng chỉ thật sự hiệu quả khi được đầu tư đủ về nội dung.

Ngọc Vi - Ảnh: Internet

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/phim-viet-lam-dung-qua-lo-khien-ngoai-truyen-tro-thanh-trao-luu-nham-d69978.html