Phim Việt: Khi biên kịch nhất định 'không để' đàn ông được… mạnh mẽ và tử tế

Một loạt phim Việt lên sóng gần đây, và cả trước đó nữa đều cho người xem cảm giác: Vai chính vẫn thuộc về những người phụ nữ, còn nam giới, chỉ toàn là yếu đuối và … tệ. Ngay cả 'Bố già', đặt hình tượng người 'cha' ở vai trò trung tâm, cũng khiến người xem lấn cấn, về một vai chính có phần yếu đuối, cố chấp. Câu hỏi đã được đặt ra nhiều lần là: Chẳng lẽ, phim Việt không có hứng thú với việc xây dựng những người đàn ông tử tế và mạnh mẽ đến thế!

Chưa nói đến dòng phim nghệ thuật - đi tranh các giải thưởng lớn, hình tượng những người phụ nữ, những số phận, những mảnh đời của phụ nữ luôn được “đặc tả” được nhấn mạnh, thì các phim thương mại Việt nổi tiếng gần đây hầu hết đều có nhân vật chính là nữ, phản ảnh tâm tư tình cảm của nữ giới, phản ảnh hình ảnh người nữ giàu cảm xúc, mạnh mẽ, chủ động, dám sống, dám yêu...

Đáng lưu ý, là chính các phim ăn khách, gây chú ý, gây “náo loạn” phòng rạp, đa phần đều là phim mà phụ nữ đứng vai trò trung tâm. Đó là Hai Phượng, Em chưa 18, Chị chị em em, Cô Ba Sài Gòn, 4 phần Gái già lắm chiêu, 2 phần Chị Mười Ba, Tiệc trăng máu (đa dạng các vấn đề giới, nhưng nữ giới đậm nét nhất), Chị trợ lý của anh, Vu quy đại náo, Tháng năm rực rỡ, Em là bà nội của anh, Cô gái đến từ hôm qua, Nắng, Mẹ chồng...

Và tiếp theo đây, một loạt phim nữ giới được ra mắt như Song song, Kiều, 1990, Bẫy ngọt ngào, Thiên thần hộ mệnh, Thanh Sói và xa hơn là Hương Ga 2, Trưng Vương... cũng đều xoay quanh chủ đề nữ giới.

Phim Việt vẫn ưu ái đặt người phụ nữ ở vị trí trung tâm (Ảnh: ĐPCC)

Phim Việt vẫn ưu ái đặt người phụ nữ ở vị trí trung tâm (Ảnh: ĐPCC)

Người ta bắt đầu đặt câu hỏi, vì sao phim có chủ đề nữ giới lại “thịnh” như vậy? Câu trả lời cho thấy: Không chỉ nhờ các nhà làm phim nữ như Ngô Thanh Vân, Trương Ngọc Ánh, Thu Trang, Hồng Ánh, Thanh Hằng, Minh Hằng... mà chính các nhà làm phim nam giới cũng rất hào hứng, tâm huyết với thiên tính nữ như: Charlie Nguyễn, Victor Vũ, Nguyễn Quang Dũng, Phan Gia Nhật Linh, Bảo Nhân - Nam Cito, Nhất Trung...

Thế nữ giới đóng vai trò trung tâm rồi, thì nam giới ở trong phim sẽ được khắc họa như thế nào? Đa phần là tệ, yếu đuối và toàn thói hư tật xấu. Như trong phim “Chị chị em em”, người chồng tham lam bị vợ trừng trị và vứt bỏ trong tình trạng chỉ còn chiếc quần che thân, còn trong “Gái già lắm chiêu V”, vì một người đàn ông nhiều tham vọng mà cả hai người phụ nữ là Lý Lệ Hà và Thục Lan (tên nhân vật trong phim) đều cả đời đau khổ. Ở nhiều bộ phim khác, nhân vật nam trong phim không mưu mô thủ đoạn, thì nhu nhược yếu đuối, hoặc ích kỷ, hẹp hòi, hoặc gia trưởng, hoặc ngoại tình… nói chung là… tệ thật tệ.

“Bố già” đạt 340 tỉ đồng tính đến nay, thành công nhất về doanh thu và là trường hợp hiếm dám nhìn vào mặt trái của nam tính, và cũng vượt khỏi khuôn mẫu giới ép đàn ông phải thành công, mạnh mẽ trong mọi hoàn cảnh. “Bố già” “đánh” trúng vào sự yêu thương, sự hi sinh của người làm cha, nhưng vẫn thấp thoáng một người cha cũng có khi yếu đuối, cố chấp.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh từng nói: "Ngoài đời tôi gặp rất nhiều người đàn ông như thế, đầy rẫy nên tôi đưa vào phim, truyện chứ tôi chẳng có ý miệt thị đàn ông". Nhiều nhà làm phim tài năng như Đặng Nhật Minh đã đưa vào phim ảnh những hình tượng họ gặp ngoài đời, xây dựng thành nhân vật gây ấn tượng khó quên mà vẫn rất thật, rất đời.

Lãnh Thanh trong phim "Chị chị em em" đóng vai trò người đàn ông "chỉ để cho đẹp" đội hình (Ảnh: ĐPCC)

Đặt câu hỏi về các tính khuôn mẫu, về cách xây dựng hình tượng phụ thuộc vào văn hóa và sự tiếp nhận, ở đây chúng ta thấy rằng: Không có khuôn mẫu nào là công thức chung cả. Vì cơ bản, các phim Việt đại thắng doanh thu vẫn đặt người phụ nữ ở vị trí trung tâm, nhưng các phim bom tấn Mỹ đặt những người đàn ông ở vai trò trung tâm cũng đại thắng phòng vé Việt và tạo ra cơn sốt toàn cầu. Thế thì, tại sao các nhà sản xuất phim Việt không thử thay đổi công thức?Điều này khiến điện ảnh Việt rất khác biệt với thị trường bom tấn Hollywood, nơi mà họ tôn vinh những “siêu anh hùng” – dù ở cuộc sống hàng ngày vốn chẳng thiếu tật xấu, nhưng đa phần là những người đàn ông hành động, vì đại nghĩa, có sứ mệnh lớn, sẵn sàng hi sinh và tất nhiên, họ cũng rất đàng hoàng, và trách nhiệm trong tình yêu, bảo vệ gia đình.

Về câu chuyện này, chắc mới chỉ có Ngô Thanh Vân bắt đầu “rục rịch” đổi hướng, khi trước đó, cô gây bất ngờ khi công bố dự án phim điện ảnh về đề tài siêu anh hùng mang tên Vinaman.

Dù khẳng định đây là bước đi mạo hiểm, nhưng Ngô Thanh Vân bày tỏ tin tưởng và lạc quan với dự án điện ảnh mới mẻ này. Nữ diễn viên chia sẻ: “Tôi nghĩ đã đến lúc thị trường Việt Nam, khán giả Việt Nam cần những bộ phim nghiêm túc và được đầu tư thật sự. Đã đến lúc chúng ta cần có một siêu anh hùng của riêng ta. Và tôi tin Vinaman sẽ làm được điều đó”. Song song đó, Ngô Thanh Vân cũng bắt đầu tìm kiếm tài năng cho vai diễn siêu anh hùng Vinaman.

Chúng ta không nói về chuyện phim tô hồng hay bôi đen các khuôn mẫu, cũng có nhiều ý kiến cho rằng: Phim thôi mà, có cần làm quá về chuyện ai đứng ở vai trò trung tâm không? Nhưng cũng có khi, phim là chất liệu từ hiện thực, phản ánh ít nhiều hiện thực. Mà cứ cho rằng chỉ là phim thôi, thì cũng nên thay đổi đi một chút, cứ mãi các đề tài nữ giới, thì khác gì khán giả cứ phải xem đi xem lại một món, còn các nhà làm phim, các biên kịch cứ bí đề tài mãi không?

Nam Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/phim-viet-khi-bien-kich-nhat-dinh-khong-de-dan-ong-duoc-manh-me-va-tu-te-233920.html