Phim về nữ lao động nhập cư ở Hà Nội giành giải quốc tế

'Lên thành phố' - bộ phim về những nữ lao động trẻ nhập cư ở Hà Nội - đã được trao giải thưởng The Best Next Gen Award tại LHP Better Cities 2020 (diễn ra tại Michigan, Mỹ).

 Hình ảnh người phụ nữ nhập cư trong phim "Lên thành phố"

Hình ảnh người phụ nữ nhập cư trong phim "Lên thành phố"

Lên thành phố (Making our place) là bộ phim tài liệu do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với HealthBridge Việt Nam tổ chức thực hiện và sản xuất. Phim nằm trong khuôn khổ dự án TRYSPACES nghiên cứu về trải nghiệm không gian công cộng của những người trẻ trong đô thị.

Đây là một sản phẩm nhằm góp phần nâng cao nhận thức trong cộng đồng và lan tỏa thông điệp của Hội LHPN Việt Nam trong chung tay hành động để xây dựng thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái.

Poster phim "Lên thành phố"

Bộ phim xoay quanh cuộc sống của những người phụ nữ rời quê hương lên thành phố để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn. Họ là chị đồng nát, người giúp việc gia đình theo giờ, là nhân viên bán hàng quần áo, bán hàng online hay là nhân viên gội đầu của một salon tóc nho nhỏ…

Với họ, Hà Nội là đích đến hay điểm dừng chân trong cuộc đời để trải nghiệm, trưởng thành và mưu sinh với ước mong thay đổi số phận và tăng thêm thu nhập cho cuộc sống gia đình.

Bằng phương pháp tiếp cận mới trong nhân học, bộ phim Lên thành phố được ra mắt sau 3 tháng sản xuất (từ tháng 12/2019 đến tháng 2/2020), đi sâu khai thác câu chuyện chân thật của 7 nữ lao động trẻ nhập cư từ 16-29 tuổi, đến từ các tỉnh: Nam Định,Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Đà Nẵng, Quảng Ninh.

Chuyện của Thắm, 28 tuổi làm nghề đồng nát

"Mình ở quê lên Hà nội gần được bảy năm rồi. Công việc của mình chính là thu mua phế liệu. Ở quê trông vào cái đồng ruộng rất khó để nuôi được các con, nên bắt buộc hai vợ chồng lên đây kiếm thêm thu nhập, cho cuộc sống đỡ hơn.

Cuối tuần hai vợ chồng thường đi lễ, và tranh thủ cho con ghé qua siêu thị hoặc các khu vui chơi tại vì thời gian ban ngày hai vợ chồng đều đi làm, chỉ tranh thủ buổi tối đưa con đi lễ mới cho con đi chơi được.

Mỗi lần mình vào siêu thị thì rất ngại xe đạp của mình có rất nhiều đồ như chai lọ, bao tải, giấy tờ... Mình vào cũng mất công gửi xe, đi cũng mất thời gian. Mình mong muốn Hà Nội có cuộc sống an bình hơn nhất là cho phụ nữ hoặc trẻ con. Như mình hay đi đêm về hôm, nên mong muốn về an toàn giao thông, an toàn về tất cả mọi thứ".

Chuyện công việc, chuyện gia đình, mối quan hệ với những người xung quanh đã được lột tả một cách khách quan và "chạm" tới cảm xúc của người xem qua chính lời tâm sự, sẻ chia của nhân vật trong phim. Bên cạnh nỗi lo về sinh kế, những người phụ nữ trẻ cũng mang khát khao hòa nhập với cộng đồng, có cơ hội nghỉ ngơi tái tạo sức lao động, thư giãn tại không gian công cộng và các điểm vui chơi trong thành phố…

Trong phim, Minh, cô gái 23 tuổi làm nghề vẽ túi, chia sẻ: "Mình cảm thấy là mình rất khác với mọi người. Mình ngại tiếp xúc vì có cảm giác mọi người luôn nhìn và bàn tán về mình. Mình bị nói là mày đổi cái giọng nói của mày đi, giọng mày khó nghe bớt dùng từ địa phương đi. Có bạn còn bảo: thôi mày nói giọng Bắc đi cho dễ nghe.

Mỗi lần nghe như thế, mình thấy khá là phũ phàng. Mong muốn của mình là mọi người xung quanh cởi mở hơn với những người ở vùng miền khác. Bản thân mình thấy không đến mức phải soi xét như thế".

Cô gái tên Phương, 20 tuổi, lên Hà Nội bán hàng online đã được 2 năm bày tỏ: "Ở quê mình nghề đấy hiện tại còn khó làm ăn, lên Hà Nội sẽ tiện kho hàng hơn với lại khách hàng trên Hà Nội cũng nhiều hơn. Thế nên mình chọn lên Hà Nội. Nhiều khi mình cũng muốn cho con đi chơi mà ở chỗ mình đang ở, khu vui chơi dành cho trẻ em không có. Đi chơi ở các công viên xa thì phương tiện chỗ mình đi cũng ít, bắt xe buýt thì cũng phải đi bộ mất một đoạn, nếu gọi bắt xe grab thì nó cũng hơi tốn so với túi tiền của mình. Thế nên mình cũng rất hạn chế cho con đi chơi, đa số là vào thời gian rảnh cuối tuần mới dẫn các con đi được".

Phương lên Hà Nội mưu sinh đã 2 năm

Với những thước phim giản dị, chân thực, bộ phim đã gắn kết người xem với một thông điệp đầy nhân văn: "Hãy xóa bỏ rào cản, chung tay xây dựng một không gian công cộng an toàn, thân thiện và bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ cho các nữ lao động trẻ nhập cư tại các thành phố lớn".

Tại Better Cities Film Festival 2020 (LHP Những thành phố tốt đẹp hơn 2020), phim Lên thành phố đã nhận được giải thưởng The Best Next Gen Award (Phim tài liệu về Thế hệ tương lai xuất sắc nhất). Phim nằm trong số 25 phim đạt giải trong tổng số gần 90 phim từ các quốc gia trên thế giới tham dự như: Mỹ, Chile, Ấn Độ, Đức, Brazil, UAE, Maroc, Anh, Úc, Canada, Tây Ban Nha, Pháp và Cuba...

LHP Những thành phố tốt đẹp hơn được sáng lập bởi Joshua Paget vào năm 2013. Liên hoan được ra mắt với mục tiêu đưa những cuộc trao đổi đó lên màn ảnh và tới từng con phố, thu hút rộng hơn cộng đồng tham gia vào việc hoạch định đô thị và phục hồi vùng lân cận.

Minh Anh - Ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/phim-ve-nu-lao-dong-nhap-cu-o-ha-noi-gianh-giai-quoc-te-20201218200440753.htm