Phim 'Truyền thuyết về Quán Tiên' – góc nhìn mới cho một đề tài cũ

'Truyền thuyết Quán Tiên' đã tái hiện khung cảnh chiến trường sống động và thực; sự ác liệt của chiến tranh được nhìn ở một góc nhìn mới.

Chiến tranh chống Mỹ lùi xa gần 50 năm, một đạo diễn trẻ 31 tuổi đã đồng cảm với nhà văn tạo nên bộ phim hơn 2 tiếng đồng hồ. Cơ bản trung thành với diễn tiến của tác phẩm văn học, bám chắc, xoáy quanh thông điệp của tác phẩm văn học đưa ra, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ với ngôn ngữ điện ảnh thêm một góc chiếu đậm sâu bàn về chiến tranh, một thử thách không hề nhẹ với một đạo diễn trẻ, thuộc thế hệ không hề tham gia cuộc chiến.

Tôi đi xem phim với hai tư cách. Một là với tư cách khán giả, là người lính từng trải, 11 năm chiến trận thì 9 năm ở rừng. Hai là với tư cách nhà văn, cũng là người yêu quý nhà văn Xuân Thiều, nên muốn quan sát từ văn bản văn học các nhà điện ảnh tạo ra kịch bản phim "Truyền thuyết về Quán Tiên" (TTQT) hay dở đến đâu. Do vậy, những gì bàn về phim chiến tranh, có lẽ tôi thuộc dạng khán giả khó tính.

Trong hơn 2 giờ đồng hồ, các nhà làm phim tái hiện một mảnh của đời sống chiến tranh, đường vận tải Trường Sơn một cách đáng khen ngợi. Phim chiến tranh của chúng ta bấy nay mắc hai lỗi quen thuộc. Lỗi đầu là sơ sài trong dựng cảnh, phục trang. Có thể do kém hiểu biết, có thể do ẩu tả của kíp làm phim nên vài phim về chiến tranh đã tạo ra những cảnh trí không như cảnh trí trong cuộc chiến. Thứ hai, một vài phim giả đến sống sượng về tâm lý chiến tranh. Sự thi vị hóa hay xơ cứng nhằm phục vụ tuyên truyền cũng tạo ra điều không có thật trong tâm trạng binh sĩ. Đây là lỗi nặng đáng bàn vì sự méo mó ấy khiến bộ phim không đáng tin cậy nữa. Những thước phim ấy làm đau lòng anh em cựu binh.

Đoàn làm phim mà Đinh Tuấn Vũ làm đạo diễn không phạm phải khuyết điểm ấy. Tôi được sống thực lại với các cung đường Trường Sơn bị tàn phá, những chuyến xe vận tải binh đoàn Trường Sơn 559 ngụy trang giống sự thật, chi tiết của quá khứ được nghiên cứu thận trọng. Không khí chiến tranh ở binh trạm, cung đường, ở trong cảnh trí được đạo diễn và diễn viên tạo nên khá thành công, thành công từ đối thoại, ở trong sự diễn tâm lý nhân vật.

Những chi tiết ấy tạo sự tin cậy cho khán giả, làm nên những thước phim sống động. Không khí phim từ nhân vật chính tới nhân vật phụ, trong diễn tiến của sự chuyện được đoàn làm phim khai thác hợp lí, nó không chỉ tạo ra cảm giác thật khi kể lại một câu chuyện lịch sử, mà chính không khí còn tạo ra sự cuốn hút, hấp dẫn. Với các loại hình nghệ thuật sự hấp dẫn phải là tiêu chí số một.

Ở đây phải biểu dương các diễn viên nữ tham gia đóng phim. Đỗ Thúy Hằng, Hồ Minh Khuê, Hoàng Mai Anh diễn rất tốt, tạo ra cá tính đậm nét của từng nhân vật, xử lí rất nhuần nhuyễn hợp lí từng cảnh huống. Diễn biến tâm lí của nhân vật nữ tổ trưởng Trạm Quán Tiên được chuyển hóa từng bước, từ sợ hãi chú vượn bị mất cả gia đình vượn, đến lắng nghe đời sống sinh vật trong rừng mà không còn sợ hãi nữa, chủ động giao tiếp với con vượn đau khổ được diễn thật nhuần nhuyễn, hợp lý.

Nhân vật nam giới, binh trạm trưởng cũng khô cứng đủ độ và nhân ái đủ độ trên khuôn khổ tâm lí chiến tranh thời ấy ở quan hệ giữa chỉ huy và binh sĩ dưới quyền.

Nhưng cái đáng bàn nhất ở phim là tinh thần của bộ phim khi bàn đến chiến tranh trong một giác độ mới.

Phim về chiến tranh, nói về con người và hệ lụy của tình yêu bị chiến tranh tàn phá, văn học và điện ảnh thế giới đã nói nhiều. Những phim của Việt Nam cũng khai thác thành công tới tối đa mặt bi kịch của con người ở lĩnh vực tình yêu trong chiến tranh. Gần đây, cũng do những người trẻ tiến hành, phim "Người trở về" của nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền đã khai thác rất thành công về đề tài này trong một góc nhìn.

Những vấn đề điện ảnh đã đề cập mới không chỉ trong mối quan hệ giữa con người với con người. Hệ lụy chiến tranh làm cho tình yêu tan nát, đau khổ, chia li, những con tầu không bến đỗ. TTQT không dừng lại ở những sự mất mát ấy. Ba cô gái trong phim có ba mối tình. Trạm trưởng thì chồng hy sinh. Cô gái thứ hai yêu đồng đội có thai ảnh hưởng tới nhiệm vụ bị kỷ luật. Cô gái đội viên trẻ nhí nhảnh xinh tươi nhất có mối tình lãng mạn (với chi tiết rất lính là cái rút dép mà người yêu là lính lái xe làm tặng) cũng đau khổ khi người yêu hy sinh.

Nếu phim chỉ dừng lại như thế thì đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cũng chỉ là đi theo một vết xe cũ. Phim đã vượt khỏi cái kích cỡ thông thường khi soi rọi về mảng tình yêu, hạnh phúc trong chiến tranh. Ở đây, không chỉ con người là ba cô gái đau khổ. Chiến tranh không chỉ tàn phá riêng hạnh phúc của loài người.

Trong khu rừng Trường Sơn ấy xưa là nơi an lành của mọi sinh vật. Có một bầy vượn đã hạnh phúc và bom đạn đã giết sạch gia đình vượn. Câu chuyện bẻ lái cho người ta suy nghĩ sâu sắc hơn, khi cô gái trạm trưởng đặt vào hoàn cảnh ấy và từ chỗ sợ hãi con vượn hay chú ý mình, thậm chí lấy quả tiếp tế cho các cô gái. Người trạm trưởng đau khổ ấy khi nghe kể lại câu chuyện rừng của bầy vượn qua một anh lính đã thay đổi thái độ. Chị không còn sợ hãi nữa mà giao tiếp với chú vượn, bầy tỏ sự chia sẻ với sự mất mát đau thương của một loài động vật cao cấp. Sự thể hiện của đạo diễn đúng độ có giới hạn không cảm tính trong sự chia sẻ của cô gái trạm trưởng tạo nên tính người được tô đậm đến lạ, xuất sắc mà bao nhiêu phim trước đó chưa đề cập. Đây là điều khác lạ đầy tính nhân văn của phim.

Vậy là chiến tranh không chỉ tàn phá hạnh phúc của loài người. Chiến tranh lạnh lùng đã phá tất cả, đẩy sự đau khổ trên hành tinh này cho muôn loài buộc chú vượn mất hết gia đình phải tìm đến sự chia sẻ của con người, và con người đã thông cảm, thấu hiểu nỗi niềm ấy. Đây là điều lớn nhất, lạ nhất, sắc sảo nhất mà phim "Truyền thuyết Quán Tiên" đã làm được, lại làm được từ bộ óc của một đạo diễn mới 31 tuổi đời.

Tôi rất xúc động khi các nhà làm phim xử lí cảnh chú vượn chết. Đôi mắt đẹp của loài vật được cận cảnh nói được cái chết oan khuất đau đớn và cũng làm lay động trái tim tôi khi diễn viên nữ tổ trưởng diễn sự đau đớn của cô khi đó.

Đoàn làm phim "Truyền thuyết Quán Tiên" đã tạo nên một dư chấn mới, khai thác thể tài tình yêu trong chiến tranh hoàn toàn mới. Đó cũng không chỉ là sự lên án chiến tranh một cách xơ cứng mà nó ít nhiều tạo ra giá trị của bản anh hùng ca cho một dân tộc biết hy sinh để thống nhất non sông và độc lập cho nước nhà.

Nói như thế không có nghĩa bộ phim quá hoàn chỉnh. Vài cái lỗi nhỏ có thể khắc phục được cho phim gần với sự thật lịch sử. Ví dụ ở Trường Sơn binh trạm không nơi nào có bàn gỗ, chỉ toàn bàn tre hay lồ ô. Ví dụ trên Trường Sơn không có bán mua bằng tiền, chỉ cung cấp miễn phí. Ví dụ đoạn cuối, ngay sau khi chú vượn chết không cần một trường đoạn dài lê thê đến vậy. Văn chương hay các loại hình nghệ thuật khác theo tôi có lẽ nói đủ là quan trong nhất. Đã đủ rồi là dừng. Đóng máy.

Truyền thuyết về Quán Tiên là một bộ phim khá, đạt được những điều bất ngờ như tôi nói trên. Nó chứng tỏ những người trẻ nếu biết lắng nghe nữa, đào sâu nữa, sẽ gặt hái nhưng tác phẩm xứng đáng với thời đại mà chúng ta đã sống đang sống và sẽ có những tác phẩm với nghệ thuật bất tử./.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa-giai-tri/phim-truyen-thuyet-ve-quan-tien-goc-nhin-moi-cho-mot-de-tai-cu-1056206.vov