Phim truyền hình Việt năm 2020: Chủ đề gia đình vẫn 'độc tôn'nhưng số lần hụt hẫng không ít

Nỗ lực ứng phó với dịch bệnh một năm qua của các nhà sản xuất phim truyền hình trong nước rất đáng ghi nhận, khi mà đến thời điểm này, khán giả vẫn có phim… đều để xem. Nếu nhìn vào số lượng phim trong năm, thì chủ đề 'gia đình' vẫn chiếm ưu thế gần như tuyệt đối. Dù đã cố gắng để chọn kịch bản và đầu tư hơn, nhưng chất lượng phim vẫn khiến khán giả cảm thấy hụt hẫng không ít.

Nam hay Bắc đều chuộng phim gia đình

Đến thời điểm hiện tại, qua những bộ phim đã phát sóng, đang lên sóng và sắp phát sóng, không khó để nhận thấy phim truyền hình về đề tài hôn nhân gia đình đang là một “đặc sản” đối với khán giả Việt. Nhiều bộ phim đã có hàng triệu lượt người xem cả trên mạng xã hội lẫn sóng truyền hình. Nếu điểm qua những tên phim gây sốt năm 2020 thì chỉ riêng Sinh tử thuộc dòng chính luận, còn lại: Tiệm ăn dì ghẻ, Đừng bắt em phải quên, Tình yêu và tham vọng, Cô gái nhà người ta… đều là phim thiên về chủ đề gia đình.

Các phim đang chiếu như “Lửa ấm” hay “Vua bánh mì”… ở truyền hình hai miền cũng không nằm ngoài chủ đề này. Dù “Lửa ấm” được giới thiệu là bức tranh sinh động về đời sống tinh thần và vật chất, về sự vất vả hy sinh của những người lính phòng cháy chữa cháy và những bác sỹ cấp cứu. Những tình huống trong phim được lấy chất liệu từ thực tế, phản ánh đúng thực trạng các vấn đề mà họ đang phải đối mặt. Khi trải qua mọi biến cố và mất mát, những con người quả cảm ấy vẫn giữ nguyên niềm đam mê với nghề mình lựa chọn, khiến cho cuộc sống của họ trở nên ý nghĩa hơn, và hạnh phúc riêng cũng vì thế mà trọn vẹn hơn. Tuy nhiên, khán giả vẫn nhận ra rằng trong công việc của mỗi người, quan hệ gia đình vẫn là nội dung bao trùm cả phim.

Còn “Vua bánh mì” được remake từ kịch bản rất thành công của truyền hình Hàn Quốc. Phiên bản Việt thu hút sự chú ý của khán giả vì hội ngộ dàn diễn viên chính quen thuộc gồm Nhật Kim Anh, Thân Thúy Hà, Trương Minh Quốc Thái, Cao Minh Đạt… Bên cạnh nội dung, “Vua bánh mì” còn được khán giả quan tâm nhờ nhạc phim cảm xúc, đặc biệt là ca khúc “Cô đơn trong nhà mình” với phần thể hiện của Hoài Lâm sau thời gian vắng bóng. Sau 8 tập lên sóng, đạo diễn Nguyễn Phương Điền nhận được nhiều lời khen rằng ông đã thoát mác phim remake, biến “Vua bánh mì” trở nên gần gũi hơn với đời sống người Việt.

Chưa kể, bộ phim “Hướng dương ngược nắng” đã khởi quay vào đầu tháng 7 và hứa hẹn sẽ là “bom tấn” màn ảnh nhỏ vào cuối năm nay với dàn diễn viên “khủng” tham gia diễn xuất sắp lên sóng. “Hướng dương ngược nắng” do NSƯT Vũ Trường Khoa và NSND Công Lý làm đạo diễn. Thông tin ban đầu đã úp mở những gương mặt “khủng” tham gia diễn xuất như Hồng Đăng, Hồng Diễm, Đình Tú, Lương Thu Trang, Việt Anh, Quỳnh Nguyễn, NSND Thu Hà, NSƯT Mạnh Cường… Tất nhiên, sức hút từ cặp đôi Hồng Diễm, Hồng Đăng (dù đã 6 lần đóng chung) vẫn chưa hề hạ nhiệt. Dù thông tin ban đầu tiết lộ rằng, nhân vật nữ chính của phim thay vì Hồng Diễm là Lương Thu Trang, khán giả cũng hết sức đón đợi sự… tái ngộ này. Và rõ ràng, nội dung phim chắc chắn không rời xa chủ đề gia đình.

Các phân cảnh về đề tài y khoa trong phim “Lửa ấm” chưa làm hài lòng khán giả. Ảnh: VTV Giải trí

Các phân cảnh về đề tài y khoa trong phim “Lửa ấm” chưa làm hài lòng khán giả. Ảnh: VTV Giải trí

Không thiếu những lần hụt hẫng

Đúng là chất lượng của phim truyền hình trong nước những năm gần đây đã được cải thiện đáng kể. Việc được lên sóng giờ vàng, mạnh dạn đầu tư cho kịch bản hay, thay đổi cách làm phim cho... chân thật và gần gũi, đời hơn, đã khiến rất nhiều phim Việt trở thành trend, được bàn luận sôi nổi trên khắp các diễn đàn. Nhiều đạo diễn cũng mạnh dạn cho những thể loại phim khó như: Chính luận, hình sự… tuy nhiên, dòng phim gia đình vẫn chiếm ưu thế cả về số lượng lẫn chất lượng.

Nhưng không phải phim nào cũng như kỳ vọng của khán giả. Ngược lại, có phim kỳ vọng càng cao càng thất vọng, “Lửa ấm” là một ví dụ. Tiếp nối xu hướng phim về ngành nghề trên sóng giờ vàng VTV1, “Lửa ấm” khai thác câu chuyện về nỗi vất vả của đội phòng cháy chữa cháy và các bác sĩ. Ngay từ tập 1, hình ảnh những người lính cứu hỏa vào sinh ra tử và những người bác sĩ tận tâm với nghề đến nỗi không đủ thời gian dành cho con đã được khắc họa rõ nét thế nhưng vẫn không khiến người xem hài lòng. Đa phần những phân đoạn tại BV, khi các bác sĩ làm việc đều bị khán giả ném đá khá thậm tệ.

Trong phim, Thủy (Thúy Hằng đảm nhiệm) là một trong số những nhân vật chính. Cô là bác sĩ khoa nội chuyên xử lý các vụ cấp cứu tại BV. Khoan bàn đến chuyện chuyên môn đúng sai, đa phần những phân đoạn Thủy xuất hiện bên cạnh bệnh nhân đều gây cho khán giả cảm giác thiếu chân thật. Kể cả Thủy và những nhân vật bác sĩ khác đều gặp phải vấn đề với việc nhả thoại. Cách đọc tên thuốc, chẩn đoán bệnh, nói về phác đồ điều trị đều bị khán giả cho là thiếu chân thật. Thêm vào đó, những phân đoạn thoại chuyên ngành này cũng bị cho là quá dài và không thực sự cần thiết bởi trong lúc cấp bách, điều cần làm hơn cả là giải thích ngắn gọn cho người nhà bệnh nhân hiểu và cứu mạng người bệnh.

Còn “Vua bánh mì” dù có một kịch bản gốc hay vẫn khán khiến khán giả… thở dài vì chuyển cảnh thiếu logic, có nhiều chi tiết phi thực tế khiến người xem hụt hẫng.

Sự phổ biến của phim Việt đã tạo nên cả xu hướng dịch chuyển diễn viên hai miền. Họ cùng tham gia những phim chung như trường hợp của Huỳnh Anh, Mỹ Uyên, Quỳnh Nga… mới đây nhất là Diễm My, Quốc Thái. Tuy nhiên, không phải sự hợp tác nào cũng thành công, bởi diễn viên khó ăn nhập với các ê-kíp và vai diễn họ chọn cũng chưa thực sự ấn tượng.

Tất nhiên, càng thực hiện nhiều phim, sự điều chỉnh, kinh nghiệm đối với các đơn vị sản xuất, diễn viên sẽ càng “dày” thêm. Và với sự đón đợi phim nội chưa hề giảm nhiệt của khán giả, các ê-kíp sản xuất phim truyền hình sẽ còn nhiều việc để chất lượng phim Việt ngày càng tốt hơn.

Nam Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/phim-truyen-hinh-viet-nam-2020-chu-de-gia-dinh-van-doc-tonnhung-so-lan-hut-hang-khong-it-212708.html