Phim truyền hình trong thời dịch

Trong khi các hoạt động giải trí bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid - 19, thì phim truyền hình lại trở thành 'đặc sản' dành cho khán giả. Ở đó, các bộ phim không chỉ đáp ứng về số lượng mà còn có sự nâng tầm về chất lượng.

Cảnh trong phim “Nhà trọ Balanha”.

Cảnh trong phim “Nhà trọ Balanha”.

Những năm gần đây, phim truyền hình Việt Nam đang dần khẳng định được vị thế trong lòng khán giả. Ở đó, ghi nhận thành công của các bộ phim truyền hình đã “đánh trúng và đúng” vào tâm lý của người xem khi khai thác các mảng đề tài về đời sống, tình cảm, gia đình... thậm chí những góc khuất đen tối của xã hội, các vấn đề “nóng” có liên quan đến chính trường. Đó là câu chuyện mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong “Sống chung với mẹ chồng”; Cuộc sống gia đình trong bộ phim “Về nhà đi con”; Hay vấn đề về nữ quyền trong “Quỳnh búp bê”, “Hoa hồng trên ngực trái”. Ở “Người phán xử”, “Mê cung”, “Sinh tử”, khán giả như phần nào hiểu rõ hơn về một bộ phận cá nhân cửa quyền và những chiêu trò của họ trong cuộc “chạy đua” không có hồi kết mang tên “quyền lực”, nhưng rồi tất cả đều phải trả giá cho tội ác của mình…

Qua những thành công đó, có thể thấy khán giả đã ghi nhận những thay đổi trong tư duy mới của các nhà làm phim, phù hợp với thực tiễn phát triển phim truyền hình Việt. Không còn khái niệm kịch bản Việt hóa hay thuần Việt mà quan trọng là chất lượng bộ phim và sự đón nhận của số đông khán giả ra sao. Ở đó, ngay với các phiên bản Việt hóa, các nhà làm phim giờ đây đã có sự “chắt lọc” không sa đà vào những câu chuyện ngôn tình đẫm nước mắt như phim truyền hình Hàn Quốc từng “làm mưa làm gió”. Có lẽ những “khẩu vị” mang tính thực tế này dễ thuyết phục người xem hơn.

Cùng với đó, nhược điểm thường thấy ở phim truyền hình trước kia là mới xem tập đầu đã biết kết thúc đã được những nhà làm phim xử lý khôn khéo khắc phục. Mỗi tập phim đều mang đến cho khán giả những cảm giác hồi hộp, tò mò, thậm chí là phải tự tư duy về những diễn biến tiếp theo của phim.

Bên cạnh đó, lời thoại các bộ phim cũng được biên kịch chau chuốt từng chi tiết, lời ít nhưng ý nhiều, quan trọng là để khán giả phải nhớ đến và suy ngẫm. Các nhân vật của phim truyền hình cũng được đầu tư hơn trong lời thoại, sử dụng khẩu ngữ một cách linh hoạt, khiến cho lời thoại của họ trở nên hiện đại, mượt mà, xúc tích hơn.

Với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, phim truyền hình đang trở thành một “cứu cánh” cho nhu cầu giải trí của người dân. Theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải- Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC) cho biết: Lượng khán giả phim truyền hình tăng đáng kể trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành. Đây cũng là một trong những lý do đơn vị tăng lịch phát sóng phim giờ vàng, giúp khán giả có thêm một sự lựa chọn giải trí. Cùng với đó, Đài Truyền hình Việt Nam cũng dựa trên chất lượng nội dung phim và khảo sát đánh giá khách quan từ khán giả để đi đến quyết định này. Thực tế đã chứng minh, phim truyền hình của VTV những năm gần đây đã trở thành một món ăn tinh thần được đông đảo công chúng mong chờ.

Theo kế hoạch nối sóng phim về thanh niên nông thôn mới “Cô gái nhà người ta” trên sóng VTV3 sẽ là một bộ phim về những chàng trai, cô gái mang khát vọng lập nghiệp có tên “Nhà trọ Balanha” (khởi chiếu từ ngày 19/3). Khẳng định được tài năng với phong cách làm phim đa dạng qua hàng loạt những bộ phim thành công như “Người phán xử”, “Ngày ấy mình đã yêu”, “Mê cung”…, đạo diễn bộ phim Khải Anh đặt nhiều tâm huyết với Nhà trọ Balanha. Phong cách kể chuyện phim mới mẻ và dàn dựng rất phá cách chắc chắn sẽ gây bất ngờ cho không ít người xem. Đạo diễn Khải Anh cho biết, việc thử thách bản thân có phần “mạo hiểm” này là cảm hứng, là thách thức mà Khải Anh mong muốn vượt qua những thành công đã đạt được trước đây. Cũng là cách để anh khám phá chính bản thân mình.

Đồng hành cùng đạo diễn Khải Anh còn có nhà quay phim Dương Tuấn Anh. Những tạo hình bay bổng và các khuôn hình đẹp như tranh của anh sẽ góp phần tạo nên một bộ phim thanh xuân đầy cảm xúc. Một kịch bản vừa có yếu tố bất ngờ, vừa hài hước, cách dàn dựng có nhiều tìm tòi, sáng tạo riêng, dàn diễn viên trẻ đầy năng lượng và tươi mới, hình ảnh đẹp thấm đẫm chất điện ảnh, “Nhà trọ Balanha” hứa hẹn sẽ tạo ra một câu chuyện đặc biệt, hấp dẫn và chân thật như hành trình vào đời của lứa tuổi thanh xuân.

Tiếp nối bộ phim “Sinh tử”, VTV1 cũng đã chính thức phát sóng bộ phim truyền hình về đề tài gia đình “Đừng bắt em phải quên”. 42 tập phim là câu chuyện đáng suy ngẫm về một gia đình thời hiện đại: Bề ngoài hạnh phúc, kiểu mẫu, nhưng bên trong tiềm ẩn nhiều xung đột và có nguy cơ đổ vỡ, vợ chồng không tìm được tiếng nói chung, con cái không thông cảm với nỗi lòng người lớn.

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giai-tri/phim-truyen-hinh-trong-thoi-dich-tintuc461407