Phim Trung Quốc bị chỉ trích coi thường trí tuệ khán giả

Những tình tiết phim không ai có thể hiểu nổi, đi ngược mọi định luật vật lý khiến khán giả vừa tức giận, vừa bật cười trong phim Trung Quốc.

Phim Trung Quốc lộ "sạn" gây ngán ngẩm

Theo Sina, hiện tại kỹ thuật quay phim ngày một phát triển, nhưng đội ngũ sản xuất vẫn đem đến những bộ phim mắc nhiều lỗi logic. Bên cạnh đó, do thiếu kinh phí, đoàn phim thường sử dụng ảnh trên mạngghép bối cảnh, bị đánh giá là rất giả, như phim Hoa khôi học đường cùng chân dài ở trên.

Truyền thông Trung Quốc cho rằng, những cảnh quay này khiến khán giả không biết dùng lời gì để bình luận, đồng thời làm giảm chất lượng tác phẩm. Người xem bình luận họ phải gạt bỏ tính hợp lý, những kiến thức thông dụng, hay còn gọi là "cất não" để thưởng thức tác phẩm. Trong hình là nụ hôn cách mặt nạ oxy của Lý Dịch Phong, phim Anh ở Bắc Kinh đợi em, khiến khán giả hoang mang.

Để xây dựng các tình tiết nhằm phát triển tình cảm nhân vật, biên kịch đã nghĩ ra nhiều kiểu hôn, bất chấp các định luật vật lý. Trong phim Chỉ là quan hệ hôn nhân, cảnh hôn của Vương Ngọc Văn và Vương Tử Kỳ gây tranh cãi khi phát sóng.

Theo Tân Hoa Xã, phim truyền hình có tình tiết thừa thãi, thiếu hợp lý đang bị Cục Điện ảnh Trung Quốc kiểm duyệt sát sao. Những dự án này cũng thường nhận đánh giá kém của khán giả. Sina đánh giá sự sáng tạo là điều không thể thiếu trong nghệ thuật, song nó phải nằm trong khuôn khổ hợp lý.

Ngoài những cảnh tình cảm, cảnh chiến đấu cũng gây cười không kém. Trong phim Thần thương, khi bị kẻ địch truy đuổi, nhân vật nam sử dụng lá bài để ngăn chặn. Tuy nhiên, người xem đặt câu hỏi những lá bài này được lấy từ đâu, chiến sĩ tại sao có lá bài trong người, sức mạnh của chúng cũng không đúng thực tế.

Trong phim Tên đã trên dây, mũi tên đang bay còn có thể tự động rẽ vào ngõ để đâm trúng nhân vật nam.

Trong phim Địch hậu y phục thường đội truyền kỳ, một nhân vật tự xưng là "Phá vương" đã giới thiệu "pháo bánh bao", "pháo dưa chuột" tới các sĩ quan. Trong cảnh quay, nhân vật này đang cắn dở chiếc bánh, sau khi quăng ra xa thì bánh phát nổ. Tình tiết khiến khán giả phản hồi: "Không biết nên cười, nên thán phục hay chỉ trích sự sáng tạo của biên kịch". Bộ phim chỉ nhận được 2,3/10 điểm chất lượng tại trang Douban.

Một cảnh phim Anh hùng du kích, nhân vật nữ núp trong chiếc thùng gỗ, nhưng không bị kẻ địch bắn trúng, thậm chí còn di chuyển tới gần để hạ sát quân địch. Khán giả đặt câu hỏi chiếc thùng làm bằng chất liệu gì mà có thể cứng hơn sắt thép.

Cảnh quay trong phim Nhân duyên đại nhân xin dừng bước sử dụng kỹ xảo không mượt mà, đạo cụ giả. Nam diễn viên chỉ đứng ở dưới, tay di chuyển là những viên ngói đã tự động bay lên nằm đúng vị trí. Khán giả nhận thấy rõ viên ngói là sản phẩm kỹ xảo đồ họa và bàn tay của nam diễn viên không thể chạm vào đạo cụ.

Cảnh giả, tình tiết thiếu thực tế, nhưng hiện tại phim truyền hình Trung Quốc còn xuất hiện những bộ phim không chỉnh sửa kỹ xảo mà chỉ ghi chú thích để khán giả tự tượng tưởng. Cụ thể, trong bộ phim Công tử độc sủng vợ thợ ngói, nhân vật trong phim có phân đoạn dùng thuật ẩn thân, nhưng thay vì sử dụng công nghệ đồ họa chỉn chu, đoàn làm phim bôi sáng nam diễn viên và để chú thích: "Hy vọng khán giả tự tưởng tượng nghệ sĩ đang tàng hình". Nguyên nhân được đoàn phim đưa ra là thiếu kinh phí.

Theo An Chi/Zingnews.vn

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/giai-tri/phim-trung-quoc-bi-chi-trich-coi-thuong-tri-tue-khan-gia-1727921.html