Phim thuần Việt lép vế với kịch bản nước ngoài chuyển thể

Một trong những điểm sáng của Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 38 là sự tham gia của các phim Việt hóa từ kịch bản, tác phẩm văn học nước ngoài như Gạo nếp gạo tẻ, Ngày ấy mình đã yêu,…. Tuy nhiên, sự vắng mặt của bộ phim gây sốt 'Quỳnh búp bê' khiến nhiều người tiếc nuối.

Năm nay, BTC Liên hoan Truyền hình toàn quốc tiếp tục lựa chọn những tác phẩm xuất sắc nhất đã được phát trên hệ thống các kênh truyền hình Việt Nam trong năm qua theo 9 thể loại được sản xuất phổ biến tại các đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình: Chương trình dành cho thiếu nhi, Phim tài liệu, Phóng sự, Chương trình Chuyên đề - Khoa giáo, Chương trình Giao lưu - Đối thoại - Tọa đàm, Chương trình truyền hình tiếng dân tộc thiểu số, Chương trình Ca múa nhạc, Chương trình Sân khấu và Phim truyện truyền hình.

Tính đến thời điểm này, BTC đã nhận được gần 500 tác phẩm dự thi. Trong đó, thể loại phóng sự tiếp tục thu hút nhiều tác phẩm tham gia nhất (148 tác phẩm). Đây là thể loại có sự cạnh tranh gay gắt giữa các đơn vị dự thi với rất nhiều đề tài phong phú, hấp dẫn, phản ánh bức tranh thời sự của nhiều địa phương cũng như những vấn đề nóng trên cả nước trong năm qua. Liên hoan năm nay cũng là lần đầu tiên thể loại phim tài liệu mở rộng xét giải với các phim tài liệu dài tập.

Phim “Gạo nếp gạo tẻ” được Việt hóa từ phim “Gia tộc họ Wang” của Hàn Quốc vẫn được dự thi Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 38. Ảnh: Đoàn làm phim

Điểm mới đáng chú ý của kỳ Liên hoan lần này những phim truyện truyền hình có kịch bản chuyển thể hoặc phỏng theo tác phẩm văn học nước ngoài sẽ được tham gia dự thi. Tại kỳ Liên hoan này, thể loại phim truyện truyền hình có sự tham gia của 5 phim ngắn, 1 phim 1 tập và 7 phim dài tập. Vì số lượng phim truyền hình lên tới 253 tập, riêng phim truyền hình dài tập được các giám khảo chấm từ tháng 11. Cụ thể, 7 phim truyền hình dài tập dự thi năm nay gồm: “Gạo nếp gạo tẻ” - phần 1 (54 tập) - đạo diễn Võ Thạch Thảo (đơn vị: Cty CP D.I.D TV); “Ngày ấy mình đã yêu” (24 tập) - đạo diễn Nguyễn Khải Anh (đơn vị: Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, Đài THVN - VFC); “Khép lại quá khứ” (32 tập) - đạo diễn Nguyễn Đức Nhật Thanh (đơn vị: Đài Truyền hình TPHCM); “Bên kia sông” (40 tập) - đạo diễn Phạm Ngọc Châu (đơn vị: Hãng phim truyền hình TPHCM - TFS); “Ngậm ngùi” (46 tập) - đạo diễn Trương Dũng (đơn vị: Đài PT - TH Vĩnh Long); “Mật mã hoa hồng vàng” (46 tập) - đạo diễn Quách Khoa Nam (đơn vị: Cty CP M&T Pictures); “Giọt nước của dòng sông” (11 tập) - đạo diễn Trần Vịnh (đơn vị: Cty TNHH Chế tác kịch bản Nhã Phương). Trong 7 tác phẩm dự thi Liên hoan có 2 bộ phim được Việt hóa từ kịch bản Hàn Quốc là Ngày ấy mình đã yêu, Gạo nếp gạo tẻ. Đây đều là hai bộ phim tâm lý tình cảm thu hút đông đảo sự chú ý của khán giả.

Tuy nhiên, đáng tiếc nhất là bộ phim gây sốt màn ảnh truyền hình quốc gia trong năm nay “Quỳnh búp bê” của đạo diễn Mai Hồng Phong lại không góp mặt tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần này. Trả lời thắc mắc của báo giới về việc một số bộ phim truyện truyền hình ăn khách, gây nhiều tranh cãi thời gian qua không có trong danh sách dự thi, ông Nguyễn Hà Nam - Trưởng Ban Thư ký biên tập Đài Truyền hình Việt Nam, Phó Trưởng Ban thường trực BTC Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 38 cho biết: “Theo quy định của BTC, mỗi đơn vị chỉ được phép gửi một tác phẩm phim truyện dự thi. Các phim “Quỳnh búp bê”, “Giấc mộng phù hoa” đều không được Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam lựa chọn dự thi. Thay vào đó là phim truyền hình chuyển thể kịch bản nước ngoài là “Ngày ấy mình đã yêu” của đạo diễn Nguyễn Khải Anh. BTC khẳng định, việc không có “Quỳnh búp bê” trong danh sách dự thi là do lựa chọn của đơn vị đưa tác phẩm dự thi, không phải quyết định của BTC Liên hoan”.

Việc phim truyện truyền hình có kịch bản chuyển thể hoặc phỏng theo tác phẩm văn học nước ngoài được tham gia Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 38 là một điểm tích cực của Liên hoan, ghi nhận những đóng góp, nỗ lực và sáng tạo của các ê-kíp phim như Gạo nếp gạo tẻ, Ngày ấy mình đã yêu. Dù chuyển thể từ kịch bản hoặc mô phỏng theo tác phẩm văn học nước ngoài nhưng yếu tố Việt đều được thể hiện rất rõ trong hai bộ phim này, đặc biệt là bộ phim Gạo nếp gạo tẻ.

Nhiều nhận xét, đánh giá của khán giả cho rằng đây đích thị là bộ phim về gia đình Việt. Được khán giả và ngành truyền hình ghi nhận thật sự là động lực để các nhà làm phim tiếp tục phấn đấu để sản xuất ra các tác phẩm chất lượng gửi đến công chúng, góp phần phát triển ngành truyền hình của đất nước.

Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 38 sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 22-12 tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Trong khuôn khổ Liên hoan sẽ diễn ra 2 hội thảo với chủ đề “Mạng xã hội và truyền hình”, “Giải pháp sử dụng thiết bị cơ động, nhỏ gọn cho sản xuất chương trình”, với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước. Cùng với đó là Triển lãm ảnh của các tác giả là những người làm truyền hình cả nước cũng diễn ra tại địa điểm tổ chức Liên hoan - khuôn viên khách sạn Palace, Đà Lạt.

Chương trình khai mạc Liên hoan sẽ diễn ra lúc 20g10 ngày 19-12 tại Nhà Văn hóa lao động tỉnh Lâm Đồng (Truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1). Lễ bế mạc và trao giải sẽ diễn ra vào 20g ngày 22-12 tại Nhà Văn hóa lao động tỉnh Lâm Đồng (truyền hình trực tiếp trên kênh của Đài PT - TH Lâm Đồng và phát lại trên kênh VTV1 vào 14g15 ngày 23-12).

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/phim-thuan-viet-lep-ve-voi-kich-ban-nuoc-ngoai-chuyen-the-130558.html