Phim 'Ròm' được cấp phép ra rạp: Đã giải bài toán cho những nhà làm phim độc lập?

Dù không phải là bản phim gốc để phát hành chính thức tại rạp 'quốc nội' vào tháng 7 tới, nhưng những người yêu điện ảnh đều cảm nhận được sự chuyển mình ngoạn mục của nền điện ảnh nước nhà khi đã mở cửa cho những nhà làm phim độc lập một cơ hội so tài.

Ngay từ khi thông tin “Ròm” – bộ phim tâm huyết của đạo diễn trẻ Trần Thanh Huy được cấp phép ra rạp, cộng đồng yêu phim bày tỏ sự vui mừng, háo hức sau nhiều ngày chờ đợi. Thế là hành trình 8 năm của “Ròm” đã về đích dù trải qua một hành trình khó khăn. Ròm từng là bộ phim đạt giải thưởng cao nhất điện ảnh châu Á tại Liên hoan phim Bussan (Hàn Quốc) song đã phải rút phim về vì phạm Luật Điện ảnh.

Cụ thể, đơn vị sản xuất này đã đi ngược quy trình xét duyệt phim dự thi khi đã tự ý gửi tác phẩm này tới LHP Quốc tế Busan lần 24 (diễn ra từ 3 đến ngày 12-10-2019) trước khi gửi văn bản đề nghị cấp Giấy phép phổ biến đến Cục Điện ảnh. Sau 1 tuần phim ra mắt tại LHP, đơn vị sản xuất mới đưa “Ròm” trình duyệt với Cục Điện ảnh và có buổi chiếu thẩm định. Và khi không được cấp phép thì nhà sản xuất mới gửi “thư” xin rút phim dự thi. Chính việc có quy định thông báo của Cục Điện ảnh nhưng phía nhà sản xuất vẫn tiếp tục tham dự LHP nên phải chịu thêm án phạt 40 triệu đồng và từng đứng trước nguy cơ phải tiêu hủy bản phim vi phạm.

Sau một quá trình dài “gõ cửa” Hội đồng duyệt phim, bảo vệ “đứa con tinh thần” từng đạt giải thưởng lớn nhất tại LHP Bussan từ những đam mê, cách kể chuyện phim mới mẻ, sáng tạo, cuối cùng, bộ phim đã vượt qua quá trình kiểm duyệt gắt gao của Cục Điện ảnh, chính thức nhận giấy phép phát hành vào ngày 31-3-2020 và vào ngày 31-7 tới, bộ phim sẽ chính thức công chiếu tại các cụm rạp trên cả nước.

 Một cảnh phim của “Ròm”. Ảnh: Đoàn làm phim

Một cảnh phim của “Ròm”. Ảnh: Đoàn làm phim

Khi phim có “tấm vé” ra rạp cũng đồng nghĩa với thông tin phim “Ròm” sẽ phải chỉnh sửa để phù hợp về nội dung và hình thức. Trước đồn đoán cho rằng, bản phim bị cắt 50% nội dung và hình ảnh so với bản phim ở tại LHP Bussan, đạo diễn Trần Thanh Huy đã lên tiếng. Thực tế “Ròm” được duyệt đã thay đổi sau vài lần chỉnh sửa. Trong đó, cuộc hành trình của 2 nhân vật chính vẫn nguyên vẹn, những cảnh hành động rượt đuổi khắp Sài Gòn vẫn được giữ lại. Hai bản phim chiếu ở Việt Nam và Busan có thời lượng không chênh lệch nhau. Theo dó, dù bản phim mới có thay đổi, nhưng bản chất và phong cách làm phim của Huy vẫn còn ở đó và “Ròm” vẫn truyền tải được tinh thần và thông điệp mà Huy đặt ra cho tác phẩm của mình ngay từ những ngày đầu.

Thời gian qua, không chỉ có “Ròm” mà “Thất Sơn tâm linh” (tên cũ là Thiên linh cái) và “Bắc Kim Thang”, những bộ phim thương mại may mắn được công chiếu nhưng phải chỉnh sửa những cảnh quay đắt giá. Nếu phim “Ròm” nhà sản xuất phải cắt xén một số cảnh quay vì lo ngại phim ẩn ý không tốt về an ninh xã hội thì “Thất Sơn tâm linh”, toàn bộ ê-kíp phải về tận nơi từng diễn ra vụ án, quay phim trong những ngày điều kiện thời tiết không thuận lợi và phải dựng trường quay rất công phu. Bản phim “Ròm” hiện vẫn là ẩn số thì với bộ phim “Thất Sơn tâm linh” sau khi ra rạp được đánh giá là sản phẩm chưa thực sự chỉn chu theo ý đồ của đạo diễn.

Đạo diễn Trần Thanh Huy từng chia sẻ về đam mê nghệ thuật của mình. Anh cho biết, mục tiêu của một nhà làm phim trẻ là muốn kể câu chuyện của mình. Đó là lý do anh theo đuổi “Ròm” và quyết tâm thực hiện nó bởi nó phần nào là câu chuyện của chính gia đình anh, của những người anh từng gặp. “Cuộc sống luôn tồn tại hai mặt, sáng và tối. Có nhà làm phim muốn kể những câu chuyện tươi sáng nhưng cũng có người muốn mổ xẻ những góc tối. Suy cho cùng đều là nghệ thuật và nghệ thuật thì cần sự đa dạng. Tôi tin khán giả nào xem Parasite (Ký sinh trùng, bộ phim đạt giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes 2019) của Hàn Quốc lại nghĩ tiêu cực về đát nước này. Điều quan trọng chúng ta đủ can đảm nhìn vào mặt trái để tốt hơn không mà thôi”. Có một điều bất ngờ, nam diễn viên đóng vai cậu bé “Ròm” cũng chính là em trai ruột của anh là Trần Anh Khoa.

Trước đây, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp từng lâm vào cảnh tương tự khi mang “Đập cánh giữa không trung” tranh tài tại LHP quốc tế Venice năm 2014. Cô đã có cuộc gặp với đại diện Hội đồng duyệt và thông báo 5 điểm cần thay đổi và chỉnh sửa. Trường hợp của “Ròm” thì khác, nhà sản xuất buộc phải rút phim tranh giải. Qua sự việc trên, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp trăn trở, chính sự chần chừ trong việc cấp phép cho các dự án nghệ thuật đã lấy đi cơ hội để điện ảnh Việt Nam tỏa sáng tại sân chơi quốc tế. Một điều nữa, dòng phim độc lập với 100% thiết bị, máy móc, nhân sự, kinh phí đều từ chính nhà sản xuất “bỏ tiền túi” đầu tư nhưng lại gặp khó khăn khi không có cửa trong rạp “quốc nội”. Bởi vậy, con đường cho dòng phim độc lập chính là hành trình chinh chiến tại các LHP quốc tế mà hầu hết đều đạt giải thưởng cao trước khi chính thức được phát hành trong nước.

Đạo diễn Phan Đăng Di cũng từng đứng nhìn “đứa con tinh thần” của mình là “Chàng dâng cá, nàng ăn hoa” bất ngờ phải rời lịch chiếu mặc dù đã có lịch phát sóng cụ thể trên khung giờ 22g trên HBO ngày 10-11-2019. Lý do hoãn chiếu là phải cắt một số cảnh nóng được cho là chưa phù hợp với kênh phát sóng rộng rãi trên truyền hình. Trở lại câu chuyện kiểm duyệt phim, đạo diễn Phan Đăng Di cho hay, đã đến lúc chúng ta cần một cơ chế đối thoại rõ ràng, giữa Cục Điện ảnh và người làm phim. Thời điểm này chúng ta phải tiến tới công nhận quyền sáng tạo và tự do biểu đạt, trừ trường hợp đó là những phim nguy hiểm.

Đó là tiếng nói của những nhà làm phim trẻ, tuy nhiên, để điện ảnh Việt phát triển và vươn xa quốc tế, rất cần thiết là sự đối thoại cởi mở giữa đơn vị quản lý và nhà làm phim. Điều quan trọng, Luật Điện ảnh sửa đổi cũng cần cụ thể hơn, thậm chí đến chi tiết, cảnh tình huống của phim để việc vận dụng luật tốt hơn, tránh gây tranh cãi không đáng có.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/phim-rom-duoc-cap-phep-ra-rap-da-giai-bai-toan-cho-nhung-nha-lam-phim-doc-lap-197902.html