Phim nghệ thuật Việt khó có 'cửa' trên thị trường

Trong các liên hoan phim quốc tế danh giá gần đây, ở các hạng mục kể cả phim ngắn, tên các đạo diễn Việt không được xướng tên. Trong số các phim Việt ra rạp mấy năm trở lại đây, chỉ thấy phim thương mại với mục đích doanh thu là chính. Ngay cả các đạo diễn, nhà sản xuất Việt từng làm phim nghệ thuật, giờ cũng chuyển sang làm phim thương mại.

Cảnh phim “Song Lang” ảnh do ĐLP cung cấp.

Cảnh phim “Song Lang” ảnh do ĐLP cung cấp.

Làm nghệ thuật để “đổi món”?

Sau một “Song Lang” - một phim chính kịch lấy đề tài về nghệ thuật cải lương Nam Bộ” - giành Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam, một “Cô Ba Sài Gòn” - thuộc dòng nghệ thuật ca ngợi vẻ đẹp của tà áo dài Việt, thắng giải Cánh diều Vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam, “đả nữ” Ngô Thanh Vân với vai trò nhà sản xuất trở lại với một phim thương mại “Hai Phượng” và sau khi thắng lớn với doanh thu 200 tỉ đồng, thì chuyển sang làm tiếp “Thanh “sói” - một phim hành động “bom tấn”.

Đạo diễn Trần Bửu Lộc của “Cô Ba Sài Gòn” sau này trở thành cái tên “hot” góp mặt trong nhiều phim Việt như “Gái già lắm chiêu 3”, “Tấm Cám chuyện chưa kể”… sau đó làm dự án “Mắt của Quỷ”, rồi phim bộ “Sugar Daddy & Sugar Baby” cho nhà sản xuất Galaxy Play (tên cũ Fim+) là dịch vụ xem phim theo yêu cầu, có bản quyền tại Việt Nam với kho phim bom tấn Hollywood, phim bộ Châu Á và sản xuất nhiều phim bộ Việt độc quyền để thu hút người xem.

Đạo diễn Việt kiều Lê Văn Kiệt sau một phim kinh dị “Ngôi nhà trong hẻm” không thành công, chuyển sang thử nghiệm làm phim nghệ thuật “Dịu dàng” với cuộc sống ngột ngạt của vợ chồng Thiện (Dustin Nguyễn) và Linh (Thanh Tú) được đánh giá tốt và đi tham gia một số Liên hoan phim quốc tế ở Busan (Hàn quốc), Warsaw (Ba Lan) và Rotterdam (Hà Lan) lại quay lại với phim thị trường “Hai Phượng” và sau đó là phim kinh dị “Bóng đè”.

Sau một “Cha cõng con” - phim tác giả theo dòng nghệ thuật, đạo diễn Lương Đình Dũng cũng phải lao vào thị trường với một phim hành động “578: Phát đạn của kẻ điên”. Dù vẫn còn, vẫn làm và vẫn ấp ủ dòng phim nghệ thuật, nhưng Dũng cũng xác định rõ phải đi hai chân, chứ nếu chỉ làm nghệ thuật không thì “vỡ mồm”. Và Dũng bảo sau “578”, phim sau còn thuần túy thương mại hơn.

Tiếc nuối và hy vọng

Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng từng là một cái tên đầy hứa hẹn của điện ảnh Việt nổi lên với “Những cô gái chân dài” (Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam năm 2004, phim tư nhân đầu tiên đoạt giải khi đó), sau làm một phim truyền hình nhiều tập gây “bão” là “Bỗng dưng muốn khóc” với cặp đôi Lương Mạnh Hải, Tăng Thanh Hà…

Nhưng bộ phim khẳng định mạnh mẽ dấu ấn của anh là “Hot boy nổi loạn” - 1 phim giàu cảm xúc, giàu sáng tạo được đạo diễn gạo cội Lưu Trọng Ninh hết lời khen ngợi và đoạt giải.

Tuy nhiên, Vũ Ngọc Đãng lại đi vào con đường thương mại và làm một loạt phim như “Con ma nhà họ Vương”, “Vòng eo 56” và kể cả “Hot boy nổi loạn 2”… Gần nhất anh cùng đạo diễn với Trấn Thành tạo nên một phim “Bố già” với kỷ lục doanh thu trên 400 tỉ đồng. “Bố già” có thể coi là một phim kết hợp giữa thương mại và nghệ thuật và hy vọng đây cũng là bước đà cho Vũ Ngọc Đãng trở lại là mình với bản năng sáng tạo.

Nguyễn Quang Dũng (Dũng “khùng”) con trai cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng là một đạo diễn tài hoa và có khả năng làm đủ mọi thể loại. Anh là “ông vua phòng vé” với những “Mỹ nhân kế”, “Nụ hôn thần chết”, “Giải cứu thần chết”… Phim remake Dũng làm năm 2020 “Tiệc trăng máu” với doanh thu “khủng” trên 175 tỉ đồng Dũng cũng làm một số phim nghệ thuật như “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, “Dạ cổ hoài lang” nhưng không thành công. Người xem chờ đợi Dũng ở bộ phim “Đất rừng phương Nam” với vai trò “2 trong 1” - đạo diễn và nhà sản xuất.

Cơm áo không đùa với dân làm phim

Còn nhớ mấy anh em nhà Charlie Nguyễn từng phải bán nhà để làm phim “Dòng máu anh hùng” để rồi sau đó Charlie Nguyễn chỉ làm những phim giải trí thuần túy như “Để Mai tính”, “Long ruồi”, “Cưới ngay kẻo lỡ”, “Tèo em”, “Fan cuồng”, “Chàng vợ của em”…

Trong phim của Charlie Nguyễn có phim có cảnh hài rẻ tiền nhưng cũng có những cảnh giàu cảm xúc nhân văn cho thấy anh hoàn toàn có khả năng làm phim nghệ thuật nhưng vấn đề là anh không chọn con đường đó.

Đạo diễn Victor Vũ từng làm bao phim khuynh đảo các phòng vé, từng cố gắng kết hợp chất nghệ thuật và thương mại trong “Thiên mệnh anh hùng”, “Scandal - Bí mật thảm đỏ” … nhưng không phải phim nào cũng thành công, sau dồn sức hoàn toàn vào phim thị trường như “Quả tim máu”, “Lôi báo”.

Một đạo diễn Việt kiều khác là Lưu Huỳnh, với “Áo lụa Hà Đông”, “Huyền thoại bất tử”, “Hiệp sỹ mù”… sau này cũng thỏa hiệp làm phim “Hy sinh đời trai” từng nói: “Nếu muốn lỗ vốn thì đi làm phim nghệ thuật, còn muốn doanh thu thì đi làm phim hài”.

Còn một số đạo diễn chuyên làm phim độc lập, phim tác giả thì cũng rất ít người đủ sức và đủ tiền để theo đuổi dòng phim này, có đạo diễn khá tên tuổi giờ phải đi làm phim truyền hình mấy chục tập ở phía Nam để kiếm sống.

Khi trả lời phóng viên tạp chí Văn hóa nghệ thuật (Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch”, đạo diễn, NSƯT Vinh Sơn có nói “Cũng khó trách khi các đạo diễn đi theo xu hướng làm phim giải trí khi mà phần lớn các bộ phim nghệ thuật được đầu tư lớn bị thua lỗ. Sự kém mặn mà của thị trường với dòng phim nghệ thuật khiến các nhà đầu tư chùn tay không dám đầu tư những dự án phim mà theo họ là khó thu hồi vốn. Đây không chỉ là vấn đề ở thị trường phim Việt mà các nền điện ảnh đều có hiện tượng này”.

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/phim-nghe-thuat-viet-kho-co-cua-tren-thi-truong-3191253.html