Phim mới, vấn đề cũ

Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 21 đã bắt đầu vòng khởi tranh tại TP Vũng Tàu với tâm điểm là 16 bộ phim. Cũng như các kỳ LHP trước, giới mộ điệu lại đoán già đoán non về chủ nhân các bông sen vàng mới, cố gắng nắm bắt, nhận diện toàn cảnh điện ảnh nước nhà trong xu hướng tốc độ tăng trưởng thị trường mỗi năm khoảng 20%-25%, một kỷ lục nếu so với truyền hình đang mất dần khán giả.

Trước nhất, đáng ghi nhận là sự xuất hiện vào phút chót của 2 bộ phim truyện Hợp đồng bán mình của hãng phim Giải Phóng (TPHCM) và Truyền thuyết quán Tiên (do 3 công ty điện ảnh tư nhân tại Hà Nội hợp tác sản xuất), nâng tổng số phim do nhà nước tài trợ lên con số 4, chiếm 1/4 số phim dự tranh giải. Trước đó, dư luận đã lùm xùm chuyện không thể giải ngân số tiền khoảng 300 tỷ đồng do nhà nước đặt hàng để phục vụ nhiệm vụ cho 2 năm 2018 và 2019.

Nguyên nhân có nhiều, nhưng chính yếu vẫn là từ phía Cục Điện ảnh và ở phía Bộ Tài chính với sự chặt chẽ, khắt khe, kiểm soát từng đồng của khoản tiền dành cho các dự án điện ảnh. Về kinh phí, ban đầu số tiền bố trí để sản xuất 8 bộ phim truyện theo kế hoạch năm 2018 là 155 tỷ đồng, nhưng sau đó đã bị rút xuống còn hơn 114 tỷ đồng và cuối cùng là “không có gì”, vì khâu thẩm định xét chọn kịch bản phim không đúng thủ tục quy định. Năm 2018, nhà nước bỏ ra 70% kinh phí để hợp tác với Galaxy sản xuất bộ phim Thạch Thảo với nhiều hy vọng về tầm ảnh hưởng cũng như doanh thu, nhưng rồi Thạch Thảo đã thất bại tại phòng vé và được coi là phim kém cỏi trong số phim dự giải Cánh diều năm 2019 do Hội Điện ảnh tổ chức. Rồi tham vọng lặp lại chiến tích của phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh năm 2015 cũng đã tan thành mây khói để trở lại nguyên hình về một dòng phim “cúng cụ”, chiếu cho có, không tính đến doanh thu. Cũng cần nhắc lại, vào năm “hoa vàng”, khi phim thắng lớn tại phòng chiếu, Cục Điện ảnh đã ngỡ ngàng, tròn mắt vì thành công ngoài sức tưởng tượng và thậm chí còn không biết ăn chia ra sao với Phương Nam, đơn vị hợp tác sản xuất về số tiền lãi trừ ra sau khi tính toán mọi chi phí sản xuất và phát hành. Và liệu 2 phim Truyền thuyết quán Tiên Hợp đồng bán mình - 2 bộ phim được đánh giá tốt về chất lượng nghệ thuật - có làm chao đảo phòng vé hay không thì vẫn còn là ẩn số. Chỉ biết rằng dòng phim giáo dục truyền thống, giáo dục chủ nghĩa yêu nước, mang tính dân tộc, thấm đẫm nhân văn vẫn hết sức cần thiết trong mọi thời. Và thật ra số tiền 300 tỷ đồng, tính ra chưa tới 15 triệu USD cũng chỉ bằng phân nửa kinh phí Nhà nước Nga bỏ ra cho đạo diễn S. Bondarchuk thực hiện bộ phim sử thi Stalingrad (phim thu tới hơn 70 triệu USD chỉ riêng tại Nga và Trung Quốc). Cho nên, kết hợp giữa nhiệm vụ chính trị và tính thương mại chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nhân lực đủ sức tạo kịch bản hay, đòi hỏi tay nghề của đạo diễn, diễn viên, hậu kỳ…

Thứ hai, một câu hỏi đương nhiên đặt ra: công nghệ điện ảnh nước nhà đứng ở đâu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0? Thật khó nói nếu so với Thái Lan thì ta theo sau ở một khoảng cách tương đối. Chúng ta đã chuyển mình khi số hóa từ tiền kỳ đến hậu kỳ và đến nay sản xuất phim kỹ thuật số đã là chuyện bình thường, bắt buộc với người làm điện ảnh. Nhưng kỹ xảo vẫn là “gót chân Asin”, và sự lạc hậu với các nền điện ảnh tiên tiến có thể tính bằng đơn vị chục năm. Thực tế cho thấy trong hơn 500 doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh, sản xuất phim thì chỉ có 10- 15 đơn vị có làm phim chiếu rạp, số còn lại chủ yếu sản xuất các chương trình truyền hình, quảng cáo. Mà miếng bánh doanh thu phim chiếu rạp cũng cỡ 3.500 tỷ đồng, thì lại gần như khoán trắng cho các đối tác nước ngoài. Sự yếu kém này bắt đầu - cũng như các ngành kinh tế khác - từ giáo dục, từ khâu đào tạo nguồn nhân lực. Điều dễ thấy là tại các trường nghệ thuật, các đạo diễn, diễn viên điện ảnh tương lai phải học trong điều kiện… phi điện ảnh, khi học không đi đôi với hành, học lý thuyết - mà như ta hay nói - “học chay” là chủ yếu, học với các thiết bị và lối tư duy cũ kỹ. Đó cũng là cản trở lớn nhất khi chúng ta thực hiện chủ trương xây dựng một nền điện ảnh tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Thứ ba, không thể không nói đến khâu kiểm duyệt phim nay đã lỗi thời, không theo kịp bước tiến của thời hội nhập, phần nào làm thui chột tư duy sáng tạo, nhất là của các đạo diễn trẻ.

Thứ tư và thứ năm và thứ n…- vẫn là những vấn đề cũ được nêu ra trong các kỳ LHP. Và LHP lần này, vẫn hy vọng sự đột phá…

BÍCH AN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/phim-moi-van-de-cu-630379.html