Phim lấy chủ đề tình yêu đồng tính tại Việt Nam: Bao giờ hết bi kịch?

Bi kịch vẫn là cái kết phổ biến nhất trong các bộ phim lấy đề tài tình yêu đồng tính tại Việt Nam. Điều đó không khó hiểu vì kết thúc buồn thường để lại nỗi ám ảnh cho người xem, đồng thời phản ánh một xã hội chưa hoàn toàn mở lòng với cộng đồng LGBT.

Tình yêu đồng tính, cộng đồng LGBT thường được thể hiện qua cái nhìn dị thường trên màn ảnh rộng. Nếu không phải những vai diễn hài, lố, thái quá trong các phim điện ảnh, người ta lại thấy người đồng tính sống cuộc đời gai góc, trái ngang. Bi kịch vẫn là cái kết phổ biến nhất trong các bộ phim lấy đề tài tình yêu đồng tính tại Việt Nam. Điều đó không khó hiểu vì kết thúc buồn thường để lại nỗi ám ảnh cho người xem, đồng thời phản ánh một xã hội chưa hoàn toàn mở lòng với cộng đồng LGBT.

Trên thế giới, chủ đề tình yêu đồng tính cũng từng được thể hiện gai góc qua vô vàn bộ phim. Tác phẩm Bridegroom từng khiến khán giả đại chúng rùng mình bởi sự kỳ thị và bạo liệt từ chính những bậc cha mẹ người đồng tính. Người bố thậm chí kề súng vào đầu và tấn công con trai mình chỉ vì anh là gay. Thế nhưng, đó không phải cách thể hiện duy nhất của những tình yêu khác biệt trong xã hội.

“Tại sao người đồng tính phải come out?”, câu hỏi của Simon trong Love, Simon khiến khán giả đại chúng phải suy nghĩ. Cậu cho rằng điều đó “không công bằng”. Sống đúng với bản thân mình không phải lời thú nhận, càng không phải lời thú tội. Cộng đồng người đồng tính sẽ không bao giờ nhận được “sự bình đẳng” mà người ta vẫn thường rao giảng, nếu chính bản thân họ (và những người xung quanh) cho rằng cộng đồng LGBT cần thương cảm, che chở và lấy lại tiếng nói.

Đã có những bộ phim đẹp đẽ và trong sáng như Call Me by Your Name. Tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết Call Me by Your Name của nhà văn André Aciman, được cầm trịch bởi đạo diễn James Ivory nhận được sự đón nhận mạnh mẽ từ cả khán giả đại chúng lẫn giới chuyên môn. Phim nằm trong danh sách đề cử Oscar năm 2018. Không lâu sau đó, phim Love, Simon cũng ra đời và trở thành hiện tượng trên các phương tiện truyền thông thế giới và Việt Nam.

Tình yêu rực rỡ trong “Call Me by Your Name”.

Trước đó, đã có những sản phẩm cùng đề tài thuộc đủ thể loại: từ phim điện ảnh đến phim ngắn, phim chiếu mạng được khán giả đón nhận. Phim chiếu mạng Thượng Ẩn của màn ảnh nhỏ Trung Quốc gây rúng động cộng đồng mạng châu Á và Việt Nam, trở thành bệ đỡ hoàn hảo cho hai tên tuổi Hứa Ngụy Châu và Hoàng Cảnh Du. Không lên gân, không bi kịch, các tác phẩm cứ thể chinh phục người xem bằng câu chuyện nhẹ nhàng, giản đơn.

Tình yêu đồng tính qua đó tiếp cận khán giả đại chúng theo cách nhẹ nhàng nhưng lôi cuốn. Theo dòng cảm xúc hoàn toàn tự nhiên, người xem chấp nhận sự kết nối của những mảnh ghép hoàn toàn đối lập: thiếu gia Hoàng Cảnh Du sống tự do, lạnh lùng, cậu học sinh Hứa Ngụy Châu hiền lành nhưng nghiêm túc; thiếu niên mới lớn Elio trong sáng, mong manh và chàng sinh viên 24 tuổi Oliver chủ động, phóng khoáng.

Những nhân vật không phải gồng mình lên trước sự kỳ thị của xã hội. Họ đơn thuần đón nhận tình yêu và tìm đến sợi dây thấu cảm với nhau và với những người thân xung quanh mình.

Phim học đường “Love, Simon”.

Giống như trong tiểu thuyết gốc của phim Call Me by Your Name, cha của Elio từng nói: “Hầu hết mọi người cứ như là có hai cuộc đời để sống vậy, một làm nháp, một hoàn chỉnh, rồi mọi phiên bản khác ở giữa. Nhưng chỉ có một mà thôi, trước khi con kịp nhận ra thì tim con đã mòn mỏi, còn thân thể con thì sẽ đến lúc chả ai thèm nhìn nữa chứ đừng nói là tới gần. Ngay lúc này thì có sầu khổ đó. Cha không ghen tị với nỗi đau. Nhưng cha ghen tị với nỗi đau của con”.

Trên màn ảnh rộng Việt Nam, những tác phẩm cùng đề tài vẫn chưa thoát khỏi góc nhìn bi kịch, thậm chí, người đồng tính thường bị gắn vào những vấn nạn gai góc như mua dâm, bán dâm. Thường không có nhân vật nào thoát khỏi số phận bế tắc. Hay trong phim Song Lang, mối tình chóng vánh giữa Dũng “thiên lôi” (Liên Bỉnh Phát) và Linh Phụng (Isaac) cũng khép lại bằng chết chóc. Phim thua lỗ tại phòng vé dù được giới mộ điệu hết lời khen ngợi.

“Thưa mẹ con đi” là niềm hy vọng mới.

Mới đây, dự án Thưa mẹ con đi của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh được khán giả đại chúng chú ý. Phim nhanh chóng ghi điểm trong lòng công chúng nhờ những thước phim đẹp và thơ. Ngoài ra, màu sắc tươi sáng của phim cũng hứa hẹn về một tác phẩm lấy đề tài tình yêu đồng tính bớt lên gân và bi kịch hơn. Tuy vậy, xây dựng một bộ phim đơn giản nhưng vẫn đủ lôi cuốn là điều không dễ dàng. Bên cạnh đó, diễn xuất của hai gương mặt trẻ Lãnh Thanh và Võ Điền Gia Huy trong chủ đề lạ lẫm này cũng khiến khán giả đặt hoài nghi.

Xã hội ngày càng mở lòng với những cá nhân “sống thật”. Người đồng tính không phải chỉ để mua vui hay lấy nước mắt trên màn ảnh rộng. Một bộ phim về tình yêu giữa những người đồng tính không nhất thiết phải gai góc, bi kịch, khơi gợi sự thương cảm từ khán giả. Bởi một chuyện tình giữa hai người con trai/con gái có nhiều thứ đáng để nói hơn thế.

Grassie

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/phim-lay-chu-de-tinh-yeu-dong-tinh-tai-viet-nam-bao-gio-het-bi-kich-5578373.html