Phim kinh dị mới nhất của Netflix - 'Cam': Đâu là ranh giới giữa thực và ảo?

Ngoài việc là một camgirl chấp nhận đối mặt với bao nỗi hiểm nguy và tủi nhục, bên trong Alice là tâm hồn nghệ sĩ đang vẽ lên cho mình một nhân cách hoàn toàn khác. Bộ phim kinh dị của Blumhouse Productions được chiếu trên Netflix - 'Cam' đã khiến người xem 'thật ảo lẫn lộn'.

Lần đầu tiên nghe nhân vật nữ chính camgirl Alice (do Madeline Brewer thủ vai) cất giọng chào khán giả trong một video của cô trên trang chat online FGL, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy rùng mình. Vui vẻ nhưng bí ẩn, câu chữ ngắn gọn nhưng đủ mời gọi, giọng nói đặc biệt và vẻ đẹp của cô đã thu hút một lượng kha khá người xem - những người sẵn sàng “tặng” cho Alice những đồng xu sau khi được thưởng thức màn trình diễn của cô qua màn hình.

Poster rùng rợn của bộ phim kinh dị “Cam” được công chiếu trên Netflix vào ngày 16/11 vừa qua

Poster rùng rợn của bộ phim kinh dị “Cam” được công chiếu trên Netflix vào ngày 16/11 vừa qua

Dù là bộ phim đầu tay của đạo diễn Daniel Goldhaber và biên kịch Isa Mazzei - một cựu camgirl, Cam được đánh giá là tác phẩm kinh dị đáng xem đến từ Netflix. Một điểm sáng ở Cam là bộ phim đã dựng nên thành công hình ảnh camgirl một cách chân thực trong thời buổi mà từng chi tiết nhỏ cũng có thể gây ảnh hưởng đến một bộ phim. Và việc đó phải càng được chuẩn bị kĩ lưỡng hơn vì hiện nay người xem có thể tìm kiếm mọi thông tin chỉ trong tích tắc. Đặc biệt là đối với lĩnh vực không mấy quen thuộc như thế giới webcam 18+, những thông tin xoay quanh độ chân thực của bộ phim càng dễ gây tò mò.

Trailer phim “Cam”.

Ngoài việc là một camgirl chấp nhận đối mặt với bao nỗi hiểm nguy và tủi nhục, bên trong Alice là tâm hồn nghệ sĩ đang vẽ lên cho mình một nhân cách hoàn toàn khác. Đứng trước camera, cô hóa thân thành Lola quyến rũ và sang trọng dưới ánh đèn neon tím mờ ảo.

Thiết bị và đèn đóm được Alice chuẩn bị công phu để vào vai cô camgirl Lola nổi tiếng

Cam dành 30 phút đầu để cuốn khán giả vào cuộc sống của Alice, nàng camgirl sẵn sàng làm đủ chiêu trò, thậm chí giả vờ rạch cổ để câu view và lọt vào top 50 tài khoản hot nhất FGL. Chúng ta nhìn thấy Alice block từng người chuyên đi comment quấy rầy cô. Chúng ta dường như cũng ở trong căn phòng đó khi Alice chat video riêng, một đặc quyền vip dành cho những người dùng hay theo dõi và tặng xu. Chúng ta thông cảm với Alice khi cô nhiều lần phải giấu mẹ và em trai về công việc mình đang làm. Và chúng ta rùng mình khi tài khoản FGL của cô bất ngờ bị vô hiệu hóa và không thể truy cập sau lần hợp tác cùng một camgirl khác.

Lola và chiêu trò giả vờ rạch cổ theo yêu cầu khán giả chỉ để câu view

Sau một đêm tỉnh dậy, Alice dường như còn đang mơ khi thấy thông báo mất quyền truy cập vào tài khoản. Nghĩ chỉ là một lỗi hệ thống nhỏ, cô bàng hoàng nhận ra cơn ác mộng thật ra đang ở ngay trước mắt mình - một người phụ nữ trông giống hệt như cô đang vui vẻ giao lưu với người xem trên màn hình, ăn cắp những đồng xu người ta tặng cô và phá vỡ mọi luật lệ nghề nghiệp mà Alice đã tự đặt ra. Từ đơn giản chỉ là lo mất đi nguồn thu nhập, Alice bắt đầu hoảng hốt đối diện với nỗi sợ đánh mất chính bản thân mình. Tưởng tượng ra thì quá ư là rùng rợn, nhưng thật ra đây là phép ẩn dụ cho vấn đề đang trở nên phổ biến hiện nay - người ta sống một cuộc đời hoàn toàn khác trên mạng chỉ để câu like.

Đâu là Alice, Lola hay phiên bản Lola giả mạo?

Nữ diễn viên Madeline Brewer đã thể hiện trọn vẹn khía cạnh dễ tổn thương của cô gái đang làm một công việc không được chính phủ hỗ trợ và xã hội công nhận. Sự yếu đuối đó bị đẩy đến tột cùng khi cả thế giới quay lưng lúc cô gặp khó khăn, từ những người “bạn” trong cộng đồng camgirl đến cảnh sát, chính quyền và cả nhân viên chăm sóc khách hàng của trang mạng xã hội. Lại là một tình huống được lấy cảm hứng từ đời thật, cảm giác bất lực của Alice cũng là khó khăn của những người làm nghề tự do khi cố tự làm chủ cuộc sống của mình. Vì đã bắt đầu câu chuyện một mình, làm việc một mình thì lúc gặp chuyện, họ cũng chỉ có thể tự lực cánh sinh. Hay tệ hơn, với Alice, đây chính là án tử hình.

Một trong những phân cảnh ám ảnh của bộ phim

Ngoài thể hiện nhân vật chính Alice, Brewer đồng thời đảm nhiệm phiên bản online Lola và cả vai phản diện là phiên bản giả mạo của Lola. Dù xuất hiện trong hầu như tất cả khung hình với những cung bậc cảm xúc xoay như chong chóng, nữ diễn viên trẻ đã thể hiện xuất sắc và trơn tru cả ba vai, kể cả khi mạch phim trở nên dồn dập với hàng loạt plot twist nghẹt thở. Bên cạnh đó, đạo diễn Goldhaber còn làm nổi bật ranh giới giữa thế giới thực và ảo bằng sự đối lập giữa ánh sáng tím hồng nổi bật mỗi khi Alice đứng trước màn hình và màu sắc tông tối trong những phân cảnh đời thực.

Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Liệu Alice có tìm lại được chính mình?

Năm 2018 có vẻ là năm của những bộ phim kinh dị/hành động dựa trên thế giới ảo, khi hàng loạt các bộ phim như Unfriended: The Dark Webhay Searching lần lượt gây tiếng vang và nhấn mạnh về những hiểm nguy ẩn nấp sau màn hình. Tuy nhiên, Cam khác biệt vì bộ phim đưa chúng ta đến gần hơn với thế giới của những con người hành nghề mại dâm, cũng như những câu chuyện hay cảm xúc mà bộ phận tưởng chừng như đã bị xã hội bỏ quên này phải trải qua. Đưa người xem đi qua hết plot twist này đến bất ngờ khác, đồng thời mang đến cho họ những thông điệp ý nghĩa, Cam chắc chắn là bộ phim kinh dị nằm trong danh sách phải xem trong tháng 11 này.

Ngọc Trâm

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/phim-kinh-di-moi-nhat-cua-netflix-cam-dau-la-ranh-gioi-giua-thuc-va-ao-4089843.html