Phim Hollywood bị ghẻ lạnh tại Trung Quốc

Trung Quốc ngày càng quyết liệt bảo vệ thị trường nội địa khổng lồ khỏi nội dung Hollywood.

Theo Variety, chỉ 21 tác phẩm Hollywood được phát hành tại Trung Quốc năm 2021, ít hơn nhiều so với hạn ngạch 34 phim được đề ra trong Hiệp định Điện ảnh Mỹ - Trung được ký kết bởi lãnh đạo của hai nước vào năm 2012.

Thỏa thuận từng được xem như bước tiến quan trọng, giúp mở rộng số lượng phim quốc tế mà Trung Quốc sẽ nhập khẩu: 20 phim bình thường, 14 phim định dạng 3D, kỹ thuật số hoặc định dạng đặc biệt khác. Nhờ vậy, tỷ trọng doanh thu phòng vé phim nước ngoài tại Trung Quốc đã tăng từ 13% lên 25%.

Tuy nhiên, khi thỏa thuận đã hết hạn, điều khoản mới trong bàn đàm phán năm 2017 lại trái ngược với số phận hiện tại của các tựa phim nước ngoài ở thị trường Trung Quốc.

Nỗ lực tạo ảnh hưởng lên thị trường Trung Quốc

Tuy doanh thu thụt lùi so với trước, Trung Quốc vẫn là thị trường phim ảnh lớn nhất thế giới trong năm 2020 và 2021 nhờ sớm phục hồi kinh tế sau đại dịch. Chưa kể, Trung Quốc đang tập trung toàn bộ nguồn lực phát triển thị trường nội địa trong kế hoạch 5 năm, từ 2021 đến 2025.

"Tác phẩm trong nước chiếm lĩnh thị trường do nguồn cung cấp và phát hành phim Hollywood đã giảm, kèm theo đó là sự kiểm soát gắt gao của chính phủ đối với điện ảnh", Variety viết.

Điều này đồng nghĩa các phim gặp rắc rối chính trị như Eternals, Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings... không được cấp phép phát hành. Loạt phim Hàn Quốc và Ấn Độ cũng vất vả trong việc tiến vào thị trường xứ Trung.

Jean Prewitt, người đứng đầu Liên minh Điện ảnh và Truyền hình độc lập (IFTA), phát biểu: "Thị trường Trung Quốc đầy rẫy rào cản, khó để chúng tôi tiếp cận. Trước mắt, chúng tôi chờ chính phủ giải quyết thỏa thuận từ năm 2012 cùng những vấn đề phát sinh sau cột mốc đó".

Trung Quốc hạn chế nhập khẩu phim Mỹ kể từ The Fugitive (1994). Đến năm 2009, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) không đồng tình những giới hạn đó, dẫn đến cuộc đàm phán mở rộng hạn ngạch phim nhập khẩu vào năm 2012.

"Hạn ngạch 34 phim của năm 2012 đã bị cắt giảm vào năm 2018 do Cục Điện ảnh Trung Quốc có sự thay đổi trong cách thức vận hành, phân phối phim", nguồn Variety thông tin.

Eternals, Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings khó có cơ hội xuất hiện trên màn ảnh Trung Quốc. Ảnh: Indian Express/The Times.

Eternals, Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings khó có cơ hội xuất hiện trên màn ảnh Trung Quốc. Ảnh: Indian Express/The Times.

Đến 2019, các cuộc đàm phán mới diễn ra với hy vọng nối lại điều khoản trong thỏa thuận, nhưng trên thực tế, tình hình "ngày càng ảm đạm và tiến triển xấu đi" - theo mô tả của người trong nội bộ ngành.

Theo Variety, một số tiến bộ đem đến lợi ích cho Hollywood đã được thực hiện trên mặt trận sở hữu trí tuệ từ tháng 6/2021, khi Luật Bản quyền mới của Trung Quốc có hiệu lực. Thay đổi chính bao gồm tăng gấp mười lần mức phạt đối với hành vi vi phạm bản quyền phim (từ 500.000 NDT lên 787.000 NDT), chuyển nghĩa vụ chứng minh cho người bị cáo buộc vi phạm.

Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi của thỏa thuận năm 2012 vẫn chưa được mổ xẻ. Trong hồ sơ gửi văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) hồi tháng 9/2021, Liên minh sở hữu trí tuệ quốc tế (IIPA) nói cách giải quyết của Trung Quốc chậm trễ và không triệt để.

Trước mắt, IIPA kêu gọi USTR thúc đẩy Bắc Kinh tự do hóa thị trường phân phối phim ở Trung Quốc, tăng thị phần doanh thu phòng vé của các nhà sản xuất Mỹ từ 25% lên mức phù hợp với chuẩn quốc tế, cung cấp quyền kiểm soát đối với lịch phát hành phim cho nhà sản xuất Mỹ, xử lý quy trình kiểm duyệt nhanh chóng và minh bạch hơn, loại bỏ hạn chế đối với số lượng phim trả phí cố định.

IIPA hy vọng quá trình thúc đẩy Bắc Kinh tuân thủ nghĩa vụ mua hàng sẽ giúp chống lại lệnh cấm đối với sản phẩm của Mỹ. Trong điện đàm thương mại song phương Mỹ - Trung tháng 1/2020, Trung Quốc cam kết tăng mua sản phẩm và sử dụng dịch vụ của Mỹ, trong đó có nội dung video.

Cơ hội mong manh của Hollywood

Trong bối cảnh Hollywood đang nỗ lực "mặc cả" với thị trường tỷ dân, nhiều công ty trong ngành lại cho rằng việc đàm phán lại hạn ngạch là vô nghĩa, phản tác dụng.

Phát biểu trên Variety, Chris Fenton - cựu giám đốc công ty truyền thông và giải trí toàn cầu DMG Entertainment - coi nhu cầu của người Trung Quốc đối với nội dung Hollywood là "trò chơi có kết thúc tệ".

"Tôi chưa bao giờ cảm thấy Hollywood có khả năng chiếm được thị phần nhiều hơn. Yêu cầu mở rộng hạn ngạch phim nước ngoài ở Trung Quốc đồng nghĩa với việc họ tự nuốt chửng chính mình", ông Fenton nhận định.

Nhà dân tộc học của điện ảnh Trung Quốc, Philip Fang, chỉ ra rằng việc cung cấp cho Trung Quốc hơn nửa tá phim mỗi năm của xưởng phim Hollywood là quá nhiều.

Ông phát biểu: "Tôi không nghĩ hạn ngạch là vấn đề cốt lõi bởi không phải tất cả phim nhập khẩu đều thu lợi ở Trung Quốc. Bộ phận tiếp thị (ở Trung Quốc) cũng quá bận và không thể đảm nhận nhiều hơn 6 phim Hollywood mỗi năm. Với tôi, mở rộng hạn ngạch chỉ mang tính chiếu lệ".

Spider-Man: No Way Home được kỳ vọng xuất hiện tại rạp Trung Quốc trong thời gian tới. Ảnh: Reddit.

Với việc phim Mỹ chỉ chiếm chưa tới 12% tổng doanh thu phòng vé Trung Quốc năm 2021, Hollywood đang trên đà thất thế. Chỉ có hai tựa phim thu về hơn một tỷ nhân dân tệ (157 triệu USD) năm 2021 - con số thấp nhất trong 7 năm qua.

Đối mặt với thực tế này, các hãng phim Hollywood cần kết hợp lại và thống nhất chung quan điểm. Chỉ có vậy mới cho phép các hãng xây dựng đòn bẩy thúc đẩy tăng doanh thu phòng vé, đẩy lùi vấn đề kiểm duyệt xuyên biên giới và hạn chế về quyền tự do ngôn luận - theo Variety.

"Cơ hội duy nhất là Hollywood phải thống nhất và cử ra đơn vị lãnh đạo. Và đó chỉ có thể là Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPA)", Chris Fenton khẳng định.

Quốc Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phim-hollywood-bi-ghe-lanh-tai-trung-quoc-post1288176.html