Phim hay cũng cần truyền thông tốt

Sự lép vế của phim ảnh trong nước trước phim ngoại là điều thấy rõ trong những năm qua. Không hẳn phim Việt không cạnh tranh lại điện ảnh nước ngoài, chúng ta vẫn có những thước phim điện ảnh hay phim truyền hình chất lượng, tuy nhiên số lượng không nhiều.

Một buổi ra mắt giới thiệu phim

Một buổi ra mắt giới thiệu phim

Ngoài những yêu cầu phải có như: diễn viên, đạo diễn, kịch bản, biên kịch… thì truyền thông cho phim ảnh cũng là điểm đáng lưu tâm để tạo nên sức hút với khán giả và tiếng vang trong giới nghệ thuật.

Không phải ngẫu nhiên mà ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc trở thành số 1 trong khu vực và vươn tầm thế giới. Công nghệ lăng xê cũng là một yếu tố để họ vươn lên dẫn đầu. Những bộ phim gây chú ý gần đây của điện ảnh Hàn Quốc, ngoài yếu tố ngoại hình, diễn xuất của diễn viên hay nội dung kịch bản, có thể thấy truyền thông họ làm rất tốt và bài bản. Bên cạnh mỗi tập phim phát sóng, hàng loạt các bài viết trên mạng xã hội và các trang tin online tóm tắt lại nội dung, trích dẫn những đoạn phim hấp dẫn (best cut), trailer giới thiệu tập sau… Và đặc biệt những yếu tố như bối cảnh, đạo cụ phim hay trang phục diễn viên cũng được truyền thông chú trọng, là điểm nhấn bên lề để thu hút khán giả.

Không chỉ điện ảnh Hàn Quốc, mà phim ảnh Trung Quốc phát sóng trong nước cũng được truyền thông “tô đậm”. Những clip trích các đoạn cao trào trong phim, thậm chí clip chế lại ăn theo nội dung cũng được đầu tư và liên tục trở thành trào lưu “hot” hoặc “tốp thịnh hành” trên mạng xã hội.

Dù hơi cảm tính, nhưng cảm giác ở nước ta, truyền thông mạng dường như ưu ái phim ngoại hơn phim nội. Nhiều trang tin online còn ưu ái dành hẳn những chuyên mục bình luận và giới thiệu phim nước ngoài trước cả phim Việt. Tin, bài, video về các bộ phim nước ngoài đang ăn khách liên tục được cập nhật trong ngày, thậm chí có khi chiếm gần một nửa so với các nội dung khác trong trang tin điện tử.

Nói đến yếu tố khách quan cũng phải nhìn nhận những vấn đề chủ quan, không ít phim Việt dù là điện ảnh hay truyền hình dường như cách làm truyền thông bị sai. Một số dự án phim vừa công bố, dễ thấy liền sau đó là những lùm xùm đời tư của các diễn viên chính trong phim, có thể đó là scandal không mong muốn, nhưng cũng không loại trừ đó là chiêu trò để câu view, vì sao thời điểm lùm xùm lại trùng hợp với thời điểm ra mắt phim? Hay phim truyền hình lên sóng gần một nửa thì phía diễn viên tố nhà sản xuất quỵt cát xê, đạo diễn tố bị chèn ép trong việc casting diễn viên, biên kịch tố kịch bản chỉnh sửa khiên cưỡng… Đã có rất nhiều những lùm xùm như thế xảy ra khiến phim Việt ngày càng thất thế trong mắt khán giả.

Nhiều phim truyền hình tâm lý gia đình, xoay quanh câu chuyện mẹ chồng - nàng dâu gần đây được khán giả đón nhận nhiệt tình, nhưng khi lướt qua Fanpage chính thức của phim khiến người ta không khỏi ngao ngán. Vì chung một nhà sản xuất, nên Fanpage của phim này nhưng nội dung chủ yếu giới thiệu phim khác sắp lên sóng, không có trailer giới thiệu tập mới, cập nhật tập phim vừa phát sóng cũng quá chậm trễ… Nhiều Fanpage phim lập ra chỉ như một lời giới thiệu ngày lên sóng và khung giờ phát sóng, ngoài ra chẳng có gì thu hút sự quan tâm của khán giả hay người dùng mạng xã hội.

Trong thời buổi bùng nổ thông tin, truyền thông đi trước đón đầu luôn tạo ra lợi thế để sản phẩm phim ảnh thu hút được khán giả. Nếu chúng ta cần sự đột phá về diễn viên, đạo diễn, kịch bản… để tạo nên những tác phẩm chất lượng thì cũng cần sự đột phá và tử tế về mặt truyền thông để phim Việt giành được sự ưu ái của đông đảo khán giả ngay từ khi mới bắt đầu công bố dự án.

NGUYỄN KIM THẢO quốc lộ 50, huyện Bình Chánh, TPHCM thaonguyen15…@gmail.com

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/phim-hay-cung-can-truyen-thong-tot-658015.html