Phim hành động mới của Brad Pitt gợi nhắc quái kiệt Quentin Tarantino

Với kịch bản được cài cắm kỹ lưỡng, yếu tố hành động mãn nhãn, 'Bullet Train' xứng đáng nằm trong danh sách tác phẩm điện ảnh đáng xem mùa hè năm nay.

Bullet Train (tựa Việt: Sát thủ đối đầu) do David Leitch, người đứng sau kha khá dự án hành động như John Wick (2014), Atomic Blonde (2017) hay Deapool 2 (2019)… cầm trịch, tác phẩm quy tụ dàn sao nổi tiếng Hollywood gồm Brad Pitt, Michael Shannon, Aaron Taylor-Johnson, Joey King, Hiroyuki Sanada… đồng thời sở hữu cốt truyện hấp dẫn.

Phim mở đầu bằng màn tái xuất giang hồ của Bọ Rùa (Brad Pitt), một sát thủ trung niên lành nghề luôn nghĩ rằng mình bị vận xui đeo bám. Nỗi sợ ấy thậm chí ám ảnh gã đến nỗi phải tìm gặp bác sĩ tâm lý để điều trị chứng rối loạn lo âu.

Sau khi được chứng nhận "đã ổn định", Bọ Rùa quyết định quay lại thế giới ngầm bằng nhiệm vụ mới tưởng chừng không thể đơn giản hơn: Tiếp cận chuyến tàu cao tốc từ Tokyo tới Kyoto, đánh cắp chiếc vali chứa tài liệu quý giá rồi tìm đường chuồn êm. Tuy nhiên, lúc đặt chân lên con tàu, gã bỗng nhận ra nhiều cái tên máu mặt trong làng giết mướn đang hiện diện ở đây lẫn cùng nhắm đến mục tiêu giống mình.

Cách kể gợi nhắc quái kiệt Quentin Tarantino

Với những ai hâm mộ quái kiệt màn ảnh rộng Quentin Tarantino, có thể thấy phim chịu ảnh hưởng lớn bởi phong cách làm phim của vị đạo diễn ấy từ chủ đề, thủ pháp dẫn dắt cho tới sự phối hợp nhuần nhuyễn các yếu tố bố cục, hình ảnh, màu sắc và cả âm nhạc.

 Tác phẩm chịu ảnh hưởng lớn từ phong cách làm phim của Quentin Tarantino.

Tác phẩm chịu ảnh hưởng lớn từ phong cách làm phim của Quentin Tarantino.

Sử dụng lối kể đa tuyến, Bullet Train lần lượt đưa chúng ta khám phá thân thế lẫn động cơ thúc đẩy từng tên sát thủ. Có số lượng nhân vật đông đảo, tác phẩm đã khéo léo chia câu chuyện thành nhiều phần kèm tiêu đề ngắn gọn (tương tự cách chia chương hồi) dựa theo biệt danh/vai trò mà họ đảm nhận như Người Cha (The Father), Bọ Rùa (Ladybug) hay Con Sói (The Wolf)… giúp khán giả dễ dàng nắm bắt.

Ngoài ra, đạo diễn David Leitch còn học hỏi quái kiệt Quentin Tarantino việc chơi đùa với dòng thời gian thông qua cốt truyện phi tuyến tính (non-linear). Xuyên suốt 2 tiếng đồng hồ, tác phẩm thường xuyên chuyển đổi qua lại giữa quá khứ và thực tại, từ đó hé lộ hàng loạt bí mật bất ngờ cũng như xâu chuỗi đường dây tình tiết nhằm chuẩn bị cho bước ngoặt cao trào cuối phim.

Hơn nữa, các trường đoạn giới thiệu nhân vật đều được đầu tư kỹ lưỡng, vừa thú vị vừa khắc họa rõ nét cá tính mỗi người. Nếu màn chào sân của cặp song sát Chanh (Brian Tyree Henry) - Quýt (Aaron Taylor-Johnson) dày đặc hội thoại, Bọ Rùa nhuốm màu giễu nhại châm biếm, thì Con Sói (Bad Bunny) gây ấn tượng mạnh mẽ bởi cảnh hồi tưởng đậm chất điện ảnh trên nền nhạc Mexico réo rắt.

Bữa tiệc hành động hài hước, mãn nhãn

Sở hữu tính khí lập dị, hội sát thủ tại Bullet Train mang tới vô số tràng cười trước lối xử lý vấn đề độc lạ, chẳng giống ai cùng thái độ điềm nhiên, tưng tửng giữa tình thế nghìn cân treo sợi tóc.

Đơn cử, dẫu bản thân hành nghề giết mướn, nam chính Bọ Rùa lại rất ngại lấy mạng kẻ khác, luôn trăn trở về chuyện tìm kiếm sự bình an và thanh thản nơi tâm hồn. Trong khi đấy, “cặp song sinh” khác cả cha lẫn mẹ Chanh - Quýt cho thấy vẻ đối lập giữa một Quýt ăn mặc lịch thiệp, bảnh bao nhưng thích giao tiếp bằng nắm đấm trái ngược hẳn thanh niên da màu Chanh sẵn sàng thương lượng, nói rõ phải trái.

Bên cạnh đó, việc khai thác hợp lý kỹ thuật phản cao trào (anti-climax: Những tình huống tưởng chừng sẽ rất căng thẳng, kịch tính song lại có kết cục "trớt quớt") càng giúp yếu tố hài hước trong phim thêm phần đặc sắc. Ví dụ tiêu biểu về kỹ thuật này là cảnh nhà thám hiểm Indian Jones đụng độ tay kiếm ở Raiders of the Lost Ark (1981), hồi 3 của Kill Bill Vol.2 (2004) hay No Country for Old Men (2007)…

Bullet Train có khá nhiều trường đoạn hành động bạo lực mà mãn nhãn.

Dưới bàn tay của đạo diễn David Leitch, chất hành động xuyên suốt Bullet Train ghi điểm bởi mức độ bạo lực (nhãn R) cộng khâu biên đạo võ thuật đẹp mắt. Vì lấy bối cảnh chuyến tàu cao tốc Shinsanken vốn có thật ngoài đời, những pha đối đầu, đánh đấm xuyên suốt tác phẩm đều diễn ra ở không gian hẹp, tận dụng tối đa mấy đồ vật xung quanh làm vũ khí đánh trả đối phương.

Chưa kể, các cú máy tạo hiệu ứng thị giác và âm nhạc cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng tầm trải nghiệm hành động lẫn khuếch đại cảm xúc nhân vật. Với hàng loạt bản hit kinh điển được nhấn nhá đúng lúc đúng chỗ như Stayin’ Alive, 500 Miles, Holding Out for a Hero (phiên bản Nhật hóa), bộ phim đảm bảo chinh phục những đôi tai sành nhạc.

Kịch bản không thừa không thiếu

Chỉ cần chừng đó điểm sáng, đứa con tinh thần do David Leitch cầm trịch đã quá đủ để đáp ứng nhu cầu giải trí. Tuy nhiên, tác phẩm còn đi xa hơn thế nhờ phần kịch bản lớp lang, chẳng bỏ sót bất kỳ chi tiết nào.

Cứ ngỡ nội dung Bullet Train chỉ xoay quanh việc giành giựt một món hàng giữa mấy tên giết mướn. Thế nhưng, càng trở về sau, câu chuyện càng mang tới nhiều pha bẻ lái ấn tượng khi hé lộ hàng loạt âm mưu phức tạp, chồng chéo. Trái ngược anh chàng Bọ Rùa xui xẻo, mỗi tay sát thủ đều tiếp cận chiếc vali với động cơ khác nhau.

Chưa dừng lại ở đấy, các tình tiết trong phim còn được cài cắm kỹ lưỡng đúng theo nguyên tắc "khẩu súng của Chekhov" (Chekhov’s Gun): Mọi thứ xuất hiện trên màn ảnh đều có mục đích lẫn ý đồ cụ thể, phục vụ cho việc thúc đẩy diễn biễn hoặc gỡ nút thắt.

Bởi vậy, hành trình dở khóc dở cười mà nam chính Bọ Rùa phải nếm trải làm khán giả khó lòng rời mắt vì sợ bỏ lỡ những nội dung quan trọng, cũng như tò mò về bất ngờ nào sắp sửa ập đến hay cái tên nào chuẩn bị bỏ mạng tiếp theo.

Kịch bản phim gây ấn tượng bởi sự chặt chẽ và có những pha lật kèo ấn tượng.

Bullet Train nhìn chung ít khiếm khuyết, ngoại trừ tiết tấu hơi chậm và dày đặc các đoạn đối thoại ở 15 phút thiết lập đầu phim.

Cốt truyện không quá mới mẻ lẫn vay mượn nhiều nét đặc trưng từ quái kiệt Quentin Tarantino, nhờ mọi phương diện đều được chăm chút tỉ mỉ, đạo diễn David Leitch đã chứng minh mình vẫn đủ sức tạo nên một đứa con tinh thần chất lượng, giàu tính giải trí.

Lưu ý, tác phẩm có 2 vai khách mời (cameo) cùng một đoạn post-credit cực kỳ thú vị.

Khánh Đặng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phim-hanh-dong-moi-cua-brad-pitt-goi-nhac-quai-kiet-quentin-tarantino-post1343209.html