Phim Hàn Quốc: Nguồn thu khổng lồ từ những kỷ lục như 'Hạ cánh nơi anh'

Từ sức hút của phim 'Hạ cánh nơi anh' hay 'Ký sinh trùng', khán giả đã kéo đến phim trường để tham quan, check-in. Các tour du lịch cũng lập tức được thiết lập để thu hút khách du lịch từ khắp nơi.

Phim trường “Bản tình ca mùa đông” đã thu hút rất nhiều khách du lịch. Ảnh: TL

Phim trường “Bản tình ca mùa đông” đã thu hút rất nhiều khách du lịch. Ảnh: TL

Hiệu quả "kép" từ phim

Đây là hiệu ứng thường thấy mỗi khi có một bộ phim Hàn Quốc gây tiếng vang. Từ năm 1990, sau hiệu ứng quá lớn từ phim "Bản tình ca mùa đông", chính phủ Hàn Quốc đã xác định, đây sẽ là ngành công nghiệp "đẻ trứng vàng" cho việc phát triển kinh tế và du lịch nước này.

Đảo Nami, điểm quay chính của phim "Bản tình ca mùa đông", cách thủ đô Seoul 60 km. Đây từng là một nơi yên tĩnh và ít khách lui tới, do việc di chuyển bằng thuyền ra đây khá bất tiện. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn từ khi phim "Bản tình ca mùa đông" được quay tại đây và trở nên nổi tiếng khắp châu Á. Hiện tại, Nami được xem là một trong những điểm đến mà khách du lịch Hàn Quốc và nước ngoài yêu thích nhất, với trung bình 1 triệu người nước ngoài đến thăm hòn đảo mỗi năm.

Theo thống kê của các trung tâm nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc hồi năm 2004, thành công của loạt phim này đã mang lại cho nền kinh tế xứ kim chi 3.000 tỷ won (2,27 tỷ USD), trong đó 840 tỷ won cho ngành du lịch, 20 tỷ won doanh thu từ các cuốn sách ảnh của Bae Yong Joon và 10 tỷ won từ các cuốn lịch có hình ảnh anh.

Mới đây nhất, phim "Hạ cánh nơi anh" trở thành bộ phim truyền hình ăn khách nhất trong lịch sử đài tvN cũng đã mang lại nguồn thu khổng lồ cho các sản phẩm kèm theo. Chẳng hạn, nhạc phim do IU thể hiện thống trị vị trí số 1 trên tất cả các bảng xếp hạng âm nhạc Hàn Quốc. Được biết, "I Give You My Heart" là ca khúc thứ hai đạt được thành tích này.

Phim trường quân thôn, nơi bắt đầu chuyện tình của đại úy Triều Tiên Ri Jung Hyuk và nữ tài phiệt Hàn Quốc Yoon Se Ri đã thu hút hàng nghìn du khách đến thăm quan và chụp hình.

Sau khi giành hàng loạt các giải thưởng quốc tế và nhất là kỳ tích đoạt 4 tượng vàng danh giá tại Oscar 2020, từ tháng 12/2019, tour khám phá các địa điểm quay phim "Ký sinh trùng" đã được chính quyền thành phố Seoul giới thiệu trên trang Du lịch Seoul, thu hút hơn 60.000 lượt truy cập. Sau đó, chính quyền thành phố Seoul đã lên kế hoạch hình thành tour du lịch kết nối những địa điểm quay các tác phẩm khác của đạo diễn Bong Joon-ho như: "Quái vật sông Hàn", "Hồi ức kẻ sát nhân" hay "Okja".

Những bộ phim có cảnh quay đẹp như mơ trước đó như "Hậu duệ mặt trời", "Vì sao đưa anh tới"… cũng ngay lập tức được công chúng yêu thích và khao khát được tới. Các cảnh quay ở nước ngoài như Hy Lạp, Thụy Sỹ cũng nhờ thế được hưởng lợi từ khán giả xem phim không chỉ Hàn Quốc mà còn ở Trung Quốc, Nhật Bản. Diễn viên nam chính Song Joong Ki sau đó còn trở thành đại sứ du lịch Hàn Quốc do sức ảnh hưởng mạnh mẽ của anh vượt ra ngoài biên giới.

Các đơn vị tổ chức tour nhận định thêm rằng một bộ phim truyền hình có tác động lớn hơn đối với ngành công nghiệp du lịch trong nước so với nước ngoài vì những điểm đến trong nước dễ tiếp cận hơn.

Năm 2011, Hàn Quốc đã thu hút hơn 8,8 triệu du khách nước ngoài nhờ vào thành công của các bộ phim truyền hình – đó thực sự là những con số đáng mơ ước đối với bất kỳ quốc gia nào. Hàn Quốc giờ đây trở thành điểm đến đầu tiên của du khách Trung Quốc, đứng trước Hồng Kông và Ma Cao (Trung Quốc). Không những thế, từ làn sóng văn hóa Hàn Quốc còn thu hút lượng du học sinh đến du học trên quần đảo này ngày càng đông. Tính từ năm 2001, số du học sinh nước ngoài tăng đều đặn khoảng 27% mỗi năm.

Phim Việt chưa tận dụng sản phẩm "đính kèm"

Tại Việt Nam gần đây bắt đầu nhận thấy giá trị to lớn từ việc gắn du lịch với phim ảnh và học hỏi từ cách làm của Hàn Quốc. Khi bộ phim "Kong: Đảo đầu lâu" chọn bối cảnh ở Ninh Bình để quay, ngành du lịch tỉnh này đã dựng "ngôi làng thổ dân" để thu hút khách đến thăm quan. Cách làm mới mẻ này đã đem lại nguồn thu lớn cho đơn vị khai thác và nguồn lợi từ du lịch của tỉnh Ninh Bình.

Nhưng hiệu quả nhất phải kể đến phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh". Với doanh thu 78 tỷ đồng từ việc bán vé, phim còn thu hút một lượng lớn khách du lịch đến với Phú Yên. Theo một thống kê, trước khi có bộ phim này, tốc độ tăng trưởng ngành du lịch Phú Yên chỉ 12%-13%, từ sau khi bộ phim gây tiếng vang, tốc độ tăng trưởng tăng lên trên 25%. Thậm chí, nhiều tour du lịch ở địa phương còn lấy tên bộ phim đặt cho tên tour để thu hút du khách. Tuy nhiên, xu hướng này vẫn còn khá manh mún, chưa tạo lập thành chủ trương mang tính xuyên suốt để tương hỗ cho nhau, trong khi cơ hội không phải là không có.

Thời gian gần đây, rất nhiều phim truyền hình Việt Nam được khán giả yêu thích, chất lượng nội dung vượt trội nhưng đáng tiếc ở chỗ, sự kết nối với các lĩnh vực khác như du lịch, thời trang, âm nhạc dường như chưa được chú trọng.

Nhìn sang Hàn Quốc, từ phim ảnh đã đưa xứ sở kim chi trở thành trung tâm mua sắm, nghe nhìn của cả châu Á. Có lẽ trong giới kinh doanh thời trang và âm nhạc Hàn Quốc cũng như châu Á thì các tên "Dong De mul" cũng đã trở lên quen thuộc với họ không biết tự bao giờ. Chỉ trong vòng 5 năm, ngành thời trang Hàn Quốc đã cạnh tranh mạnh mẽ và loại bỏ được đối thủ Nhật Bản. Từ phim "Hậu duệ mặt trời" mà các sản phẩm "đính kèm" được quảng bá rất tốt. Các diễn viên mặc gì, dùng gì trên phim thì mặt hàng đó nhanh chóng được săn tìm và trở thành trào lưu trong giới trẻ ngoài đời thực.

Không chỉ vậy Hàn Quốc còn biết đến là một cường quốc về mỹ phẩm. Hiện nay, mỹ phẩm của Hàn Quốc đã vượt mặt Nhật Bản, Thái Lan để trở thành một trong 5 quốc gia có ngành mỹ phẩm phát triển nhất thế giới. Hàng chục các thương hiệu như: DeBon, E100, Biore, DuobleRich… đã trở lên quá quen thuộc với lớp trẻ châu Á và ở cả nhiều quốc gia trên thế giới.

Minh Nhật

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giai-tri/phim-han-quoc-nguon-thu-khong-lo-tu-nhung-ky-luc-nhu-ha-canh-noi-anh-20200221185505767.htm