Phim Hàn khơi dậy sự phẫn nộ

Chính kịch trở thành dòng phim xu hướng tại Hàn Quốc. Dù chưa chạm tới cốt lõi nhiều vấn đề, phim Hàn phản ánh rõ rệt vấn nạn xã hội hiện tại.

Bắt đầu từ các tác phẩm ăn khách thuộc thể loại tâm lý, tình cảm, sau nhiều năm phát triển, phim truyền hình Hàn Quốc dần đạt được danh tiếng và gây dựng vị thế của mình trên thị trường giải trí toàn cầu.

Trong những năm gần đây, tuy phim tình cảm vẫn duy trì độ nổi tiếng, dòng phim chính kịch, giật gân, giả tưởng, phản địa đàng (thể loại phim miêu tả thế giới phát triển theo chiều hướng tiêu cực, dồn ép con người, khiến họ biến chất) đã vươn lên trở thành trào lưu mới tại ngành công nghiệp phim ảnh Hàn Quốc.

Những tác phẩm mang màu sắc u ám, có phần bạo lực này tập trung phản ánh vấn nạn gây nhức nhối xã hội, khai thác nhiều khía cạnh cuộc sống và thể hiện sự đa chiều trong tâm lý con người.

Chính kịch, phản địa đàng vươn lên thành xu hướng tại ngành công nghiệp phim ảnh Hàn Quốc. Ảnh: tvN.

Chính kịch, phản địa đàng vươn lên thành xu hướng tại ngành công nghiệp phim ảnh Hàn Quốc. Ảnh: tvN.

Lý do phim chính kịch thu hút

Thông điệp sâu cay về mặt tối của chủ nghĩa tư bản Hàn Quốc trong Squid Game, sự thất vọng của thế hệ trẻ khi bị xã hội bỏ rơi ở All Of Us Are Dead, hay mối tử thù của nhân vật chính Vincenzo đã khiến khán giả trên khắp thế giới hồi hộp theo dõi, thậm chí thể hiện sự phẫn nộ, bất bình trước cái ác được đề cập trong phim.

Hình ảnh người yếu thế đứng dậy chống lại kẻ nắm giữ quyền lực tại phim Hàn tượng trưng cho nỗi thất vọng và cuộc đấu tranh của mỗi cá nhân trước xã hội đầy rẫy sự bất bình đẳng.

Phim ảnh Hàn Quốc được đánh giá cao ở tính thời sự khi biết cách tận dụng, khai thác bê bối, vấn nạn đang là tâm điểm chú ý của công chúng.

Mang trong mình tính cách hung hãn, tham lam, nhân vật phản diện của phim truyền hình Hàn Quốc thường được chống đỡ bởi chủ nghĩa thân hữu (hành vi thiên vị xảy ra trong kinh doanh hoặc chính trị, ám chỉ hành động giao công việc, vị trí lợi thế cho người quen mà không xét đến năng lực thực sự) và quyền lực, đặc biệt là quyền lực đến từ chênh lệch giàu nghèo. Nắm giữ sức mạnh, họ hiên ngang hành động bất chấp luật pháp, quy tắc đạo lý thông thường.

Chính sự bất bình đẳng đầy quen thuộc này đã thu hút công chúng. Người xem dễ dàng tỏ ra bất bình trước tội ác thô bạo gây ra bởi nhân vật phản diện, đồng thời đồng cảm với nỗi đau khổ của nhân vật trong phim vì trên thực tế, điều bất công họ gánh chịu phản ánh thực trạng xã hội hiện tại.

Phim chính kịch Hàn Quốc phản ánh mặt tối xã hội. Ảnh: Naver.

Vùng xám đạo đức trong phim ảnh

Nội dung u ám, bạo lực ở phim ảnh Hàn Quốc không phải điều gì mới mẻ. Đã gần 20 năm kể từ khi điện ảnh Hàn Quốc bước sang kỷ nguyên mới đầy táo bạo nhờ thành công của Oldboy.

Sau khi tác phẩm mang tính biểu tượng của Park Chan Wook được công chiếu, câu chuyện về quả báo, sự trừng phạt và báo thù trong điện ảnh Hàn Quốc trở nên nhiều không đếm xuể.

Tuy nhiên, bất kể mục đích, lối trả thù tàn bạo của nhân vật chính trong loạt tác phẩm ăn khách ngày xưa như Lady Vengeance, The Man From Nowhere hay The Villainess luôn khiến họ phải trả giá đắt - thường là đánh đổi bằng mạng sống hoặc nhân tính.

Hiện tại, báo thù vẫn là mô-típ được ưa chuộng. Một tác phẩm điển hình trong thời gian gần đây có thể kể đến Vincenzo. Vincenzo xoay quanh Vincenzo Cassano (Song Joong Ki thủ vai), mafia người Italy gốc Hàn buộc chạy trốn về Hàn Quốc sau khi bị truy sát.

Cuối phim, Vincenzo bắt kẻ thủ ác đền tội thông qua phương thức khá bạo lực - tra tấn đến chết, trong đó bao gồm cắt bộ phận cơ thể và thiêu sống. Tuy nhiên, Vincenzo không phải trả giá cho hành động của mình. Anh đồng thời nhận được sự ủng hộ của khán giả.

"Tôi đã tìm thấy thú vui mới: Tiêu diệt bọn rác rưởi. Nếu tôi không làm vậy, người ta sẽ chết vì bị rác đè đầu cưỡi cổ", Vincenzo nói. Khán giả xem hành động của Vincenzo như "thay mặt nhóm người yếu thế trả thù cái ác". Do vậy, sự tàn bạo trong cách anh giết kẻ thủ ác vẫn được nhìn nhận là chính đáng, ít nhiều xuất phát từ lương tâm trong sạch.

Mô-típ nhân vật nằm trong vùng xám đạo đức ngày càng trở nên phổ biến tại phim truyền hình Hàn Quốc. Trước đây, các nhân vật chính thường phải từ bỏ nhân tính, trả giá rất đắt để hoàn thành kế hoạch trả thù của mình. Tuy nhiên, hiện tại, ở các tác phẩm như Vincenzo, Taxi DriverThe Devil Judge, họ được số đông ủng hộ.

Hành vi bạo lực ngày càng tàn bạo của họ, điển hình các vụ hành quyết nơi công cộng, mang đến sự giải trí cho khán giả. Có thể nói, họ là "những người báo thù" nhận được sự tán dương của công chúng.

Nhân vật nằm trong vùng xám đạo đức ngày càng trở nên phổ biến ở phim ảnh. Ảnh: tvN.

Có lẽ, độ nổi tiếng của những nhân vật hư cấu "tự mình thực thi công lý" như Vincenzo phản ánh cảm xúc thật của người xem về xã hội nơi họ sống. Các bộ phim chính kịch này mang đến "lối thoát", giải pháp mà người xem không dễ dàng tìm thấy ở thế giới thực.

Mặt hạn chế

Theo SCMP, so với hầu hết nội dung giải trí của Hollywood, phim truyền hình Hàn Quốc hiện đại tựa như sản phẩm của thời đại truyền thông xã hội. Họ đánh trúng vào nỗi lo lắng, bất bình của khán giả thông qua đề cập loạt vấn nạn, tuy nhiên, nhiều tác phẩm không thể khai thác vấn đề một cách triệt để, toàn bộ.

Các bộ phim như Juvenile Justice, D.P., Squid GameHellbound mong muốn phản ánh mặt tối xã hội, với chủ đề chính rất dễ để nhận thấy như tội phạm vị thành niên, bất bình đẳng trong kinh tế, chênh lệch giàu nghèo, cuồng tín, bắt nạt tại quân ngũ.

Tuy nhiên, một số tác phẩm không thể thể hiện rõ ràng ý đồ như vậy. Nhận thấy mặt tối xã hội đang là đề tài phổ biến, không ít nhà sản xuất cố gắng cài cắm hình ảnh ẩn dụ, ám chỉ rất nhiều hiện tượng xã hội khác nhau để thu hút lượt xem.

Kết quả, do nhồi nhét quá nhiều tình tiết, bộ phim không thể chạm tới cốt lõi vấn đề, càng không đưa ra được cách ứng phó trước các vấn đề xã hội cố hữu này.

Trong All Of Us Are Dead, hai nạn nhân của bắt nạt học đường đột ngột biến thành nhân vật phản diện tại nửa sau phim. Vấn đề của họ chỉ được đề cập tới một cách hời hợt, không có hậu quả cụ thể dành cho kẻ thủ ác hay đi sâu vào nguyên nhân dẫn tới bạo lực tại trường học.

Khán giả cho rằng All Of Us Are Dead chưa mang lại cái kết thỏa đáng cho nạn nhân của bạo lực học đường. Ảnh: Naver.

Người xem đồng thời tỏ ra khó hiểu trước cách All Of Us Are Dead xây dựng hình tượng nhân vật Park Eun Hee, thành viên Quốc hội, nói riêng và những người cầm quyền nói chung. "Tôi không hiểu bộ phim đang muốn thể hiện tầng lớp cầm quyền theo hướng tốt hay hướng xấu", một khán giả nhận xét.

Dù vậy, SCMP nhận xét thế giới được miêu tả trong phim truyền hình Hàn Quốc "gần với thực tế hơn bao giờ hết". Các vấn nạn xã hội họ truyền tải không chỉ khiến khán giả Hàn Quốc, mà cả người xem trên toàn thế giới, cảm thấy đồng cảm.

Thúy Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phim-han-khoi-day-su-phan-no-post1300542.html