Phim độc lập xuất sắc về thân phận phụ nữ trong xã hội xưa

Vợ ba là bộ phim độc lập đầu tay của nữ đạo diễn Nguyễn Phương Anh. Phim sẽ ra rạp VN ngày 17.5, sau khi nhận được nhiều giải thưởng Phim xuất sắc tại các liên hoan phim quốc tế.

Cảnh trong phim Vợ ba - Ảnh: ĐPCC

Được 28 quốc gia và vùng lãnh thổ mua bản quyền

Vợ ba (tựa tiếng Anh: The Third Wife) với câu chuyện về một cô bé 14 tuổi trở thành vợ lẽ của một địa chủ giàu có thế kỷ 19 ở VN là phim độc lập gây chú ý năm qua khi chiến thắng nhiều giải thưởng lớn nhỏ ở các liên hoan phim (LHP) quốc tế, tiêu biểu nhất là giải Phim châu Á xuất sắc nhất ở LHP quốc tế Toronto tại Canada tháng 9.2018. Một số giải thưởng khác gồm: Đạo diễn trẻ xuất sắc nhất dành cho Nguyễn Phương Anh ở LHP quốc tế Chicago (Mỹ); giải TVE-Another Look - giải thưởng tôn vinh các bộ phim liên quan giới nữ, có nghệ sĩ nữ viết kịch bản, đạo diễn hay đóng chính tại LHP San Sebastian - Tây Ban Nha; Phim có đóng góp nghệ thuật xuất sắc nhất tại LHP quốc tế Cairo - Ai Cập; giải Phim truyện xuất sắc nhất tại LHP quốc tế Kolkata - Ấn Độ... Phim hiện đã bán được bản quyền chiếu thương mại ở 28 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Nhật, Anh, Hàn Quốc, Úc, Tây Ban Nha... và sắp tới, sẽ ra mắt từ ngày 15.5 ở khoảng 30 cụm rạp tại Mỹ; ngoài việc được CJ CGV phát hành tại các cụm rạp VN vào 17.5.

Có được sự thành công bất ngờ này chính là nhờ sự kết hợp ăn ý và kiên trì đem phim đi “chào hàng” khắp nơi suốt hai năm qua của nữ đạo diễn Nguyễn Phương Anh (tên tiếng Anh: Ash Mayfair) và nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc. Đạo diễn Nguyễn Phương Anh chia sẻ lý do nung nấu thực hiện bộ phim này: “Phim là câu chuyện về sự trưởng thành, tình yêu và khám phá bản thân trong thời đại phụ nữ ít khi được cất tiếng. Chủ đề tình dục, chuyển biến của nữ giới khi lớn lên, cũng như cuộc đấu tranh của họ trong xã hội truyền thống trọng nam khiến tôi thấy thú vị để bắt tay làm”. Vợ ba có kinh phí 28 tỉ đồng, bối cảnh chính được quay tại Ninh Bình và Cao Bằng.

Nguyễn Phương Trà My trong vai người vợ ba

“Nữ tính và tinh tế, làm mê đắm lòng người”

“Tôi mong bộ phim có khán giả khi chiếu rạp VN, bởi đây là một món ăn khác lạ trên thị trường phim Việt hiện nay: câu chuyện xưa để kể lại cho khán giả bây giờ xem, màu sắc phim rất nữ tính với ê kíp làm phim toàn nữ, sự xuất hiện hiếm có của diễn viên Trần Nữ Yên Khê từ sau Mùi đu đủ xanh, Mùa hè chiều thẳng đứng... Sở dĩ phim được nhiều nước trên thế giới mua bản quyền là vì ngoài ngôn ngữ điện ảnh độc đáo của đạo diễn Phương Anh, còn có nội dung dễ hiểu, gần gũi và sự tò mò gây kích thích cho khán giả quốc tế về không khí, đời sống, con người VN bởi điện ảnh VN đang rất được thế giới để tâm đến”, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc cho biết.

Vợ ba

được nhiều khán giả quốc tế đánh giá là một bộ phim nghệ thuật “tràn đầy nữ tính và tinh tế, đạt đến trình độ thẩm mỹ cao của phim ảnh, làm mê đắm lòng người”. Phim gây chú ý từ đầu khi có sự cộng tác của hai vợ chồng đạo diễn Trần Anh Hùng (đóng vai trò cố vấn nghệ thuật) và Trần Nữ Yên Khê (lần đầu tiên đóng phim không phải do chồng đạo diễn, với vai người vợ cả).

Chuyện phim xoay quanh cô gái trẻ tên Mây (Nguyễn Phương Trà My thủ vai) ở vùng thôn quê VN cuối thế kỷ 19, được gả làm vợ ba cho một gia đình giàu có. Thân phận người phụ nữ VN trong xã hội xưa khi họ không có sự lựa chọn nào khác hơn, cũng như các vấn đề của xã hội lúc đó như hôn nhân sắp đặt, tục đa thê, trọng nam khinh nữ... là điều khiến bộ phim có “sức nặng”.

Việc tìm người đóng vai nữ chính là một thách thức lớn cho đoàn phim khi nhân vật chỉ mới 14 tuổi và có nhiều cảnh nóng nhạy cảm như cảnh sinh nở, lộ ngực, đêm tân hôn... Sau một thời gian thuyết phục diễn viên Trà My cũng như cô bé cảm thấy bộ phim xứng đáng “hy sinh vì nghệ thuật”, đạo diễn Phương Anh chia sẻ khi bộ phim hoàn thành: “Quá trình biến đổi tâm lý của nhân vật Mây đòi hỏi diễn viên phải thể hiện được biến đổi tâm lý của sự trưởng thành nhanh chóng, từ một đứa trẻ ngây thơ đến một người vợ, một người tình, và sau cùng là một người mẹ có trách nhiệm với con cái trong thời lượng 96 phút của bộ phim. Khi lên hình, không ai diễn đạt vai người vợ ba như Trà My”.

“Cảnh nóng nhưng không gợi dục, không gây phản cảm. Chúng tôi kỳ vọng các nhà làm phim khác cũng nên học hỏi tư duy làm phim này, thay vì chăm chăm câu khách với cảnh da thịt”, trang On của Đài Loan bình luận; còn theo tạp chí Harper's Bazaar: “Từng bộ trang phục với màu sắc đều cho thấy họ nghiên cứu rất kỹ nhân vật. Tính cách, thứ bậc trên dưới của một xã hội phong kiến đầy rẫy biến cố đưa lên màn ảnh một cách lắng đọng nhưng mang lại chiều sâu cảm xúc. Bên cạnh đó, âm nhạc với màu sắc thê lương, ám ảnh giúp bộ phim được nâng tầm”; “Với The Third Wife, đạo diễn tài năng Mayfair đã nhặt lấy những sợi đời bị lịch sử bỏ quên và dệt chúng thành một bộ phim mà bản thân người xem sửng sốt khi được diện kiến những thước phim chân thật đến mức thấy được cả bản thân mình”, tạp chí Variety của Mỹ nhận xét... - đó là những bình luận, đánh giá từ giới phê bình quốc tế dành cho bộ phim Vợ ba.

Phan Cao Tùng

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/phim-doc-lap-xuat-sac-ve-than-phan-phu-nu-trong-xa-hoi-xua-1079965.html