Phim đoạt giải Oscar, Cành cọ vàng có mặt tại LHP Quốc tế Hà Nội 2018

Sự kiện do Cục Điện ảnh tổ chức từ ngày 27 đến 30/10 quy tụ nhiều tác phẩm đáng chú ý của điện ảnh thế giới như 'Shoplifters', 'A Fantastic Woman', 'The Salesman'…

Shoplifters (Nhật Bản): Tác phẩm chiếu khai mạc sự kiện HANIFF năm nay do đạo diễn Hirokazu Kore-eda thực hiện, và mới thắng giải Cành cọ vàng danh giá tại Cannes 2018. Chuyện phim theo chân một gia đình nghèo khó, kiếm thêm nhờ nghề trộm cắp và rủ rê thêm người khác tham gia. Mọi chuyện dần thay đổi khi đôi vợ chồng mở cửa đón chào một cô bé phiền phức đến sinh sống cùng mình.

Anna Karenina: Vronsky’s Story (Nga): Nằm trong nhóm phim tranh giải của HANIFF năm nay, bộ phim của đạo diễn Karen Shakhnazarov đem tới một góc nhìn khác về nhân vật Anna Karenina (Elizaveta Boyarskaya) của đại văn hào Lev Tolstoy. Người xem nay có cơ hội hiểu rõ hơn về những lựa chọn của bà khi bỏ rơi cậu con trai Sergei (Kirill Grebenshchikov), hay mối quan hệ phức tạp giữa nhân vật với bá tước Vronsky (Maksim Matveyev).

Nhắm mắt thấy mùa hè (Việt Nam): Đại diện cho điện ảnh Việt Nam dự thi tại HANIFF lần thứ V là tác phẩm độc lập gây tiếng vang của đạo diễn Cao Thúy Nhi, mới ra rạp hồi đầu mùa hè. Câu chuyện trong Nhắm mắt thấy mùa hè đưa Hạ (Phương Anh Đào) tới một thị trấn ở Hokkaido, Nhật Bản. Cô gái trẻ muốn tìm kiếm tung tích người cha, và tình cờ gặp gỡ chàng trai bản địa Akira (Takafumi Akutsu). Cả hai nảy sinh tình cảm từ đây, bất chấp những bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa…

Student A (Hàn Quốc): Trong nhóm phim tranh giải của HANIFF 2018, Hàn Quốc đóng góp một đại diện là Student A. Jang Mi-rae (Kim Hwan-hee) là cô nữ sinh thường bị bạn bè cô lập tại trường học. Cuộc sống ở nhà cũng chẳng khá khẩm hơn khi Mi-rae có người cha nghiện rượu. Cô bé chỉ biết cách chạy trốn thực tại thông qua một trò chơi online, cũng như tập tành viết tiểu thuyết. Một ngày nọ, cậu học sinh “hot boy” Baek-hab (Jung Da-bin) bất ngờ mở lời muốn làm thân với Mi-rae, còn một người đàn ông trẻ quen qua mạng Internet cũng mong được gặp cô ngoài đời thực.

The Wild Pear Tree (Thổ Nhĩ Kỳ, Đức): Mới tham gia tranh giải Cành cọ vàng tại Cannes năm nay, The Wild Pear Tree là bộ phim mới nhất của đạo diễn nổi tiếng Nuri Bilge Ceylan. Nội dung phim xoay quanh nhân vật chính Sinan (Dogu Demirkol). Anh rất đam mê văn chương, và luôn mơ có ngày trở thành nhà văn. Sinan trở về quê hương để tìm kiếm cảm hứng sáng tác, cũng như hy vọng có thể xuất bản tác phẩm đầu tay. Song, món nợ lớn của người cha đã cản đường chàng trai.

Ellipsis (Australia): David Wenham là diễn viên có nhiều năm kinh nghiệm tại Hollywood, nhưng đã chuyển sang làm đạo diễn với bộ phim dài đầu tay mang tên Ellipsis. Tác phẩm độc lập bắt nguồn từ cuộc gặp gỡ giữa hai cá nhân xa lạ trong thành phố đông đúc. Đôi trẻ không thể ngờ rằng sự kiện ấy sẽ thay đổi cuộc sống của họ và những người xung quanh mãi mãi.

On Body and Soul (Hungary): Lấy bối cảnh ngoại ô thủ đô Budapest của Hungary, On Body and Soul là câu chuyện về Endre (Géza Morcsányi) - chủ một lò mổ nhỏ có cánh tay trái tật nguyền và mang nhiều vết sẹo trong tâm hồn. Nhưng cuộc đời ông bỗng nhiên trở nên tươi sáng hơn nhờ Maria (Alexandra Borbély) trẻ trung, xinh đẹp đến từ cục kiểm dịch. Lò mổ đẫm máu bỗng nhiên trở thành nơi tình yêu bắt đầu. Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng toàn là màu hồng. Tại Oscar 2018 mới đây, On Body and Soul nhận đề cử tại hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc.

Ida (Ba Lan): Điện ảnh Ba Lan là một trong hai tiêu điểm của HANIFF năm nay, và khán giả Hà Nội có cơ hội thưởng thức 9 tác phẩm khác nhau đến từ quốc gia châu Âu. Trong đó, Ida là tác phẩm nổi bật với câu chuyện lấy bối cảnh thập niên 1960. Một nữ tu trẻ (Agata Trzebuchowska) chuẩn bị thực hiện lời thề thì phát hiện ra bí mật khủng khiếp của gia đình vốn được cất giấu từ thời Thế chiến II. Theo kế hoạch, nữ diễn viên Agata Trzebuchowska sẽ có mặt tại Hà Nội để giao lưu cùng khán giả. Ida từng thắng giải Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc tại sự kiện năm 2015.

The Salesman (Iran): Tiêu điểm còn lại của HANIFF 2018 là điện ảnh Iran với 8 tác phẩm được trình chiếu. Trong đó, The Salesman là cái tên rất đáng chú ý khi mới giành giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc tại Oscar 2017. Do đạo diễn nổi tiếng Asghar Farhadi thực hiện, bộ phim xoay quanh Emad và Rana - đôi vợ chồng trẻ sống tại Tehran (Iran). Họ chuyển tới ngôi nhà mới mà không thể ngờ rằng những sóng gió đang chờ đợi mình tại đó.

A Fantastic Woman (Chile): Bế mạc HANIFF lần thứ V là bộ phim đến từ điện ảnh Chile và do đạo diễn Sebastian Lelio cầm trịch. Nội dung A Fantastic Woman xoay quanh Marina (Daniela Vega) - một phụ nữ chuyển giới đang tìm cách vượt qua nỗi đau và những định kiến xã hội sau khi bạn trai mình qua đời. Tại Oscar 2018 mới diễn ra, tác phẩm đã lên ngôi ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc.

Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ V diễn ra từ 27-31/10, với hơn 200 buổi chiếu phim tại bốn cụm rạp chiếu phim của thủ đô (TTCPQG, rạp tháng Tám, rạp Kim Đồng, rạp BHD Star Vincom). Tác phẩm khai mạc sự kiện là Shoplifters (Nhật Bản), và bế mạc là A Fantastic Woman (Chile).

Có 12 tác phẩm điện ảnh dài tham gia tranh giải HANIFF năm nay, bao gồm: Anna Karenina: Vronsky’s Story (Nga), The Dark Room (Iran), Pupa (Ấn Độ), The Name (Nhật Bản), Pale Folk (Serbia), Silent Night (Ba Lan), Eva (Pháp), First Law - A Shaman’s Tale (Argentina), Salt Is Leaving the Sea (Indonesia), Student A (Hàn Quốc), Signal Rock (Philippines) và Nhắm mắt thấy mùa hè (Việt Nam).

Bên cạnh hoạt động chiếu phim thông thường, HANIFF lần thứ V tiếp tục mở trại sáng tác tài năng trẻ, tổ chức chợ dự án phim, triển lãm Bối cảnh quay phim đặc sắc tại Việt Nam, cũng như mở hội thảo Tiêu điểm điện ảnh Ba Lan Kinh nghiệm thành công quốc tế của điện ảnh Iran.

Ngoài ra, HANIFF cũng chọn chiếu ba bộ phim ngoài trời là Cô ba Sài Gòn (Việt Nam), Anida and the Floating Circus (Argentina) và Ellipsis (Australia) tại vườn hoa tượng đài vua Lý Thái Tổ trong các tối 28, 29 và 30/10.

Tuấn Lương

Ảnh: HANIFF

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/phim-doat-giai-oscar-canh-co-vang-co-mat-tai-lhp-quoc-te-ha-noi-2018-post887730.html